TP. Hồ Chí Minh có nhiều thương nhân xuất khẩu gạo nhất nước
Cả nước hiện có 152 thương nhân được cấp phép xuất khẩu gạo, trong đó TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu với 35 doanh nghiệp.

Theo công bố mới nhất của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cả nước hiện có 152 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo và được cấp Giấy chứng nhận.
Trong đó, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu với 35 doanh nghiệp. Tiếp theo là Cần Thơ với 33 doanh nghiệp. Long An có 20 doanh nghiệp. Đồng Tháp, An Giang và Hà Nội hiện có lần lượt 14, 13 và 11 doanh nghiệp.
Một số địa phương chỉ có 1 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo là Bạc Liêu, Bình Định, Đà Nẵng, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Nghệ An, Tây Ninh, Thừa Thiên - Huế.
So với danh sách do Cục Xuất nhập khẩu công bố đầu năm, số lượng thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã giảm đi 6 thương nhân; so với quý III/2023 giảm 58 thương nhân.
Theo số liệu của Cục Hải quan, 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của cả nước đạt gần 2,31 triệu tấn, mang về 1,21 tỷ USD, tăng 5,82% về lượng, nhưng giảm 15,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá gạo xuất khẩu trung bình khoảng 522 USD/tấn, giảm đến 20,18%.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, xuất khẩu gạo năm 2025 có thể chỉ đạt 7,5 triệu tấn, giảm so với mức kỷ lục hơn 9 triệu tấn năm 2024.
Một trong những lý do là bối cảnh nguồn cung gạo xuất khẩu năm 2025 có những điểm khác năm 2024. Cụ thể, Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất đã cho phép xuất khẩu gạo trở lại sau một thời gian dài hạn chế, cộng với sản lượng gạo trên thế giới dồi dào đã tác động đến giá gạo của thế giới, trong đó có cả các nước như Thái Lan, Pakistan, chứ không riêng Việt Nam.
Đáng chú ý, theo VFA, sản lượng gạo xuất khẩu có thể giảm, nhưng nếu tăng được lượng gạo ST24, ST25, gạo thơm chất lượng cao, trị giá xuất khẩu gạo vẫn tăng.