Bao ra nghề từ 3-5 ngày
Thanh tra Sở Y tế vừa phối hợp với Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) phát hiện, xử lý một cơ sở đào tạo tiêm filler, Bottox không phép có tên Green Skin Center (59 Bạch Đằng, Phường 2, quận Tân Bình).
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở có treo biển hiệu “Green Skin Center” với cửa cuốn khép hờ. Nhờ sự can thiệp của chính quyền địa phương, đoàn kiểm tra vào được bên trong, phát hiện có hơn 20 người là học viên đang tham gia khoá đào tạo về thẩm mỹ.
Trên bảng giá khoá học của cơ sở này có nội dung: “cam kết học tiểu phẫu cấp tốc bao ra nghề từ 3-5 ngày, bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình hơn 15 năm kinh nghiệm đào tạo kèm 1:1 bao vật tư, bao mẫu thực hành tại Green Skin Center”.
Các học viên tham gia khoá đào tạo trái phép này cho biết, đã đăng ký tham gia lớp đào tạo này nhờ đọc được thông tin quảng cáo từ tài khoản mạng xã hội Facebook có tên “Trung tâm Căng chỉ Colagen Green”. Ngoài ra, một số học viên khác biết được do bạn bè đã từng tham gia các khoá đào tạo trước đó giới thiệu.
Học viên tham gia khoá học nộp cho Green Skin Center 1 triệu đồng, sau 3 ngày học sẽ được cấp chứng chỉ và người dạy là ông Trần Khánh Bảo.
Đoàn kiểm tra ghi nhận các giấy tờ có nội dung: “Certificate of Completion” đóng dấu Công ty TNHH Green Skin Center; “Certificate” của Trung tâm Đào tạo nghề Green xác nhận học viên tham gia và hoàn thành khóa đào tạo “căng chỉ - filler – Bottox sơ cấp, trung cấp.
Ngoài ra, Trung tâm Đào tạo nghề Green in chứng chỉ sơ cấp, trung cấp cho các học viên đã hoàn thành khóa học căng chỉ - filler - Botox có chữ ký CEO BS Trần Khánh Bảo, hình ảnh con dấu của Công ty TNHH TM DV Green Skin Center và Công ty TNHH Green Skin Center.
Thanh tra Sở Y tế cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Sở LĐ-TB-XH làm rõ các nội dung vi phạm liên quan đến hoạt động đào tạo và cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh của cơ sở Green Skin Center và làm rõ về “CEO BS Trần Khánh Bảo”.
Sở Y tế kêu gọi các tổ chức, cá nhân đã từng tham gia các khóa đào tạo do Công ty TNHH Green Skin Center, Công ty TNHH TM DV Green Skin Center, liên hệ với Thanh tra Sở qua đường dây nóng qua số 0989.401.155 hoặc phản ánh qua app “Y tế trực tuyến” để Thanh tra Sở tổng hợp xử lý vi phạm đối với 2 công ty trên trong việc đào tạo, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh khi chưa được cơ quan chức năng cấp giấy phép hoạt động theo quy định.
"Viện đào tạo thẩm mỹ quốc tế" không phép
Trước đó, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra đột xuất Chi nhánh Công ty TNHH Viện Đào tạo Thẩm mỹ Quốc tế Nanozelle (145 Nguyễn Văn Đậu, Phường 5, quận Bình Thạnh) sau khi phát hiện website: nanozelle.com và trang Facebook “Nanozelle Academy”, “K-Viện Đào tạo Thẩm mỹ Hàn Quốc”... có đăng tải các nội dung quảng cáo trong lĩnh vực khám chữa bệnh; các chương trình đào tạo tiêm filler, botox; đào tạo căng chỉ thẩm mỹ và đào tạo liệu trình đẹp da có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Thời điểm kiểm tra, đại diện cơ sở chỉ cung cấp được giấy chứng nhận đăng ký hoạt động Chi nhánh Công ty TNHH Viện Đào tạo Thẩm mỹ Quốc tế Nanozelle. Không xuất trình được giấy phép về hành nghề thẩm mỹ và đào tạo thẩm mỹ.
Tại cơ sở có các phiếu thông tin khách hàng liên quan đến dịch vụ khám chữa bệnh. Tầng trệt là khu vực tiếp đón khách; tầng 2 bố trí các phòng chăm sóc da; tầng 3 bố trí một phòng có trang bị giường, đèn phẫu thuật và các dụng cụ, trang thiết bị y tế sử dụng trong lĩnh vực khám chữa bệnh; tầng 4 là nơi đào tạo thực hiện các kỹ thuật tiêm filler, botox…; tầng 5 dùng làm phòng ở cho học viên.
Tại thời điểm kiểm tra, có 3 học viên (lưu trú tại tầng 5) đang chờ được đào tạo; các sản phẩm dùng cho kỹ thuật tiêm filler, botox được trang bị sẵn. Tuy nhiên, cơ sở chưa cung cấp được hóa đơn, chứng từ nguồn gốc của các sản phẩm trên.
Theo tường trình của ông Trịnh Ngọc Sử (tự xưng là quản lý cơ sở), các phiếu thông tin khách hàng trong khám chữa bệnh như: tiêm thâm quầng mắt, tiêm meso, tiêm botox, các dịch vụ tiêm da... được thực hiện bởi “bác sĩ Andy Lee” và một số bác sĩ khác. Tuy nhiên, ông Sử chưa cung cấp được thông tin và bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ hành nghề của các bác sĩ này.
Thanh tra Sở Y tế đã yêu cầu cơ sở ngưng ngay các hoạt động khám chữa bệnh, đào tạo học viên khi chưa được cấp phép; tháo gỡ ngay các nội dung quảng cáo trong lĩnh vực y tế; tạm giữ các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ để xử lý theo quy định.
Theo Thanh tra Sở Y tế, bên cạnh xem xét xử lý nghiêm việc hành nghề không phép, không chứng minh được nhân lực hành nghề có đủ các chứng chỉ theo quy định, Thanh tra Sở Y tế còn phối hợp với Thanh tra Sở LĐ-TB-XH xử lý nghiêm đối với việc đào tạo dịch vụ thẩm mỹ không phép tại cơ sở trên.
Ngoài ra, thời gian qua, Thanh tra Sở Y tế cũng đã kiểm tra, xử lý nhiều cơ sở tự đặt tên là học viện phun xăm thẩm mỹ, học viện đào tạo thẩm mỹ... dù chưa được cấp phép đào tạo dịch vụ thẩm mỹ.
Theo Sở Y tế, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12.11.2018 của Chính Phủ có quy định: đối với cơ sở dịch vụ thẩm mỹ có thực hiện xăm, phun, thêu trên da thì người thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da được cấp bởi cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp.
Tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ có một số cơ sở được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp về phun, xăm, thêu trên da.