Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng 6,46%
UBND TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.
Chánh Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh Đặng Quốc Toàn cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 567.648,7 tỷ đồng, tăng 6,46% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực thương mại dịch vụ đóng góp nhiều nhất với 4,34 điểm phần trăm. Đây cũng là lĩnh vực có mức tăng trưởng cao nhất với 7,26%.
Tất cả 9 ngành dịch vụ trọng yếu của thành phố (TP) đều có mức tăng trưởng dương, tăng cao nhất là ngành vận tải, kho bãi (18,47%), thấp nhất là ngành bất động sản (2,94%). Giá trị tăng thêm của 9 ngành này chiếm 59,9% trong GRDP, chiếm 91,3% trong khu vực dịch vụ.
Thống kê 6 tháng đầu năm 2024 cũng ghi nhận, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) đạt mức tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ, cao nhất trong 3 năm gần đây. 17/30 ngành công nghiệp cấp 2 có chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng tăng so với cùng kỳ, thấp nhất trong quý II. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp đang có sự phục hồi.
Theo báo cáo của Cục Thống kê TP, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo… cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh quý II đã có tín hiệu khởi sắc so với quý trước.
Cụ thể, 37% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên; 36,6% giữ ổn định và 26,4% khó khăn hơn. Trong đó, 80% doanh nghiệp nhà nước cho rằng hoạt động quý II so với quý I tốt lên và giữ ổn định, tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và ngoài nhà nước lần lượt là 73,6% và 72,7%.
Dự báo trong quý III, 37% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn; 41,2% giữ ổn định và 21,8% khó khăn hơn. Trong đó, có 82,5% doanh nghiệp nhà nước có cái nhìn tích cực về tình hình kinh doanh trong thời gian tới, tỷ lệ này ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và ngoài nhà nước tương ứng là 79,4% và 76,9%.
Tập trung các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đánh giá, trong 6 tháng qua mức tăng trưởng, thu - chi ngân sách, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, công tác chỉ đạo trong thực hiện chủ đề năm của TP đã có sự tập trung và đạt được những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, có 2 vấn đề cần phải lưu ý, đó là năng lực hấp thu vốn và hiệu quả cải cách hành chính của TP vẫn chưa có nhiều chuyển biến, đầu tư công hay tư còn vướng mắc trong khâu thủ tục. Chủ tịch UBND TP đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, TP. Thủ Đức tập trung cao giải quyết vấn đề này trong quý III và quý IV.
“Trong 6 tháng cuối năm phải tập trung mọi nỗ lực, tìm mọi giải pháp thúc đẩy cho được tăng trưởng, mục tiêu là quý III phải tăng 7% trở lên, cố gắng đạt 8% ở quý IV. Trong đó, phải tập trung mạnh mẽ cho các giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Về tháo gỡ khó khăn, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết đã định hình các nội dung tháo gỡ trong 6 tháng đầu năm nhưng hiệu quả chưa cao; đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan hệ thống lại các đầu việc cần tháo gỡ. Mặt khác, các cơ quan, đơn vị cần rà soát, xem xét các vấn đề liên quan để sẵn sàng triển khai khi các luật có hiệu lực không bị động cho người dân và doanh nghiệp.
Về cải cách hành chính và chuyển đổi số, Chủ tịch UBND TP giao Sở Nội vụ theo dõi, đề xuất triệt để khắc phục được 6 điểm đã chỉ ra từ năm 2023; tập trung triển khai bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương của TP. Hồ Chí Minh. Sở Nội vụ cũng chủ trì phối hợp với các địa phương, đơn vị rà soát các giải pháp đột phá cải thiện chỉ số cải cách hành chính của thành phố trong năm 2025.
Đối với việc thực hiện Nghị quyết 98, Chủ tịch UBND TP yêu cầu phải tập trung làm để cho ra kết quả cụ thể. Trong đó, các địa phương, đơn vị phải hệ thống lại trong 1 năm qua TP đã triển khai được những nội dung gì từ nghị quyết này, từ nay đến cuối năm làm những gì.