Theo kế hoạch nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững trên địa bàn giai đoạn 2023 - 2030, TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng cường cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật và triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong đó, rà soát thường xuyên và rà soát theo chuyên đề, lĩnh vực đối với văn bản có liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực như hội nhập quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế… Hoàn thiện quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế trên địa bàn Thành phố nhằm phù hợp quy định pháp luật có liên quan và tình hình thực tiễn phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
Đồng thời, tổ chức rà soát, đánh giá, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để cung cấp dịch vụ công trực tuyến; mô hình, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả chương trình phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 nhằm thúc đẩy ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và người tiêu dùng, phát huy vai trò chủ lực của Thành phố trong phát triển thương mại điện tử Việt Nam; mở rộng thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp Thành phố, đặc biệt là thị trường quốc tế; góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thị trường thương mại điện tử phát triển thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Thành phố cũng sẽ triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải thiện chất lượng tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh; giải quyết triệt để những vướng mắc, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư, kinh doanh.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức các tổ công tác tháo gỡ khó khăn nhằm tháo gỡ nhanh chóng, thực chất các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp và các dự án đầu tư.
Mặt khác, tiếp tục xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển các sản phẩm, ngành hàng gắn kết với chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu có chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Triển khai hiệu quả kế hoạch tổng thể phát triển ngành logistics trên địa bàn năm 2025, định hướng đến năm 2030; tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nâng công suất bốc dỡ và kho chứa cảng biển, đón đầu các chuỗi cung ứng, hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực.
Thực thi hiệu quả các FTA, trong đó tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi trong các FTA để thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường. Đồng thời phối hợp với Cục phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) triển khai hiệu quả Đề án nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới. Tăng cường các thông tin, phổ biến, cảnh báo sớm phòng vệ thương mại, các biện pháp kỹ thuật của các đối tác cho doanh nghiệp và các cơ quan quản lý liên quan để chủ động đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại và rào cản kỹ thuật.