Tốt gỗ hơn tốt nước sơn

Thái Minh 10/09/2017 08:13

Càng có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế tri thức thì câu hỏi “Thế nào là một trường đại học tốt?” càng đặt ra áp lực lớn. Việc đưa ra phương pháp, tiêu chí xếp hạng đại học hiện nay nhằm định hình lý tưởng phấn đấu cho các trường. Nhưng đấy là trong điều kiện “bức tranh” thứ bậc được xây dựng khách quan và đúng đắn.

Lăng kính để tự đánh giá

Mới đây, một nhóm chuyên gia độc lập đã công bố xếp hạng đối với 49 trường đại học trên cả nước. Kết quả được thực hiện trong 3 năm, lựa chọn hơn 100 trường có đầy đủ số liệu nhất. TS. Lưu Quang Hưng, nhà nghiên cứu tại Melbourne, Australia, chủ biên của Báo cáo cho biết, bảng xếp hạng được thực hiện trong bối cảnh đánh giá và xếp hạng đại học đang là xu thế trên thế giới. Tháng 9.2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2015/NĐ-CP Quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở Giáo dục Đại học; Bộ GD - ĐT cũng đã có chủ trương phân tầng và xếp hạng các trường đại học và cao đẳng. Dù vậy, tới nay, Việt Nam vẫn chưa có một bảng xếp hạng toàn diện các cơ sở giáo dục đại học chính thức nào được công bố. “Cho nên nhóm thực hiện nghiên cứu với mục đích khuyến khích các trường đại học minh bạch hóa thông tin về cơ sở của mình cũng như đẩy nhanh quá trình đổi mới tiệm cận các chuẩn mực quốc tế”, ông Hưng nói.

Các thước đo được lựa chọn xoay quanh tam giác chất lượng: Tri thức thể hiện ở nghiên cứu khoa học (NCKH), nhân lực thể hiện ở giáo dục, đào tạo và hệ thống thể hiện ở cơ sở vật chất và quản trị. Trong đó, mỗi nhóm tiêu chí gắn với tỷ lệ lượng hóa tương ứng: NCKH: 40%; Giáo dục đào tạo: 40% và Cơ sở vật chất và quản trị: 20%. Các nguyên tắc thiết lập bảng xếp hạng này là: đặt trong hoàn cảnh Việt Nam, mang tính định lượng, khả tín, khách quan và hướng tới chuẩn mực quốc tế. Đơn cử, trong tiêu chí NCKH, nhóm không tính các bài báo khoa học trên các tạp chí trong nước nếu các tạp chí này không nằm trong danh mục ISI. Thay vào đó, sử dụng thông tin về số lượng các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế có chất lượng làm thước đo đánh giá năng lực NCKH của trường.

Sinh viên ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh trong một buổi học Ảnh: Như Hùng
Sinh viên ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh trong một buổi học
Ảnh: Như Hùng

Theo nhóm nghiên cứu, với những tiêu chí này, bảng xếp hạng giống như “phát súng” đầu tiên mở ra tiền lệ xếp hạng định lượng đại học cho các năm tới. Đây có thể xem như một lăng kính giúp các trường nhìn lại mặt mạnh và yếu của mình trong so sánh với cơ sở giáo dục bậc cao khác ở Việt Nam. TS. Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển (DEPOCEN), đồng Chủ biên báo cáo xếp hạng cho rằng, bảng xếp hạng đã phác thảo được một bức tranh tổng thể về đại học Việt Nam. “Tiêu chí đặt ra khác với cái lâu nay nhìn nhận. Mọi người thường quan tâm các em học trường đó ra kiếm được tiền hay không, công việc tốt hay không nhưng điều ấy chỉ phản ánh một phần chất lượng giáo dục đại học. Giáo dục đại học tối thiểu có 2 nhiệm vụ: Tạo ra con người và tạo ra tri thức. Chúng tôi đưa ra bảng xếp hạng để mọi người nhìn ở góc độ toàn diện, đa chiều hơn”.

