Triển khai học bạ số là là một trong những nội dung thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của ngành giáo dục và đào tạo TP. Hồ Chí Minh.
Dữ liệu về người học, điểm số, kết quả học tập và rèn luyện của học sinh được cập nhật theo từng môn học, khối lớp để bảo đảm tính nhất quán, toàn vẹn thông tin. Sau khi hoàn tất cơ sở dữ liệu, hệ thống quản lý dữ liệu học bạ số của TP. Hồ Chí Minh được kết nối với hệ thống quản lý dữ liệu học bạ số của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cùng cơ sở dữ liệu chung toàn ngành GD-ĐT.
Trong đó, học bạ số có giá trị pháp lý tương đương học bạ giấy, được sử dụng thay thế học bạ giấy trong các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động học tập của học sinh. Trong trường hợp cần thiết, học bạ số có thể được in ra, có xác nhận của cơ sở giáo dục phát hành học bạ hoặc được sao y từ văn bản điện tử theo quy định, có giá trị pháp lý tương đương học bạ giấy.
Theo lộ trình, năm học 2023-2024, TP. Hồ Chí Minh thí điểm triển khai học bạ số đối với 132.000 học sinh khối lớp 1. Năm học 2024-2025, học bạ số tiếp tục được triển khai đối với khối lớp 6, đồng thời số hóa toàn bộ dữ liệu học bạ của học sinh tiểu học và THCS. Năm học 2025-2026, học bạ số được triển khai ở khối lớp 10 và số hóa toàn bộ dữ liệu học bạ của học sinh cấp THPT.
Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ các địa phương, cơ sở giáo dục về kỹ thuật, giải đáp các băn khoăn trong quá trình triển khai học bạ số.
Ngoài ra, để bảo đảm yêu cầu bảo mật thông tin, việc truy cập và xử lý dữ liệu được phân quyền cụ thể đối với từng cá nhân, gồm: cán bộ quản lý, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, nhân viên học vụ, văn thư và quản trị viên trường học.
Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh sẽ xử lý nghiêm các hành vi làm giả, truy cập trái phép, sửa chữa hoặc tiết lộ thông tin cá nhân của học sinh; có biểu hiện độc quyền, vận hành không lành mạnh trong việc khai thác và sử dụng dữ liệu trên học bạ số.