Theo chương trình nghị sự, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); và dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Cùng với đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc bổ sung hơn 63,7 nghìn tỷ đồng từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công; bổ sung hơn 2.500 tỷ đồng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam để thực hiện dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong số 4 nội dung này, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lẽ ra đã được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu vào tháng 10.2023. Tuy nhiên, do nhiều vấn đề còn có ý kiến khác nhau và chưa tìm được phương án chính sách tối ưu, Quốc hội đã quyết định “gác lại” để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm chất lượng cao nhất.
Suốt thời gian qua, đặc biệt từ sau Kỳ họp thứ Sáu, lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã dồn hết tâm trí và sức lực để chỉnh lý, hoàn thiện hai dự thảo Luật quan trọng này. Như với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã chuẩn bị kỹ lưỡng công phu, xin ý kiến nhiều vòng, nhiều lần. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến 6 lần chính thức, chưa kể rất nhiều lần Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội họp với các cơ quan liên quan.
Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội lần này gồm 16 chương, 260 điều, bỏ 5 điều, sửa đổi, bổ sung tại 250 điều (cả về nội dung và kỹ thuật) so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu. Trong đó, trên cơ sở nghiên cứu, thảo luận, trao đổi, rà soát kỹ lưỡng, các cơ quan hữu quan đã thống nhất chỉnh lý, hoàn thiện 18 nội dung lớn. Ví dụ về thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ; về phát triển, khai thác và quản lý quỹ đất; về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền; về tiền thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp...
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội lần này cũng có nhiều thay đổi. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gồm 15 chương, 210 điều (tăng 7 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6). Trong đó, dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về nhiều nội dung: giải thích từ ngữ; ngân hàng chính sách; tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của tổ chức tín dụng, ban kiểm soát; kiểm toán độc lập; hoạt động của tổ chức tín dụng; giới hạn cấp tín dụng; tài chính, hạch toán, kế toán... Một số vấn đề lớn cần xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp này đều hết sức quan trọng, có thể kể đến: dự phòng rủi ro; can thiệp sớm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng; xử lý trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, vay, cho vay đặc biệt; xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm..
Như đã nói, các cơ quan hữu quan, đặc biệt là Ủy ban Kinh tế - cơ quan chủ trì thẩm tra hai dự thảo Luật quan trọng này, đã nỗ lực tối đa, phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm để tiếp tục nâng cao chất lượng các dự thảo Luật. Tuy nhiên có một thực tế là khối lượng công việc quá lớn trong khi quỹ thời gian của cơ quan chủ trì và cơ quan thẩm tra đều rất eo hẹp. Vì vậy, những nội dung liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đặt trên bàn nghị sự Quốc hội lần này có thể không còn nhiều nhưng chắc chắn là vô cùng khó và phức tạp; đặc biệt là dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng có nhiều điều khoản mới.
Đây là thách thức lớn, cũng là gánh trách nhiệm rất đỗi nặng nề với các đại biểu Quốc hội. Nhiệm vụ càng khó khăn thì càng đòi hỏi các đại biểu phải tập trung trí tuệ, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng để bảo đảm hai dự thảo Luật quan trọng này khi thông qua có chất lượng cao nhất và nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo thuận lợi cho người dân, cho cộng đồng doanh nghiệp và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước.