ĐBQH Phan Xuân Dũng (Ninh Thuận):
Hoàn thành đầy đủ các nội dung, đạt hiệu quả, chất lượng
Với tinh thần tích cực, trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ Tư đã hoàn thành đầy đủ các nội dung, chương trình đề ra, đạt hiệu quả và chất lượng. Các phiên thảo luận toàn thể, chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi; các nhóm vấn đề đưa ra chất vấn đều rất sát thực tiễn. Đoàn Chủ tịch và Chủ tọa điều hành linh hoạt, bảo đảm không khí dân chủ, chất lượng cho mỗi phiên họp.
Kỳ họp thứ Tư cũng là một trong những kỳ họp khá đặc biệt, khi đất nước vừa trải qua dịch Covid-19, thế giới có rất nhiều biến động bất ngờ, khó lường, kinh tế thế giới chao đảo. Trong bối cảnh đó, nước ta vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực về kinh tế - xã hội. Quốc hội luôn thể hiện rõ sự đồng hành cùng Chính phủ, kịp thời ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống. Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện rất rõ vai trò, trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị trí tuệ với Chính phủ và các cấp có thẩm quyền nhằm đưa ra chủ trương, chính sách thực sự phù hợp.
Đáng chú ý, tại Kỳ họp thứ Tư lần này, nhiều dự án luật khó được Quốc hội đưa ra thảo luận. Trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự luật rất phức tạp, rất khó, tác động tới xã hội và sẽ được Quốc hội thảo luận trong 3 kỳ họp. Tại phiên họp toàn thể thảo luận về dự án Luật này, nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội, còn khiếm khuyết trong quá trình thực hiện Luật hiện hành… đều được các đại biểu Quốc hội đưa ra để Bộ Tài nguyên và Môi trường - cơ quan được giao chủ trì soạn thảo tiếp thu và báo cáo với Chính phủ.
Quốc hội cũng thảo luận rất sôi nổi, đóng góp ý kiến với các dự luật khác trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp, như Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện… Các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều nhằm tìm ra những giải pháp tốt nhất để điều chỉnh một số vấn đề đang nổi lên, được dư luận xã hội quan tâm. Có thể thấy, việc xem xét thông qua hay thảo luận kỹ về các dự luật quan trọng và có phạm vi ảnh hưởng rộng là một thành công nổi bật của Kỳ họp lần này.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp):
Thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, không chạy theo tiến độ
Quốc hội đã thực hiện thành công nội dung chương trình đề ra, dù thời gian Kỳ họp được rút ngắn, trong khi khối lượng công việc phải giải quyết rất lớn, trong đó có nhiều nội dung mới, khó và phức tạp. Với sự điều hành của Đoàn Chủ tịch, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, từ đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, xác định mục tiêu, định hướng cho năm 2023 đến tiến hành giám sát tối cao một nội dung khó, phạm vi thực hiện rộng là việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như tiến hành công tác lập pháp, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của quốc gia khác.
Đáng chú ý, theo chương trình ban đầu, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được thông qua theo quy trình 2 kỳ họp. Tuy nhiên, trên cơ sở phát biểu của đại biểu Quốc hội tại hội trường cũng như báo cáo của Chính phủ, của Thường trực Ủy ban Xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và đề nghị Quốc hội chưa thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ Tư để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện. Việc Quốc hội nhất trí chưa thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ Tư là rất chuẩn xác, cho thấy Quốc hội không quá vội vàng, không gấp rút thông qua một dự thảo luật chưa hoàn chỉnh dù đã có trong chương trình. Thời gian tới, dự thảo Luật sẽ tiếp tục được đưa ra lấy thêm ý kiến góp ý của chuyên gia, người dân và các đối tượng chịu tác động để bảo đảm sau khi ban hành sẽ bảo đảm chất lượng, tính khả thi và sớm đi vào cuộc sống.
Sự thận trọng, khách quan, công tâm, vô tư, cân nhắc kỹ lưỡng, không chạy theo tiến độ cho thấy một Quốc hội ngày càng trách nhiệm, ngày càng chuyên nghiệp, luôn đặt chất lượng xây dựng luật, vì quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân lên hàng đầu, tránh tình trạng "Luật vừa ban hành phải sửa đổi, bổ sung".
Tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội cũng đã thông qua nhiều dự thảo luật, nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Để thực hiện các mục tiêu được Quốc hội đưa ra trong Nghị quyết này, trước hết cần tổ chức thực hiện tốt các giải pháp được Quốc hội, Chính phủ đề ra. Trong đó, giải pháp căn cơ, cốt lõi là sự chủ động, tinh thần "tiến công" trong cả hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Bởi thực tiễn vừa qua cho thấy, để thực hiện được những mục tiêu đã đề ra, thì yếu tố có vai trò hàng đầu là ý thức chủ quan của các cơ quan, đơn vị, nhất là trách nhiệm, sự gương mẫu, thể hiện vai trò "đầu tàu" của người đứng đầu.
