Trò chuyện đầu tuần

“Trả sao hết ân tình của khán giả…”

“Trả sao hết ân tình của khán giả…”

Gần bốn thập kỷ cống hiến cho cải lương, NSND THANH NGÂN đã chinh phục trái tim khán giả bằng giọng ca ngọt ngào và diễn xuất duyên dáng, tinh tế. Trò chuyện với chị để thấy sau ánh đèn sân khấu là hành trình vất vả, gian nan, tình yêu cải lương như ngọn lửa âm ỉ tiếp sức cho nghệ sĩ vượt qua thăng trầm...

Nhìn cải lương qua thăng trầm của mẹ

- Được biết NSND Thanh Ngân sinh ra trong gia đình có bốn đời theo nghệ thuật cải lương. Chị có thể chia sẻ một chút về điều đó?

- Thanh Ngân quê nội ở Long An, quê ngoại ở Vĩnh Long. Ông cố ngoại là ông Hai Núi, bầu gánh hát Tân Hí Ban, thuộc trường phái kiếm hiệp Mộng Vân Ban. Nữ diễn viên Tư Hélène là bà ngoại và kép chánh Hai Long là ông ngoại của Thanh Ngân. Các diễn viên Hề Tỵ, Ba Tẹt là ông cậu của Thanh Ngân.

NSND Thanh Ngân biểu diễn trong chương trình nghệ thuật Nắng Ba Đình năm 2024 do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức

NSND Thanh Ngân biểu diễn trong chương trình nghệ thuật Nắng Ba Đình năm 2024 do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức

Đến đời ba mẹ là nghệ sĩ Hoài Châu và Kim Hoa. Nghệ sĩ Kim Hoa có 4 người con gái. Chị hai Thanh Hằng, chị tư Ngân Quỳnh, chị năm Thanh Ngọc đều tham gia hoạt động nghệ thuật từ khi còn rất trẻ và được nhiều khán giả yêu mến. Riêng lĩnh vực cải lương có chị cả Thanh Hằng và chị năm Thanh Ngọc thường được giao những vai đào độc hay những vai diễn đa nhân cách, còn chị tư Ngân Quỳnh và Thanh Ngân được khán giả nhớ đến như một cô đào thương…

- Nhiều lần nói rằng chị coi cải lương là nghiệp của mình, không biết hành trình gắn bó với nghệ thuật ấy bắt đầu như thế nào?

- Bà ngoại tôi giải nghệ ở độ khoảng 28 tuổi, nghề cải lương truyền tới mẹ và 17 tuổi Ngân nối nghiệp gia đình, lúc đó mẹ vẫn còn hát cho kịch Kim Cương. Chỉ khi Thanh Ngân bắt đầu thâm sâu hơn với cải lương thì mẹ chính thức giã từ sân khấu năm 44 tuổi.

Thanh Ngân nhìn cải lương qua thăng trầm của mẹ. Cuộc đời mẹ rày đó mai đây, gạo chợ nước sông, ăn quán ngủ đình, Bắc - Trung - Nam bà đều trải nghiệm với cuộc sống màn trời chiếu đất. Mẹ đã trải qua bao khó khăn, lao nhọc nhưng nhờ hy sinh đó mà tôi được học hỏi, trải nghiệm, cọ xát với nghề hát. Từ 3 tuổi tôi đã được mẹ cho ra sân khấu diễn vai Nghi Xuân trong vở Phạm Công - Cúc Hoa.

Nhìn lại ngày đó mới thấy nghệ thuật như có sẵn trong mình, Ngân được dưỡng nuôi trong chất liệu nghệ thuật từ thuở bé. Mẹ nói nhịp cải lương rất khó cho nên người dạy phải kiên nhẫn, nào la rầy, nào thúc ép, nhưng riêng tôi thì mẹ cứ như không. Dưới sân khấu, mẹ chỉ bảo “rồi lát con ra con hát bài Ú liu ú sáng nha, hát như vầy nè…”. Cứ thế, mẹ dạy đôi lần là tôi biết hát. Cứ thế Thanh Ngân bén duyên với nghiệp Tổ.

Nhiều cung bậc cảm xúc

- Kỷ niệm đóng vai diễn nào từ thuở bé khiến chị nhớ nhất?

- Năm 7 - 8 tuổi, Thanh Ngân vào vai cô bé Hơ Bia trong vở cải lương Núi rừng lên tiếng của đoàn nghệ thuật cải lương Tiền Giang. Trong vở này, cô bé Hơ Bia vì muốn giữ làng, giữ sóc mà đứng lên đấu tranh rồi bị lính Mỹ bắn. Phân đoạn Hơ Bia bị bắn, chết đứng trước cửa nhà rông, đôi mắt vẫn rực lửa căm hờn, uất ức, thù hận, tôi diễn nhập tâm nên nhận được rất nhiều lời khen của cô chú đoàn hát, của khán giả.

NSND Thanh Ngân trong vở cải lương "Tiếng trống Mê Linh"

NSND Thanh Ngân trong vở cải lương "Tiếng trống Mê Linh"

- Sinh ra trong cái nôi nghệ thuật, chứng kiến những tấm gương tâm huyết, đam mê nghệ thuật cải lương, lên sân khấu làm tròn vai như thế… nhưng có bao giờ chị có ý nghĩ bỏ nghiệp hát không?

