Trà Việt và dư địa trà Việt?
Nghèo nàn về chủng loại, mẫu mã chưa hấp dẫn, việc chế biến và sản xuất nguyên liệu chưa gắn kết đã dẫn đến sản lượng xuất bán chè lớn mà doanh thu đạt thấp. Đây là những bất cập của ngành chè được nêu ra tại Hội thảo Sản phẩm trà và phát triển ngành chè sau thu hoạch, xúc tiến đầu tư và du lịch vừa được tổ chức trong khuôn khổ Festival Trà Thái Nguyên 2013.
![]() Nguồn: tamhoc.com |
Hiện cả nước có khoảng 130.000ha chè, năng suất bình quân đạt trên 77 tạ/ha, mỗi năm chế biến được gần 200.000 tấn chè khô các loại. Sản phẩm chè có thị trường rộng, ổn định cả trong và ngoài nước. Việt Nam là một trong 5 nước sản xuất và xuất khẩu chè lớn nhất thế giới. Chè Việt Nam được xuất khẩu sang 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng trong 8 tháng năm 2013 đã xuất khẩu được 90.000 tấn với giá trị kim ngạch đạt 142 triệu USD. Thương hiệu chè Việt đã được đăng ký và bảo hộ tại 70 thị trường quốc gia và khu vực. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Công thương Thái Nguyên Đinh Khắc Hiếu, khó khăn của ngành sản xuất chè hiện nay là vấn đề ổn định và bảo đảm chất lượng theo chủng sản phẩm. Các doanh nghiệp chế biến công nghiệp có máy móc, thiết bị đồng bộ, có khả năng ổn định chất lượng sản phẩm nhưng không chủ động về nguyên liệu. Ngoài ra, sự nghèo nàn về chủng loại, mẫu mã chưa hấp dẫn; chế biến và sản xuất nguyên liệu chưa gắn kết; chưa đầu tư thỏa đáng cho công tác khảo sát, tiếp thị quảng bá… dẫn đến tình trạng sản lượng xuất bán chè lớn mà doanh thu đạt thấp.
Mặc dù, xuất khẩu đứng thứ 5 thế giới nhưng 90% sản lượng xuất khẩu dưới dạng thô, hệ quả là giá chè xuất khẩu chỉ bằng 70% giá thế giới. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ tái cơ cấu ngành chè là chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Phó cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông, lâm, thủy sản và Nghề muối Đoàn Xuân Hòa nhận định, vị thế thương hiệu chè Việt trên thế giới hiện còn thấp. Chè Việt vẫn chỉ được coi là sản phẩm đấu trộn với các sản phẩm khác nhằm giảm giá thành. Đây là lĩnh vực có nhiều dư địa nhất để nâng cao giá trị gia tăng của chè Việt, bao gồm áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, tăng năng suất và giảm tổn thất sau thu hoạch; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong bảo quản, chế biến, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng ngay từ khâu sơ chế, bảo quản. Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chè đạt tỷ lệ 50/50 chè xanh và chè đen. Ngoài ra, cần tổ chức lại ngành chè, loại bỏ dần những cơ sở nhỏ lẻ không bảo đảm điều kiện kỹ thuật; bên cạnh đó khuyến khích sản xuất, chế biến chè truyền thống gắn với các danh trà, các vùng sản xuất có chỉ dẫn địa lý.
Đồng tình với quan điểm khuyến khích sản xuất, chế biến chè truyền thống gắn với các danh trà, Pgs, Ts. Nguyễn Duy Thịnh (Đại học Bách Khoa Hà Nội) gợi ý, người Trung Quốc, Đài Loan (thuộc Trung Quốc), Nhật Bản… rất chú trọng mô hình sản xuất trà với quy mô gia đình, đặc biệt là đối với các loại danh trà, cho giá trị thu nhập cao. Do sản xuất với quy mô nhỏ, họ chế tạo máy, thiết bị có năng suất thấp nhưng hiện đại và phần lớn là tự động hóa (Nhật Bản). Ngoài ra, họ còn biết kết hợp với du lịch văn hóa trà, xây dựng nhiều trà thất và trà quán. Để làm được điều này, trà Việt cần cải tạo giống chè, hiện đại hóa quy trình chế biến, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, quy hoạch, xây dựng làng nghề, các không gian văn hóa trà để thu hút khách du lịch…
Dưới góc độ nghiên cứu về chuỗi giá trị ngành chè tỉnh Thái Nguyên, Ths. Nguyễn Hữu Thọ (Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên) cho biết, sản phẩm chè Thái Nguyên rất đa dạng về chuỗi giá trị, tổng giá trị của mỗi chuỗi phụ thuộc vào sản phẩm và độ dài của chuỗi (sản phẩm tiếp cận tới người tiêu dùng cuối cùng). Vì vậy, cần hạn chế các chuỗi có nhiều tác nhân; đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với nông dân (hợp tác xã) và người sản xuất với người chế biến, trong đó cần chọn lựa các công ty đóng vai trò là tác nhân chính trong chuỗi giá trị. Song song với đó, cần tiến hành nghiên cứu để xác định thị trường và khách hàng tiềm năng. Cuối cùng, cần xác định xem việc sản xuất và sản phẩm ngành chè có đáp ứng được sở thích và nhu cầu của thị trường không.
Khẳng định thị trường là khâu cuối cùng đặc biệt quan trọng để sản phẩm đến với người tiêu dùng, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương Lê Việt Nga nhấn mạnh, ngoài xuất khẩu ngành chè không được bỏ trống thị trường nội địa. Đây là thị trường có tiềm năng lớn do đời sống người dân ngày càng được nâng cao, sức tiêu thụ gia tăng, nhất là với các loại trà có chất lượng cao, được đóng gói mẫu mã hiện đại. Hiện đa số người tiêu dùng vẫn uống trà xanh nhưng cũng cần chú ý tới xu hướng tiêu dùng trong giới trẻ. Giới trẻ đang chuộng sử dụng các sản phẩm trà túi nhúng. Do đó, các doanh nghiệp trong nước cần nhắm vào phân khúc thị trường này, chia sẻ thị phần với các doanh nghiệp trà ngoại.