Mấu chốt là tri thức, con người

 Theo bảng xếp hạng tổng thể mà nhóm chuyên gia độc lập công bố, ĐHQG Hà Nội đứng đầu bảng với số điểm trung bình là 85.3. Các ĐH vùng và ĐHQG khác như ĐHQG TP Hồ Chí Minh, ĐH Đà Nẵng, ĐH Cần Thơ, ĐH Huế… đều nằm trong top 10. Đáng chú ý, trong bảng xếp hạng này là các trường ĐH “trẻ” như Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Duy Tân đều có mặt trong top 10. Các trường ĐH khối kinh tế có vị trí khá thấp trong bảng xếp hạng này.

Ngay sau khi công bố, bảng xếp hạng đã gây không ít tranh cãi về thứ bậc của một số cơ sở đại học. Ví dụ, Trường ĐH Ngoại thương xếp thứ 23; Trường ĐH Kinh tế quốc dân xếp thứ 30; Học viện Tài chính xếp thứ 40; Học viện Ngân hàng xếp thứ 47… Nguyên nhân được nhóm chuyên gia giải thích là các trường này có quy mô đào tạo lớn song sự hiện diện trên các ấn phẩm khoa học quốc tế không nhiều. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh: Đánh giá một cơ sở giáo dục đại học cần rất nhiều tham số, có những tham số không thể định lượng được. Vị trí cao thấp giữa hai cơ sở giáo dục đại học hoàn toàn không có nghĩa trường này tốt hơn trường kia ở tất cả các mặt. Bên cạnh đó, những trường nằm ngoài bảng xếp hạng không có nghĩa có chất lượng kém hơn những trường được nêu trong báo cáo.

Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh Nguồn: ITN
Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh Nguồn: ITN

Nhiều ý kiến nhận định việc công bố bảng xếp hạng lần này đã góp phần cung cấp thông tin cho công chúng một cách khách quan để có thêm hình dung về các trường đại học Việt Nam, cũng như tạo ra một sân chơi để các trường nhìn lại mình. TS Lưu Quang Hưng nhận định, báo cáo xếp hạng lần này là sự thử nghiệm về một phương pháp xếp hạng đại học. Từ đó, trở thành nguồn tham khảo khả tín và động lực cho cải cách của các trường. “Đừng vội đặt nặng thứ bậc mà quan trọng là phải làm gì từ các tiêu chí xếp hạng. Dựa vào đó xem mình đang ở đâu, thấp hay cao mà sử dụng bảng đó để cải thiện. Nhìn vào bảng xếp hạng này, ta thấy một số trường trẻ nhưng ở vị trí tương đối cao, một số trường lớn lại có vị trí khá thấp. Để thấy rằng nhiều trường không thể nào dựa vào ánh hào quang của truyền thống mà cần năng động cập nhật, phát triển”.

Theo TS. Phạm Thị Ly - Ủy viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2016 - 2020, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Giáo dục Đại học của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, xếp hạng đại học cũng như con dao 2 lưỡi. Một mặt, định hình lý tưởng thúc đẩy các trường phấn đấu. Mặt khác, các tiêu chí đó có thể tạo ra “bức tranh sai lệch” về chất lượng của các trường. Song bức tranh sai lệch ấy không quan trọng bằng việc thúc đẩy các trường đi con đường sai lệch khi chạy theo thành tích, làm mọi cách để có tên trong bảng xếp hạng. “Do đó, cần xây dựng được những tiêu chí thật sự đúng đắn, phản ánh chất lượng thực sự của các trường, đặc biệt, phản ánh được kỳ vọng của người học cũng như của xã hội đặt ra. Câu hỏi không phải trường nào xếp hạng cao hơn mà trường nào thực sự đóng góp cho việc đào tạo những người có ích cho xã hội, tạo ra tri thức phục vụ cộng đồng, làm thay đổi bộ mặt xã hội. Nếu ghi nhận điều đó thì bảng xếp hạng sẽ giúp các trường tập trung làm những việc đáng lẽ họ nên làm”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO