TP. Hồ Chí Minh: Cần khoảng 90.000 lao động trong Quý III/2025
Thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh ghi nhận nhu cầu tuyển dụng lớn, tập trung ở các ngành may mặc, da giày, lắp ráp điện tử và bán hàng.

6 tháng đầu năm 2025, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận số lượng người hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm mạnh, trong khi nhu cầu đào tạo nghề và tuyển dụng lao động tiếp tục gia tăng. Cùng với việc triển khai các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, thành phố đang từng bước ổn định thị trường lao động trong giai đoạn tái tổ chức bộ máy hành chính.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, có hơn 96.700 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 20,65% so với cùng kỳ năm 2024 (tương đương giảm hơn 25.200 trường hợp). Đáng chú ý, nữ giới chiếm 53,3% tổng số người nhận trợ cấp. Tỷ lệ hồ sơ nộp hưởng trợ cấp giảm là dấu hiệu tích cực, cho thấy thị trường lao động đang dần ổn định trở lại sau những biến động do sắp xếp tổ chức bộ máy và thay đổi cơ cấu nghề nghiệp.
Đồng thời, có 3.523 người có nhu cầu và được hỗ trợ đào tạo nghề, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2024 (tăng 169 người). Đây là tín hiệu cho thấy người lao động ngày càng quan tâm đến việc nâng cao tay nghề để thích ứng với yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, góp phần nâng cao giá trị nghề nghiệp và cơ hội việc làm bền vững.
Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các ngành nghề: Bán hàng, marketing, may mặc, da giày, cơ khí, gỗ và lắp ráp điện tử. Theo các trung tâm dịch vụ việc làm, trong Quý III/2025, dự kiến các doanh nghiệp sẽ cần tuyển từ 85.000 đến 90.000 lao động. Trong đó, lao động phổ thông tiếp tục chiếm tỷ lệ cao, khoảng 58%, chủ yếu phục vụ các ngành sản xuất truyền thống.
Về phía cung lao động, nguồn nhân lực đang có xu hướng tăng do sự gia nhập của lực lượng lao động đến từ các địa phương mới sáp nhập. Tuy nhiên, giai đoạn chuyển tiếp cũng đặt ra thách thức về sự lệch pha giữa kỹ năng hiện có của người lao động và yêu cầu mới từ doanh nghiệp, đòi hỏi sự điều chỉnh linh hoạt trong đào tạo và giới thiệu việc làm.
Với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình tái cơ cấu tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội, Sở Nội vụ đã và đang tham mưu UBND thành phố triển khai nhiều giải pháp kết nối việc làm và ổn định thị trường lao động. Nổi bật là việc tổ chức các sàn giao dịch việc làm định kỳ tại trung tâm dịch vụ việc làm và cụm phường, xã, hướng tới các nhóm lao động thất nghiệp, sinh viên mới ra trường, lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp bộ máy.
Bên cạnh đó, thành phố đã mở rộng liên kết với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhằm mở rộng cơ hội việc làm cho người dân. Đặc biệt, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng vừa ban hành Quyết định số 3232/QĐ-UBND phê duyệt Đề án hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, mua và thuê mua nhà ở xã hội cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau sắp xếp bộ máy.
Đề án bao gồm các chính sách cụ thể như: Hỗ trợ giới thiệu việc làm gắn với định hướng nghề nghiệp mới; hỗ trợ đào tạo nghề để chuyển đổi công việc; hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm; hỗ trợ mua, thuê mua nhà ở xã hội;
Đây là bước đi thể hiện rõ quan điểm nhân văn, trách nhiệm của thành phố trong việc chăm lo đời sống và ổn định tâm lý, việc làm cho đội ngũ cán bộ và người lao động.
Dù công tác phòng, chống mua bán người và tiếp nhận, bảo hộ công dân thuộc thẩm quyền của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Y tế), Sở Nội vụ vẫn luôn phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố, Sở Ngoại vụ và các cơ quan Trung ương để chủ động xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, đặc biệt liên quan đến lao động cư trú trái phép hoặc có dấu hiệu bị buôn người ra nước ngoài. Việc cập nhật thông tin và phản ứng nhanh với các vụ việc liên quan đến công dân Việt Nam là ưu tiên hàng đầu nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
Với sự chủ động từ chính quyền và hệ thống chính trị, TP. Hồ Chí Minh đang từng bước thích ứng với yêu cầu phát triển mới, xây dựng thị trường lao động ổn định, linh hoạt và hiệu quả hơn trong giai đoạn hậu sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính.