Trong đó, 7 nhân viên tại cơ sở này bị bắt tạm giam gồm: Đỗ Hà T., Nguyễn Vũ T., Trần Ngọc Lam T., Nguyễn Võ Tuyết N., Trần Hữu Đ., Trần Thị Minh A., Nguyễn Văn B. Riêng bị can Nguyễn Thị L. (chủ cơ sở) bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Qua theo dõi, Công an Quận 3 phát hiện cơ sở Gyeongbok có hoạt động quảng cáo, khám chữa bệnh vượt quá chức năng cho phép, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản.
Kiểm tra hành chính địa điểm trên, công an phát hiện nhiều CCCD/CMND cùng các tang vật liên quan. Chủ cơ sở thừa nhận đây là tài sản của khách hàng bị giữ lại do nợ tiền dịch vụ.
Tại thời điểm tra, một người đàn ông tên là H.T.N. (SN 1977, ngụ TP. Cần Thơ) cũng xảy ra tranh chấp với cơ sở này sau khi sử dụng dịch vụ và bị người của cơ sở giữ lại.
Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu về hành vi cưỡng đoạt tài sản và bắt giữ người trái pháp luật, công an đã đưa tất cả về trụ sở làm rõ.
Cơ quan chức năng xác định cơ sở này chỉ là spa, không có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh của Sở Y tế nhưng vẫn thực hiện một số dịch vụ về nam khoa. Máy móc của cơ sở đều do bà L. mua lại từ các công ty khác. Bà L. đứng ra điều hành mọi hoạt động của spa và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng nhân viên với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Nhân viên tại đây chỉ 1 trường hợp có hợp đồng lao động, còn lại đều không được ký hợp đồng. Các nhân viên đều không có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề mà chỉ được tập huấn sử dụng máy để điều trị cho khách.
Công an Quận 3 đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác khi đến các cơ sở phòng khám, dịch vụ làm đẹp không phép, không có chuyên môn; nên tìm hiểu kỹ các dịch vụ để tránh trở thành nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các hình thức tương tự.
Công an Quận 3 thông báo ai là nạn nhân của cơ sở khám chữa bệnh không phép trên, liên hệ Đội Cảnh sát hình sự Công an Quận 3 để cung cấp thông tin, tố giác; đề nghị người liên quan đến trình diện để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.