Các giải pháp nêu trong Nghị quyết của Quốc hội cũng như trong báo cáo của Chính phủ đã cơ bản đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Tuy nhiên, điều tôi lo lắng là khâu tổ chức thực hiện. Lãnh đạo, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị không thể giữ thói quen “sáng cắp ô đi, chiều mang ô về”, hay cách nghĩ “thà không làm để nhận kiểm điểm còn hơn đứng trước vành móng ngựa”. Những suy nghĩ tiêu cực này còn có ở đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thì chúng ta không thể "tiến công" để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Quốc hội vừa xác định cho năm 2023.
ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp):
Công tác lập pháp là dấu ấn quan trọng, đóng góp vào thành công chung của kỳ họp
Kỳ họp thứ Tư đã thành công tốt đẹp, đạt được những kết quả hết sức tích cực, đáp ứng yêu cầu, mong đợi của cử tri và Nhân dân. Trong đó, kết quả công tác lập pháp là một dấu ấn quan trọng, nổi bật, đóng góp to lớn và hết sức ý nghĩa vào thành công chung của Kỳ họp.
Điểm nổi bật trong hoạt động lập pháp tại Kỳ họp này là công tác chuẩn bị các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội được các cơ quan, nhất là cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đặc biệt chú trọng với tinh thần trách nhiệm rất cao. Hồ sơ các dự án luật, dự thảo nghị quyết được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, cẩn trọng; đồng thời cơ bản bảo đảm thời gian gửi hồ sơ theo quy định để các đại biểu nghiên cứu. Không khí các phiên thảo luận tại tổ và Hội trường về các dự án luật, dự thảo nghị quyết luôn rất sôi động với sự tham gia phát biểu, tranh luận của đông đảo các đại biểu Quốc hội. Nhiều phiên thảo luận tại Hội trường, khi kết thúc thời gian làm việc, nhưng trên bảng điện tử vẫn còn hàng chục đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu.
Đặc biệt, chất lượng các ý kiến thảo luận, tranh luận ngày càng được nâng cao theo hướng chuyên sâu, toàn diện, trực tiếp, đầy đủ với những kiến nghị, đề xuất rất cụ thể, rõ ràng. Đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp, có thể thấy rõ một tinh thần làm việc hết sức khẩn trương, trách nhiệm và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện để kịp trình Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp, bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Và, một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của Kỳ họp thứ Tư, đó là công tác xây dựng, bố trí, sắp xếp chương trình Kỳ họp rất khoa học, chặt chẽ, hợp lý, có tính thực tiễn cao, vừa bảo đảm đủ thời gian để các đại biểu nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến, vừa bảo đảm thời gian để cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan liên quan triển khai các công việc tiếp thu, chỉnh lý.
ĐBQH Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang):
Thành công đến từ sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng
Nhìn chung Kỳ họp thứ Tư đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội chuẩn bị rất chu đáo, kỹ lưỡng, các nội dung trong chương trình Kỳ họp phù hợp, bảo đảm đúng tiến độ và thời gian. Đặc biệt, đây là kỳ họp cuối năm nên có nhiều nội dung quan trọng, đánh giá, nhìn lại kết quả cả năm qua, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho năm tới. Trong 21 ngày làm việc, nhiều dự án Luật được đưa ra thảo luận trên tinh thần sôi nổi, trách nhiệm; các dự luật và Nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua đều bảo đảm chất lượng về nội dung, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Trong đó, có dự luật rất quan trọng, thu hút sự quan tâm, theo dõi của cử tri và Nhân dân cả nước, có tác động sâu rộng đến hoạt động kinh tế - xã hội là dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được đưa ra thảo luận lần đầu.
Và một nội dung quan trọng nữa, giống như một “món quà” đối với các cán bộ, công chức, viên chức là Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 được Quốc hội biểu quyết thông qua, theo đó, việc tăng lương cơ sở sẽ được thực hiện từ ngày 1.7.2023 lên mức 1,8 triệu đồng/tháng. Qua 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đất nước ta đã có sự hồi phục rất nhanh chóng, do đó tăng lương là điều cán bộ, công chức, viên chức luôn mong mỏi.
Tôi đặc biệt đánh giá cao sự điều hành của Đoàn Chủ tịch ở các phiên họp, rất đúng quy định, ngắn gọn, rõ ràng, linh hoạt, hiệu quả, vừa có tính gợi mở, vừa sắc sảo, nắm chắc được vấn đề giúp các đại biểu Quốc hội thêm tự tin phát biểu, tranh luận, đặc biệt là ở các phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Kỳ họp lần này còn có sự đổi mới ở các phiên thảo luận tổ, theo đó ý kiến của các đại biểu Quốc hội được ghi và gửi lại ngay cho các đại biểu. Điều này thể hiện sự sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin thành công vào Kỳ họp Quốc hội. Đây là cải tiến cần tiếp tục phát huy, hoàn thiện để quy trình này ngày càng chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn nữa trong các kỳ họp tiếp theo.