Tốt lễ có dễ cầu?

- Thứ Tư, 29/01/2014, 16:17 - Chia sẻ
Tham gia các lễ hội là nhu cầu không thể thiếu của người dân. Thế nhưng, bên cạnh những mặt tích cực về đời sống tâm linh mà lễ hội mang đến cho người dân, vẫn còn không ít những hành động phản cảm kéo dài từ năm này sang năm khác - mà nguyên nhân chính lại bắt đầu từ chính những người tham gia lễ hội.
 
Nguồn: hanamtv.vn

Theo thống kê, hàng năm cả nước có hàng trăm nghìn lễ hội lớn nhỏ kéo dài trong cả năm nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là dịp xuân. Lễ hội ngắn thì một vài ngày, dài có thể vài tháng, hoặc có khi đón khách quanh năm. Và cùng với đó cũng là hàng nghìn biến tướng về cách lễ và hành lễ… Có thể kể ra vài hình thức biến tướng: lễ phải mâm cao cỗ đầy, cho dù đôi khi những vật dâng cúng hoàn toàn không được phép; tiền hương ngồn ngộn, đầy đủ, gồm cả tiền trần gian và âm thế. Là việc nhét tiền vào tay tượng phật, ném xuống hồ, xuống giếng. Là khấn vái cầu mong cho mình phúc lộc đầy nhà, công thành danh toại. Hay “thực” hơn là trong không khí tôn nghiêm của chốn đình chùa miếu mạo lại chềnh ềnh ra hàng hoạt cửa hàng, cửa hiệu ăn uống với những đặc sản cây, con tươi sống của mỗi vùng miền có lễ hội… mà điều đáng nói là thật có, giả cũng có, thậm chí giả nhiều hơn thật…
 
Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, đó là do tâm lý của người dân, là do công tác quản lý của các địa phương nơi có lễ hội chưa được quan tâm một cách đúng mức, hay đơn thuần là chỉ bởi lợi ích của người dân nơi có lễ hội - cả năm chỉ có một lần nên phải tận dụng bằng mọi giá, bất chấp những quy định của các cơ quan chức năng, hay thuần phong mỹ tục của dân tộc. Và một nguyên nhân nữa - nguyên nhân chủ yếu đó là từ chính những người tham gia lễ hội. Có một nhà nghiên cứu văn hóa đã từng nói rằng, tâm lý “tốt lễ dễ cầu” đang ngày càng cắm rễ sâu chắc trong tâm lý của các “con nhang, đệ tử”. Đó là mẫm lễ càng nhiều, càng to thì càng thể hiện sự thành tâm và những điều cầu khấn càng dễ thực hiện hơn. Hay như đối với việc nhét tiền vào tay tượng phật, đây là hoàn toàn là do ý nghĩ chủ quan, tự phát không phải do cách thực hành lễ quy định.
 
Một điều đơn giản mà người xưa thường căn dặn: Phật ở tại tâm và không phải cứ thực hành lễ tốt là có thể tìm thấy sự thanh thản. Thực hành lễ tốt nhưng thiếu cái tâm thì chắc chắn sẽ không thể tìm thấy sự thanh thản trong lòng mỗi người - hoặc có chăng thì đó chỉ là huyễn hoặc, hư vô.
 
Một mùa lễ hội nữa đang đến. Điều cần với những người hành lễ là từ bỏ tâm lý “tốt lễ dễ cầu”. Và cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý các lễ hội tốt hơn nữa bằng những giải pháp, hành động cụ thể chứ không chỉ hô hào chung chung.

Minh Vân