Tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Chủ động ứng phó với bão số 3 (Yagi), lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương để kịp thời chỉ đạo, bảo đảm hạn chế thiệt hại thấp nhất. Cùng với đó, khẩn trương kiểm tra công tác phòng chống bão tại những nơi xung yếu; các tuyến đê; khu cụm công nghiệp; các quận, huyện trên địa bàn. Các cấp, ngành, địa phương, các lực lượng liên quan đã vào cuộc quyết liệt theo đúng chỉ đạo của Trung ương, thành phố.
Tại huyện Thủy Nguyên, để chủ động ứng phó với bão số 3, huyện đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm rõ và chủ động phòng tránh. Chỉ đạo Trạm kiểm soát Biên phòng Bạch Đằng, UBND các xã Lập Lễ, Phả Lễ thông tin cho các tàu thuyền thủy sản về tình hình bão, kêu gọi ngư dân về nơi tránh trú an toàn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền an toàn... Tại các tuyến đê xung yếu như: cống Hải Giỏ, cống Thủ Lợn, cửa khẩu qua đê đò Dinh, đê Tả Cấm... các địa phương đã chuẩn bị bao cát, bố trí người trực 24/24 giờ, sẵn sàng hoành triệt cống khi cần thiết...
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương triển khai công tác ứng phó, phòng chống bão số 3, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu yêu cầu các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác ứng phó. Cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, lưu ý các hình thức tuyên truyền lưu động, trực tiếp để người dân nắm được diễn biến bão, không chủ quan trong phòng, chống bão. Các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm các công điện của Trung ương, của thành phố theo phương châm “4 tại chỗ”. Ngoài kịch bản chung của thành phố, từng địa phương dự kiến tình huống, kịch bản sát với thực tiễn địa phương để chủ động phương án ứng phó. Quyết liệt việc di chuyển người dân đến nơi tránh trú an toàn với điều kiện sinh sống tốt nhất…
Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng yêu cầu Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, xã, phường, thị trấn tập trung, khẩn trương thực hiện di dân khỏi các khu chung cư, nhà xuống cấp, các vùng trũng, thấp, các phương tiện giao thông thủy đã về nơi neo đậu, lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản trên sông, trên biển, trên vịnh, hoàn thành trước 20 giờ 00 ngày 6.9. Trường hợp người dân cố tình không chấp hành, xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế di chuyển đến nơi an toàn, nếu có vướng mắc, chủ động trao đổi với Sở Tư pháp để kịp thời hướng dẫn…
Kiên quyết di dời người dân, đặc biệt quan tâm các khu vực trọng yếu
Đối với các hộ dân sinh sống tại những chung cư cũ, nhà xuống cấp, nhà tạm, các vùng trũng, thấp đã được tuyên truyền vận động di dân tới nơi tạm lánh theo phương an bảo đảm an toàn. Với khách du lịch lưu trú đã được thông báo về diễn biến bão, tất cả tàu, thuyền đã được kêu gọi về nơi tránh trú, phòng tránh an toàn. Đồng thời, các địa phương đã sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng phó khi có yêu cầu. Chuẩn bị cơ sở vật chất nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, có phương án bảo vệ tài sản của người dân dân; bố trí các điểm để người dân tạm lánh an toàn…
Tại các cảng, khu neo đậu tránh trú bão cũng đã khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống bão. Tại Cảng Nam Đình Vũ (quận Hải An), từ 0h ngày 6.9, các tàu đã dời cảng, dừng bốc dỡ hàng hóa. Cảng cũng đã neo chốt cẩu, bảo đảm chịu được bão cấp 14, 15; hạ độ cao các bãi container, xếp container thành các khối hình vuông để phòng gió lớn. Các dự án bến cảng trong khu công nghiệp, khu kinh tế Hải Phòng đã thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn cầu tàu, bến cảng, khu hậu cần dịch vụ cảng…
Cùng với đó, để bảo đảm an toàn, cứu hộ cứu nạn kịp thời người dân do ảnh hưởng của bão, các đơn vị y tế đã chủ động chuẩn bị nhân lực ứng trực “4 tại chỗ”. Thành lập các đội cấp cứu ngoại viện cũng như phương tiện vận chuyển, dự trù cơ số thuốc, trang thiết bị y tế để sẵn sàng thu dung, tiếp nhận, điều trị người bệnh, trong đó có các nạn nhân do mưa bão gây ra cũng như xử lý các tình huống khẩn cấp. Để bảo đảm an toàn cho người bệnh, người nhà người bệnh cũng như bảo quản thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh, không để xảy ra bị động, bất ngờ, các cơ sở y tế cũng rà soát các kho lưu trữ thuốc, khu vực phòng bệnh…
Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy tiền phương chống bão số 3 được đặt tại Hải Phòng, đến sáng ngày 7.9, gió tại huyện đảo Bạch Long Vỹ cấp 12 giật trên cấp 12. Nhiều cây cối, mái nhà tôn bị lật. Trong khu nội thành gió cấp 8, cấp 9, tại Cát Bà, Đồ Sơn cao hơn. Mực nước triều thấp, các tuyến đê trên địa bàn thành phố cơ bản an toàn. Tuy nhiên vẫn có 2 vị trí xung yếu tại khu vực đê biển 1 (Đồ Sơn) và đê biển 3 (Tiên Lãng). Trường hợp bão lớn, địa phương cũng đã sẵn sàng phương án huy động lực lượng của quân đội, bảo đảm phương án chống bão tại chỗ. Thành phố đã tiến hành di dân 23.500 người khỏi vùng nguy hiểm, đặc biệt là dân sinh sống tại khu vực chung cư cũ.