Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Dũng, ngành y tế đang gặp nhiều khó khăn trong công tác sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập và khó khăn về nhân lực của các trạm y tế; trong điều kiện TP. Hồ Chí Minh có mật độ dân cư đông nhưng nhân sự tại trạm y tế ít nên rất khó để có thể đảm trách chức năng quản lý sức khỏe người dân.
Theo quy định của Bộ Y tế, định mức số người làm việc tại Trung tâm y tế (TTYT) và trạm y tế được xác định theo quy mô dân số. Trong đó, định mức số người làm việc của trạm y tế là 5 người/trạm; với trạm y tế trên 6.000 dân, nếu tăng từ 2.000 đến 3.000 dân thì tăng thêm 1 người làm việc.
Thực hiện quy định này, thành phố phải tăng định mức biên chế để bổ sung cho Trung tâm Y tế TP. Thủ Đức, nhưng sẽ trái với quy định về tinh giản biên chế tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Bên cạnh đó, nhân viên y tế đang chịu nhiều áp lực về tăng khối lượng công việc, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng cao.
Do đó, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố đã đề nghị được xem xét, tăng định mức số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách theo quy mô, cơ cấu dân số để bố trí cho TTYT và trạm y tế.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu, sau thời gian sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, số trường, lớp hiện nay vẫn còn thiếu so với nhu cầu thực tế, do sự gia tăng dân số cơ học. Bên cạnh đó, một số đơn vị sự nghiệp công lập sau khi thực hiện sáp nhập, giải thể, giảm các đầu mối dẫn đến việc dư số lượng cấp phó so với quy định; việc bố trí công tác cho cán bộ, viên chức gặp khó khăn…
Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố đã kiến nghị các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách về biên chế, chế độ tiền lương, chế độ đãi ngộ dành riêng cho ngành GD-ĐT để bảo đảm đủ số lượng giáo viên, đúng cơ cấu chuyên môn tại các cơ sở giáo dục phổ thông, đáp ứng nhu cầu giáo dục của người dân, bảo đảm thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông…
Phó Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân cho rằng, Sở Y tế, Sở GD-ĐT cần đánh giá thực chất, toàn diện công tác cải cách hành chính (CCHC) để có biện pháp giữ các chỉ số đạt và cải thiện các chỉ số còn thấp, giảm tối đa các khâu trung gian, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong CCHC. Bên cạnh đó, trong CCHC phải là sự hài lòng của người dân, mà ở đây là của phụ huynh, học sinh và người khám chữa bệnh.
Về công tác sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Chủ tịch HĐND thành phố nhận định, dù giảm số lượng nhưng vẫn phải bảo đảm sự hài lòng của người dân. Do đó, với những nội dung mới phát sinh cần theo quy hoạch, phải đạt chuẩn. Vì vậy, Sở Y tế và Sở GD-ĐT cần rà soát các đơn vị có quy mô nhỏ, nơi nào chưa đạt thì sắp xếp lại theo tinh thần mang lại hiệu quả, sự hài lòng của người dân và phù hợp với đặc điểm tình hình của từng lĩnh vực.