- Không phải chỉ nghĩ thôi đâu, mà Thanh Ngân từng bỏ hát thật. Lúc đấy tôi thấy nghề hát sao bấp bênh, vất vả quá nên không muốn theo. Đến tuổi đi học, vì quá đam mê ca hát nên tôi nhập học muộn hơn bạn đồng trang lứa. Mang tiếng học muộn nhưng không hiểu sao tôi bắt kịp các bạn rất nhanh. Tôi say mê học với ước mơ theo ngành luật, nếu không theo được thì chọn làm nha sĩ. Một hai năm đầu, cứ 3 tháng hè ba mẹ lại đưa tôi về gánh hát, lên sân khấu biểu diễn khắp nơi. Sau rồi, tôi quyết định không xuống đoàn hát, không muốn vương vấn với cải lương…

- Những ngày tháng rời xa đoàn hát, trong tâm lý của một cô bé mới lớn lúc đó nghĩ như thế nào về nghề truyền thống của gia đình?

- Thực ra giai đoạn đó tôi không bài xích cũng không cổ xúy, vướng chấp cái tâm phân biệt nghề này, nghề kia. Tôi chỉ không muốn mình lặp lại cuộc đời như ba mẹ. Thế nhưng, bằng cách nào đó, ba mẹ lại đánh thức tình yêu nghệ thuật cải lương trong tôi khiến nó cháy bỏng trở lại. 17 tuổi, tôi từ bỏ mái trường, đi theo kỳ vọng của ba mẹ.

Giờ nhìn lại, dù ước mơ học tập dở dang nhưng nghệ thuật đã đem đến cho Thanh Ngân nhiều cung bậc cảm xúc qua từng nhân vật hoá thân. Mỗi vai diễn là tấm gương phản chiếu cho Ngân muôn bài học để dần dần rơi rụng mọi trái chướng của chính mình. Nhờ những va đập, khúc quanh trong cuộc sống hòa vào mồ hôi và nước mắt trên sàn tập, cùng với vinh quang cả những điều bất như ý đã cho tôi thấu cảm, trưởng thành, vững vàng hơn trong hành trình nghệ thuật.

Là một - Thật và Đẹp

- Nhìn lại, điều gì đã níu chị lại với nghề?

- Tính ra, không phải đợi đến lúc sinh ra đâu, mà khi nằm trong bụng mẹ tôi đã theo gánh hát rồi. Mẹ mang thai mà vẫn hát, nhảy trên sân khấu, đánh kiếm, múa võ theo nhân vật, cứ vậy tới khi chuyển dạ mới tạm ngừng khoảng 3 tuần rồi lại tiếp tục đi hát.

Có lẽ, chính điều đó giúp Ngân được sống với nghệ thuật cải lương không gián đoạn. Tôi thấm làn điệu vọng cổ, thấm cả cái cảnh gian nan, khó khăn, lắm lúc nghèo đói. Vì gánh hát lúc được lúc không, do người dân mất mùa, hay gặp mùa bão lũ miền Trung, mưa dầm lũ lụt miền Tây Nam Bộ… phải nghỉ hát. Những lúc ngưng nghỉ ấy không có tài chính, lũ trẻ chúng tôi chỉ ăn cơm với mắm với muối… nhờ dân chúng gom góp cho đoàn hát. Thực phẩm mỗi ngày trong cơn bão lũ, mưa dầm, hoàn toàn nhờ vào người dân yêu thương nghệ sĩ và cải lương.

- Mấy mươi năm gắn bó với nghệ thuật cải lương, chị thấy mình nhận được gì?

- Trước câu hỏi này, không hiểu sao, tôi thấy mình rỗng không! Tôi không thấy mình cho đi, cũng không nghĩ mình nhận lại, mà thấy mình và cải lương đang cộng hưởng… là một - Thật và Đẹp.

Cuộc đời nghệ thuật của tôi gắn liền với khán giả từ trong hoài thai của mẹ. Từ hạt gạo mẹ ăn, miếng nước mẹ uống, thực phẩm mẹ dùng hàng ngày để nuôi lớn cái thai trong bụng cho tới khi sinh, rồi bế bồng theo gánh hát cũng là từ những ân tình của khán giả dành cho. Nên Thanh Ngân tự nhủ rằng hình hài này chính nhờ khán giả nuôi lớn.

- Bây giờ ai cũng nói cải lương mai một, thế hệ trẻ không còn yêu thích cải lương... Chị nghĩ thế nào về điều đó?

- Trải qua hơn 100 năm, cải lương có thăng, có trầm. Tôi lại lạc quan tin vào quy luật vũ trụ và nhân sinh. “Hãy để cho nó đi theo dòng chảy tự nhiên của chính nó”. Trong guồng chảy đó, Thanh Ngân sẽ là con tằm nhả tơ. Sức khỏe này, trí tuệ này, tâm huyết này, Ngân sẽ tiếp tục với những điều tốt nhất có thể để đền đáp Tổ nghiệp, đền đáp ân tình khán giả dành cho nghệ thuật cải lương!

- Xin cảm ơn NSND Thanh Ngân!

Văn hóa - Thể thao

Để lá cờ Tổ quốc không ngừng bay ở vĩ tuyến 17
Văn hóa

Để cờ Tổ quốc tung bay ở vĩ tuyến 17

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17 là niềm tin, hy vọng của Nhân dân về một ngày đất nước thống nhất. Và để bảo vệ lá cờ không ngừng bay giữa mưa bom, bão đạn, nhiều chiến sĩ đã cống hiến thanh xuân của mình.

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.