Ngày thứ hai phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIV

Trách nhiệm và cầu thị

- Thứ Sáu, 08/11/2019, 08:10 - Chia sẻ
Tiếp nối không khí sôi nổi, thẳng thắn, mang đậm tính xây dựng trong ngày chất vấn đầu tiên của QH, hôm qua, những diễn biến từ Hội trường Ba Đình mới tiếp tục là tâm điểm chú ý của dư luận cử tri. Không chỉ đơn thuần bởi sức hút vốn có của các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp QH mà điều khiến cử tri đặc biệt quan tâm còn ở chỗ công tác quản lý nhà nước của ngành nội vụ có liên quan, ảnh hưởng mật thiết đến hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội.

Giảm áp lực văn bằng, chứng chỉ cho cán bộ, công chức

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân là thành viên Chính phủ thứ ba trực tiếp đăng đàn trả lời nhiều vấn đề ĐBQH và cử tri cử quan tâm thuộc các lĩnh vực mà ngành mình quản lý. Với ba phút cho mỗi câu trả lời, kỳ vọng của cử tri đối với “tư lệnh” ngành Nội vụ trước thềm phiên chất vấn hôm qua đã được đáp lại bằng sự thấu hiểu tình hình thực tiễn, nắm chắc lĩnh vực mình quản lý và những câu trả lời ngắn gọn, thẳng thắn. Theo dõi phiên trả lời chất vấn qua sóng phát thanh, truyền hình trực tiếp, nhiều cử tri cũng đánh giá, các giải pháp mà Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đưa ra trước toàn thể QH, trước nhân dân cả nước cũng cho thấy quyết tâm và trách nhiệm của Bộ trưởng trước các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. “Dù đối mặt với nhiều câu hỏi hóc búa, những tồn tại trong công tác quản lý nhà nước không dễ giải quyết một sớm, một chiều, song Bộ trưởng đã đưa ra những câu trả lời đi vào trọng tâm nhờ khả năng bao quát, tổng hợp, nắm chắc số liệu, thông tin thực tiễn”, cử tri Nguyễn Thành Luân (quận 12, TP Hồ Chí Minh) cho biết.


Câu chuyện về biên chế giáo viên nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân

Với Trung tá Đinh Văn Khả (cán bộ hưu trí xã Hiệp Hòa, Quảng Yên, Quảng Ninh), nếu xét về chức năng thì các lĩnh vực mà Bộ Nội vụ thực hiện công tác quản lý nhà nước tương đối khô khan, nhiều khi nếu không có việc hay nghĩa vụ, lợi ích liên quan có lẽ nhiều cử tri không nắm được. Đơn cử như: Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên ngành hành chính và quản lý nhà nước... Tuy nhiên, khi quan tâm, tìm hiểu mới thấy, các lĩnh vực này lại liên quan mật thiết, có sự ảnh hưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực khác trong đời sống. “Vì lẽ đó, những chia sẻ cởi mở của Bộ trưởng tại phiên chất vấn đã giúp rất nhiều cử tri có cái nhìn cơ bản, hình dung được những nỗ lực của Bộ Nội vụ trong triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ”, Trung tá Đinh Văn Khả cho biết.

Theo dõi trọn vẹn phiên chất vấn, Trung tá Đinh Văn Khả đánh cao sự cầu thị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khi thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm của Bộ đối với quy định về văn bằng, chứng chỉ điều kiện để thi xét nâng ngạch và gây tốn kém cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. “Một quy định từ năm 1993, ngót nghét 30 năm tồn tại, thì cần gấp rút đánh giá lại. Nếu lạc hậu, lỗi thời, không cần thiết thì nên bỏ hoặc sửa”, Trung tá Đinh Văn Khả nói. Đồng thời, cho biết: Bộ trưởng đã cam kết với QH, đến năm 2020 sau khi Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, sẽ sửa ngay và sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm thăng hạng xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng không thêm bất cứ một hồ sơ thủ tục nào. Đây là lời hứa, lời cam kết có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng tới rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức. Cử tri sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện lời hứa của Bộ trưởng.

Đề cập đến tình trạng tham nhũng vặt, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức còn diễn ra nhiều nơi, chậm được khắc phục, gây bức xúc trong xã hội mà nguyên nhân xuất phát từ chế tài xử lý quy định trong luật cán bộ, công chức chưa đủ sức nặng, cử tri Trần Thị Thu Hiền (TP Bến Tre, Bến Tre) nhấn mạnh: Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng cần quyết liệt hơn nữa để tạo chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Giảm biên chế không nên cơ học, cứng nhắc

Trong số các nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân hôm qua, vấn đề biên chế giáo viên, y tế cũng là nội dung nhận được sự quan đặc biệt của cử tri. Dẫn nội dung chất vấn của ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) về vấn đề này, nhiều cử tri ủng hộ quan điểm một giáo viên dạy số lượng học sinh càng ít, một nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe số lượng bệnh nhân càng ít thì chất lượng giáo dục, y tế sẽ càng được nâng lên. Tuy nhiên, trong bối cảnh, cả nước đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập thì để tiếp cận xu thế tiến bộ chung này, cử tri cho rằng: Sẽ phải có các giải pháp để hài hòa cả hai chủ trương lớn.

Trước các kết quả Bộ trưởng Bộ Nội vụ báo cáo trước QH về vấn đề biên chế hai ngành giáo dục và y tế, cử tri Nguyễn Thị Phượng (giáo viên mần non ở huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của Bộ Nội vụ trong vai trò tham mưu trực tiếp cho Chính phủ để giải quyết vấn đề này.

Theo cử tri, đối với ngành giáo dục, sự biến thiên xáo trộn liên tục về số lượng học sinh, về đội ngũ thầy cô giáo trong thời gian gần đây khiến các cấp quản lý giáo dục ở địa phương phải tìm nhiều phương kế để bố trí, sắp xếp sao cho hợp lý và ổn định nhất. Với các biện pháp: Sáp nhập, điều chuyển, biệt phái, thuyên chuyển giáo viên tiếp đã phần nào giải quyết được bài toán này. “Tuy nhiên, để có các giải pháp mang tính dài hạn thì Bộ Nội vụ cần là đầu mối phối hợp với các Bộ Y tế, Bộ Giáo dục - Đào tạo xác minh cụ thể từng địa phương và để xây dựng báo cáo tình hình cụ thể, xây dựng phương án đề xuất với chính phủ”, cử tri nhấn mạnh.

Cũng đề cập đến vấn đề này, nhiều cử tri thành phố Hải Phòng cho rằng: Cần quy định khung số người, khối lượng công việc của cán bộ trong ngành giáo dục; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát số học sinh/lớp, số lớp/trường để công tác tinh giản biên chế không ảnh hưởng đến công tác dạy - học và duy trì nền nếp chung. “Nên xem xét tăng biên chế nếu tăng lớp, tăng trường và xem xét lại định mức biên chế giáo dục mầm non bởi đây là cấp học có nhu cầu lớn về giáo viên”, cử tri Hải Phòng đưa ra giải pháp.

MẠNH TUÂN