Khắc phục hậu quả mưa lũ ở miền Trung

Tổng vệ sinh môi trường để sớm ổn định cuộc sống

- Thứ Năm, 15/10/2020, 05:37 - Chia sẻ
Ngày 14.10, các địa phương tiếp tục huy động lực lượng tổng vệ sinh môi trường nhằm sớm ổn định cuộc sống. Trưa cùng ngày, lực lượng chức năng đã tiếp cận hiện trường trạm bảo vệ rừng 67, nơi có 13 người mất tích liên quan vụ sạt lở tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3. Việc tìm kiếm nạn nhân diễn ra xuyên đêm. Công an Thừa Thiên Huế đã dùng xuồng và cano vượt qua lòng hồ thủy điện Hương Điền để tiếp cận Thủy điện Rào Trăng 3.

 Tìm kiếm xuyên đêm ở trạm bảo vệ rừng 67

Liên quan đến vụ sạt lở ở khu vực Thủy điện Rào Trăng 3, ngày 14.10, các lực lượng chức năng tổ chức tiếp cận hiện trường theo 3 đường hàng không, đường bộ và đường thủy.

Buổi sáng, máy bay tiếp cận, phát hiện và cứu trợ 20 túi lương thực thực phẩm cho những người đang gặp nạn tại thủy điện Rào Trăng 3.

Hiện trường sạt lở ở trạm bảo vệ rừng 67
Nguồn: Tuổi trẻ Online

Lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế sử dụng xuồng và cano vượt qua lòng hồ thủy điện Hương Điền tại xã Hương Bình, huyện Phong Điền vận chuyển hàng hóa tiếp viện cho công nhân tập trung ở Thủy điện Rào Trăng 4, rồi tiếp tục di chuyển để tiếp cận Thủy điện Rào Trăng 3. Lực lượng cứu hỗ di chuyển 19 công nhân, chuyên gia Ấn Độ của Thủy điện Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4 về Khu đô thị An Cựu City, TP Huế an toàn.

Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn đã huy động hàng chục xe cơ giới và xe đặc chủng để mở đường vào điểm sạt lở. Trưa 14.10, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã tiếp cận hiện trường sạt lở tại trạm bảo vệ rừng 67, nơi có 13 người trong đoàn công tác mất liên lạc. Trạm cách UBND xã Phong Xuân hơn 14km, cách thủy điện Rào Trăng 3 hơn 10km. Tại đây, đất đá đã san bằng một khoảng rộng lớn. Các lực lượng sẽ xuyên đêm tìm kiếm các nạn nhân.

Khẩn trương dọn dẹp trường lớp, đường phố

Ngày 14.10, nước lũ trên địa bàn Quảng Trị bắt đầu rút. Việc dọn dẹp các trường học được tỉnh ưu tiên triển khai với phương châm “nước rút đến đâu khắc phục nhanh, hiệu quả đến đó” nhằm nhanh chóng ổn định hoạt động dạy và học.

Các trường đã huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và sự hỗ trợ của các lực lượng Đoàn thanh niên, quân sự quét dọn bùn; lau rửa bàn ghế, dụng cụ học tập, đồ chơi; dọn dẹp cây cối, hàng rào gãy đổ. Thầy Phan Hồng Khánh, Hiệu trưởng trường THPT Bùi Dục Tài, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng cho biết, mưa lũ khiến trường ngập sâu trong nước 1,2m nhiều ngày nên lượng bùn non để lại rất lớn. Giáo viên phải xách từng xô nước từ sông Ô Lâu vào để lau dọn.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị, mưa lũ đã làm 1 học sinh tử vong và 1 thầy giáo mất tích; toàn ngành ước thiệt hại gần 9,5 tỷ đồng. Đến nay nhiều trường học ở vùng trũng, vùng sâu, vùng xa vẫn bị cô lập chưa tiếp cận được. Nhằm hỗ trợ cho các trường dọn vệ sinh, Sở đã trao tặng 13 máy xịt nước trị giá 2,2 triệu đồng/máy cho các trường vùng trũng của huyện Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị.

Thừa Thiên Huế cũng huy động lực lượng tổng vệ sinh môi trường sau mưa lũ nhằm sớm ổn định cuộc sống.

Ngày 14.10, các cán bộ, chiến sỹ Ban chỉ huy quân sự TP Huế phối hợp với Trung tâm công viên cây xanh Huế tổ chức ra quân dọn dẹp rác, bùn non tại khu vực dọc bờ sông Hương. Tại khu vực này, rác thải, bùn non phủ thành lớp dày, các lực lượng sử dụng cào, chổi, máy bơm công suất lớn để xịt, đẩy bùn non; dùng thuyền vớt rác tập kết nhiều ở hai bờ sông, các chân và gầm cầu. Mưa lũ khiến hơn 70% tuyến đường của 27 phường ở TP. Huế ngập từ 0,5 - 1m. Tranh thủ khi nước xuống, các lực lượng đã phối hợp dọn dẹp vệ sinh đường phố, nhà cửa. Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế tập trung tổng dọn vệ sinh, dọn rác, phun rửa bùn ở các trục đường chính; cho thuyền đi dọn vệ sinh trên sông Hương, cầu gỗ lim. Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế chỉ đạo dọn vệ sinh trường lớp để học sinh đi học trở lại bình thường.

Ngay khi nước bắt đầu rút, Quảng Nam huy động mọi lực lượng khắc phục hậu quả mưa lũ. Tại huyện Đại Lộc - vùng “rốn lũ” của tỉnh, hầu hết các tuyến đường giao thông đều hư hỏng và ngập trong bùn non. Nhiều điểm đường bị sạt lở rộng gần 2m, kéo dài đến hàng chục mét, nhiều điểm bị nước khoét sâu dưới lòng đường đến cả mét, rất nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông. Nhiều cầu, cống, ngầm trên địa bàn huyện bị nước xoáy gãy, sập, bèo và rác còn bám đầy trên lan can cầu. Các ruộng lúa vẫn đang ngập nước, nhiều diện tích ngô, sắn đang héo rũ, bám đầy bùn đỏ trên lá vì bị ngâm trong nước dài ngày. Hầu hết nhà ở của các hộ dân nơi đây đều ngập nước và bị thiệt hại, vết nước ngập còn in hằn trên tường nhà lên đến gần 2m.

Đến trưa 14.10, Công ty Điện lực Quảng Bình đã hoàn tất việc cấp điện trở lại cho 100% khách hàng bị ảnh hưởng mưa lũ trên phạm vi toàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh có Công điện yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã và các sở, ban, ngành, đơn vị tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại; cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân, không để người dân bị đói, khát.

T.Phong