Theo dòng sự kiện:

Trách nhiệm và bản lĩnh

- Thứ Sáu, 05/11/2021, 06:13 - Chia sẻ
Sáng qua, lần đầu tiên, một hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được tổ chức. Với sự tham dự đông đủ của các đại biểu là Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các ban, bộ, ngành, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các địa phương, đại biểu Quốc hội ở Trung ương và địa phương, đại diện các sở, ngành địa phương... ở 64 điểm cầu trong cả nước không chỉ cho thấy sự quan tâm đối với hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, mà hơn thế, đã cho thấy những đổi mới, sự vào cuộc chủ động, từ sớm, từ xa của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc chuẩn bị các chuyên đề giám sát từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã phát huy hiệu quả bước đầu.

Dù thế, vẫn còn một chặng đường dài phía trước, với rất nhiều công việc phải triển khai thực hiện để bảo đảm các chuyên đề giám sát được tiến hành chặt chẽ, khoa học và hiệu quả. Có thể nói rằng, từ sau hội nghị sáng qua cho đến khi các báo cáo giám sát được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì trách nhiệm trước hết và trên hết thuộc về các Đoàn giám sát. Đó cũng là lý do vì sao trong cả phát biểu khai mạc và bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đều nhấn đi, nhấn lại câu chuyện trách nhiệm của Đoàn giám sát và từng thành viên Đoàn giám sát.

Giám sát muốn hiệu lực, hiệu quả thì phải làm đến nơi, đến chốn, theo đến tận cùng vấn đề, có bằng chứng cụ thể, có đánh giá sát đúng với từng lĩnh vực, đưa ra kiến nghị, đề xuất sắc sảo và theo dõi cả việc tổ chức thực hiện các kiến nghị, kết luận giám sát; phải xác định được trách nhiệm giải trình của các tổ chức, các cấp, ngành, các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Thậm chí, nếu trong quá trình giám sát phát hiện những dấu hiệu sai phạm sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội, cụ thể hóa trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân. Nhưng để làm được như vậy, để đối tượng chịu sự giám sát “tâm phục, khẩu phục” thì giám sát càng phải khoa học, tổ chức giám sát càng phải chặt chẽ, minh bạch, và “thành viên Đoàn giám sát, cán bộ tham gia phục vụ hoạt động giám sát càng phải bản lĩnh".

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn và các thành viên Đoàn giám sát phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. “Đã là thành viên Đoàn giám sát thì từng cá nhân phải làm đến nơi, đến chốn”; lắng nghe ý kiến của chuyên gia, các nhà khoa học, ý kiến của nhân dân, lắng nghe bằng nhiều kênh, nhiều tai, trung thực, khách quan; dám nói thẳng, nói thật, tránh tình trạng “phát hiện dưới cơ sở to bằng con voi nhưng gọt giũa dần khi lên đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì chẳng còn gì nữa”. Phải cảnh báo từ sớm, từ xa như thế, theo Chủ tịch Quốc hội là bởi, những tình huống này, nguy cơ này có thể xảy ra trong thực tế, nhưng giám sát của Quốc hội thì “phải tuyệt đối tránh”.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các Đoàn giám sát “tôn trọng đối tượng giám sát, không sách nhiễu, không gây phiền hà, không cua cậy càng, cá cậy vây, không phải chúng ta giám sát tối cao thì làm gì cũng được mà phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật, không gây phiền hà, ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của các cơ quan, các đối tượng chịu sự giám sát”. Không phải chỉ “nhăm nhăm” tìm những khuyết điểm, sai phạm mà hơn hết, phải phát huy được những mô hình tốt, những cách làm hay để nhân rộng; phải đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tiếp tục đẩy mạnh khâu tổ chức thực hiện để mọi việc tốt hơn, góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước. “Đó mới là mục tiêu cao nhất của giám sát”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Khác với thông lệ trước đây, các Đoàn giám sát lần này có đại diện các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam... tham dự với tư cách là thành viên chính thức. Đây là những cơ quan rất sâu sát và nhiều kinh nghiệm về kiểm tra, giám sát của Đảng, Nhà nước và đại diện cho người dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã phân công, giao nhiệm vụ cho Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các địa phương triển khai các chuyên đề giám sát của Quốc hội và HĐND - không phải là “phối hợp” mà là “giao nhiệm vụ” và yêu cầu Đoàn đại biểu Quốc hội phải chịu trách nhiệm bước đầu về kết quả giám sát, tính xác thực của báo cáo tại địa phương.

Nhìn vào thành viên Đoàn giám sát, sự phân giao nhiệm vụ trong từng chuyên đề giám sát có thể thấy, lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã huy động tổng lực các cơ quan chức năng tham gia tiến hành giám sát, thậm chí sẽ có cơ quan “hai vai” - vừa tham gia giám sát lại vừa là đối tượng chịu sự giám sát. Vì thế, minh định trách nhiệm của từng cơ quan, từng thành viên Đoàn giám sát cũng là yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. “Chúng ta cũng sẽ có cách để giám sát lại những người đi giám sát. Tất cả vì mục tiêu cao nhất là sự phát triển của đất nước”.

Nhìn nhận thấu đáo các khía cạnh, dự lường cả những tình huống có thể phát sinh, Chủ tịch Quốc hội đã đặt ra các yêu cầu rõ ràng, nghiêm ngặt về trách nhiệm của Đoàn giám sát, thành viên Đoàn giám sát và cả các cơ quan chịu sự giám sát. Vì thế, có cơ sở để tin tưởng chắc chắn rằng, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tới đây sẽ tạo nên những dấu ấn mới, không chỉ làm chuyển biến căn bản trong các lĩnh vực giám sát mà sẽ còn lan tỏa, thúc đẩy sự minh bạch và phát triển cả trong những lĩnh vực khác.

Lam Anh