Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn cho biết, Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30.12.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng và nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định “Xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới, hướng tới mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khoẻ khu vực ASEAN”.
Nhằm góp phần cùng ngành y tế thực hiện thành công những mục tiêu đề ra, Bộ Y tế cùng Báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo “Giải pháp hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực Asean”. Hội thảo sẽ hướng tới mục tiêu giải quyết các vấn đề bức thiết hiện nay, giúp ngành y tế TP. Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ, tạo thế mạnh cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Thông tin tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, PGS. TS. Lương Ngọc Khuê cho biết, tình hình công tác quản lý khám, chữa bệnh tại TP. Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng trung bình 15%. Thành phố không chỉ là một trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mà còn là một trung tâm y tế, trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực phía Nam của cả nước. Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh hiện có điểm đánh giá chất lượng bệnh viện tốt hơn nhiều so với trung bình chung cả nước, không có nhóm tiêu chí nào dưới 3,5 điểm.
“Để TP. Hồ Chí Minh sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN, cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực y tế chuẩn quốc tế và liên kết quốc tế; liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; phát triển cơ sở hạ tầng y tế đồng bộ, hiện đại; hoàn thiện, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh chữa bệnh và đột phá về y tế chuyên sâu, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế, chuyển đổi số y tế”, PGS. TS. Lương Ngọc Khuê nêu rõ.
Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế cũng nêu các định hướng về cơ chế, chính sách xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN, như hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh chữa bệnh; phát triển chiến lược toàn diện về du lịch y tế, bao gồm cơ chế thu hút bệnh viện quốc tế, nguồn lực xã hội, hợp tác với các trường đại học y khoa uy tín, thu hút nguồn nhân lực chất lượng trong và ngoài nước để nâng cao hệ thống y tế và sức khỏe.
“Việc xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN là điều cần thiết và sẽ đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của mọi tầng lớp kể cả tư và công, không để người dân ra nước ngoài chữa bệnh”, ông Khuê khẳng định.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Dũng cho biết, Sở Y tế cũng đề xuất lãnh đạo Thành phố chấp thuận phân cụm hệ thống y tế thành phố thành 3 cụm y tế khi xây dựng đề án phát triển TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm chăm sóc sức khoẻ của khu vực ASEAN theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị.
Đó là “Cụm y tế trung tâm” bao gồm các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối hiện hữu trên địa bàn các quận trung tâm của thành phố, tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong phát triển y tế chuyên sâu. “Cụm y tế Tân Kiên” đang trên lộ trình hiện thực hoá thành những cơ sở y tế chuyên sâu với cơ sở hạ tầng hiện đại, hướng đến trong tương lai không xa giữ vai trò chủ lực trong phát triển y tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó là “Cụm y tế Thủ Đức” sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, phát triển y tế vùng Đông Nam bộ.
Tại hội thảo, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y tế cùng lãnh đạo Bộ Y tế đã đưa ra các giải pháp quan trọng nhằm góp phần vào củng cố hệ thống y tế, đưa TP. Hồ Chí Minh sớm đạt được mục tiêu trở thành Trung tâm Chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN.
Hội thảo được chia thành 2 phiên chuyên đề, phiên chuyên đề 1: Phát triển y tế chuyên sâu chăm sóc người bệnh trong nước và quốc tế; phiên chuyên đề 2: Sẵn sàng cho mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN với các diễn giả đến từ các Sở Y tế, bệnh viện và các trường đạo tạo sức khỏe.