Đề xuất 4 Phó chủ tịch UBND cho TP Thủ Đức
Theo lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật Tổ chức chính quyền địa phương: “UBND thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại I có không quá ba Phó Chủ tịch” và khoản 3 Điều 1 Nghị định số 108/2020/NĐ-CP của Chính phủ: “…Bình quân mỗi phòng có 2 Phó Trưởng phòng…”. Tuy nhiên, TP Thủ Đức đã được thành lập trên cơ sở 3 quận: Quận Thủ Đức (12 phường), Quận 2 (11 phường), Quận 9 (13 phường), có tổng diện tích 211,56 km2, quy mô dân số 1.013.795 dân. Với tốc độ phát triển đô thị hiện nay, khu vực này sẽ nhanh chóng đạt quy mô 2 triệu dân. Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước, yêu cầu bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn và phát triển kinh tế - xã hội của TP Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh đề xuất Quốc hội xem xét quy định đối với TP Thủ Đức có không quá 4 Phó Chủ tịch UBND và giao Chính phủ quy định số lượng cấp phó cơ quan chuyên môn bình quân là 3 người.
Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh kiến nghịQuốc hội xem xét, ban hành Luật Đất đai sửa đổi, trong đó quan tâm đến việc điều chỉnh các quy định phù hợp về bồi thường, giải phóng mặt bằng giúp thuận lợi hơn cho công tác triển khai các dự án đầu tư công và đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất. Kiến nghị Đoàn Giám sát Quốc hội có ý kiến đến cấp có thẩm quyền để xemxét, sửa đổi, bổ sung LuậtQuản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ đối vớiviệc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giao thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, sử dụng tài sản công để thực hiện hoạt động phụ trợ, làmcăn tin và bãi giữ xe phục vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị, khách đến giao dịch, công tác.
Đối với đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê khác (trừ căn tin, bãi giữ xe): Chủ tịch UBND cấp huyện, quyết định phê duyệt. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê của đơnvị sự nghiệp công lập. Đối với Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết: Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt Đề án.
Với Luật Đầu tư công, đề nghị điều chỉnh theo hướng cho phép các địa phương được chủ động bố trí ngân sách địa phương nguồn chi đầu tư phát triển để phân bổ cho các dự án đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm ngoài tổng mức vốn đã được Quốc hội thông qua trên cơ sở khả năng thu ngân sách thực tế. Nguồn kinh phí này sau khi đã đảm bảo nguồn chi cải cách tiền lương, không làm tăng mức bội chi ngân sách hằng năm, và không làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Với trình tự, thủ tục quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư công khẩn cấp, kiến nghị bổ sung vào Luật Đầu tư công nội dung về thành phần hồ sơ, nội dung báo cáo đề xuất dự án và nội dung thẩm định dự án đầu tư công trình khẩn cấp, cho phép quyết định chủ trương đầu tư các dự án Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng độc lập với các dự án xây lắp.
Đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy định về lựa chọn nhà đầu tư
Đối với Chính phủ, TP. Hồ Chí Minh kiến nghị, Chính phủ sớm chỉ đạo các Bộ, ngành ban hành quy định về lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án xã hội hóa theo quy định tại Khoản 3 Điều 16 Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính tích hợp cơ sở dữ liệu, liên thông giữa hệ thống quản lý đầu tư công với hệ thống của ngành tài chính (kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Kho bạc Nhà nước, Hệ thống TABMIS) cũng như hệ thống của từng địa phương.
Chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2021/NĐ-CP để giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án PPP như sau: kiến nghị bổ sung quy định thẩm quyền phê duyệt dự án PPP trên phạm vi từ 2 tỉnh trở lên là Bộ trưởng. Đối với các hợp đồng BT đã ký cần xử lý chuyển tiếp cần bổ sung các quy định, hướng dẫn cụ thể để áp dụng xử lý.Bổ sung các quy định, hướng dẫn cụ thể để áp dụng xử lý, trong đó cho phép sử dụng vốn đầu tư công để thanh toán cho nhà đầu tư phần khối lượng đã thi công (bao gồm cả lãi vay và các chi phí hợp pháp khác) và triển khai tiếp tục phần khối lượng còn lại để sớm hoàn thành công trình đưa vào sử dụng. Xem xét, bổ sung quy định về cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu cho các dự án chuyển tiếp, dự án đã ký kết hợp đồng và đang triển khai thực hiện.
TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm thông qua Đề án thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND TP Thủ Đức, UBND quận, huyện; Đề án thí điểm tổ chức lại Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng thuộc UBND TP Thủ Đức, UBND huyện thành Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc UBND TP Thủ Đức, UBND quận, huyện để Thành phố có cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.
Thay mặt tổ công tác của đoàn giám sát của Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho biết, các kiến nghị cụ thể của TP.HCM nhằm xử lý những vướng mắc về quy định của pháp luật trong quá trình triển khai thực tế tại địa phương, trong đó có nhiều kiến nghị cụ thể, hợp lý, phù hợp với những yêu cầu đặt ra trên thực tiễn. Tổ công tác sẽ báo cáo cụ thể với Đoàn giám sát của Quốc hội để tổng hợp chung, đề xuất thực hiện để góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách.
Năm 2020, tiết kiệm chi thường xuyên của TP. HCM đạt 367 tỷ (kế hoạch là 215 tỷ), năm 2021 đạt 418 tỷ (kế hoạch là 206 tỷ). Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 bình quân đạt 86,06% tổng kế hoạch vốn. Giai đoạn 2016- 2020, TP đang theo dõi 19 dự án ODA với tổng mức đầu tư khoảng 123.274 tỷ đồng (vốn ODA: 103.460 tỷ đồng; vốn đối ứng 19.813 tỷ đồng). Trong đó, tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 bố trí khoảng 30.480 tỷ đồng.