Tổng thống Trump thăm vùng Vịnh nhưng Gaza và Iran không phải trọng tâm
Trong chuyến công du Trung Đông tuần này, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ tới thăm Ảrập Xêút, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, bất chấp những thách thức cấp bách nhất trong khu vực lại liên quan đến hai quốc gia khác: Israel và Iran.
Sau khi chấm dứt lệnh ngừng bắn hai tháng trước, Israel đang leo thang chiến tranh ở Dải Gaza, nơi lệnh phong tỏa lương thực, thuốc men và các nguồn cung cấp khác đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo. Trong khi đó, các cuộc đàm phán liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran vẫn hoàn toàn không có tiến triển. Tuy nhiên, mục tiêu của chuyến thăm lần này của Tổng thống Donald Trump là ba quốc gia giàu năng lượng khác ở vùng Vịnh, nơi đang triển khai các dự án bất động sản của Tập đoàn Trump - những nơi mà ông muốn thực hiện các thỏa thuận kinh doanh.

Israel không nằm trong lịch trình
Với quyết định không thăm Israel trong chuyến công du đầu tiên tới khu vực trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, ông Donald Trump khiến Israel cảm nhận rõ ràng rằng lợi ích của nước này có thể không phải là mối quan tâm hàng đầu của ông.
Cảm nhận này càng trở nên rõ ràng hơn khi tuần trước, ông Donald Trump tuyên bố ông đã đạt được thỏa thuận với lực lượng quân nổi dậy Houthis ở Yemen, theo đó Mỹ sẽ dừng các cuộc tấn công vào Houthis, sau khi nhóm này đồng ý dừng các cuộc tấn công vào tàu của Mỹ ở Biển Đỏ.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công mà Houthis tiến hành nhằm vào Israel dường như không nằm trong thỏa thuận. Đây là chi tiết khiến Israel bất ngờ, theo một quan chức Israel giấu tên.
Động thái của Chính quyền Donald Trump xúc tiến các cuộc đàm phán với Iran về chương trình hạt nhân cũng khiến Israel đứng ngồi không yên. Họ lo ngại Mỹ sẽ chấp nhận một thỏa thuận không đủ nghiêm khắc để ngăn cản Iran sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc kiềm chế sự hỗ trợ của nước này cho các nhóm chiến binh trong khu vực.
Điều đó đã làm dấy lên những câu hỏi ở Israel về việc có thể trông chờ vào Chính quyền Trump đối với các vấn đề lớn khác, chẳng hạn như một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ được mong đợi từ lâu giữa nước này với Ảrập Xêút. Israel từng mong đợi, Washington sẽ đặt điều kiện cho Ảrập Xêút phải bình thường hóa với Israel, coi đây là một phần của bất kỳ hiệp ước quốc phòng nào mà Chính quyền Trump sẽ ký với vương quốc này. Tuy nhiên, cho tới nay, Ảrập Xêút đã tuyên bố họ sẽ chỉ bình thường hóa quan hệ với Israel chừng nào nước này chấp nhận những nhượng bộ đáng kể cho phép người Palestine hướng tới một nhà nước độc lập, điều mà chính phủ Israel hiện tại khó có thể chấp nhận.
Israel đã tuyên bố sẽ hoãn việc mở rộng chiến tranh ở Gaza cho đến sau chuyến thăm của ông Donald Trump, để ngỏ khả năng một thỏa thuận ngừng bắn mới có thể thành hiện thực. Và trong khi Hamas và Chính quyền Mỹ tuyên bố rằng con tin người Mỹ cuối cùng còn sống ở Gaza, Edan Alexander, sẽ được trả tự do như một phần của nỗ lực thiết lập lệnh ngừng bắn, thì vẫn chưa rõ Israel có liên quan gì đến thỏa thuận đó.
Tuy nhiên, Đại sứ Hoa Kỳ tại Israel Mike Huckabee xoa dịu nước sở tại bằng cách thuyết phục Israel quyết định không đến thăm nước này không phải vấn đề gì quá nghiêm trọng bởi chuyến đi của vị Tổng thống tới khu vực chỉ thuần túy tập trung vào các vấn đề kinh tế.
Không có đột phá nào trong đàm phán hạt nhân Iran
Đối với Iran, các cuộc đàm phán hạt nhân mà nước này đang tiến hành với Hoa Kỳ vẫn chưa có tiến triển. Trong khi thời hạn đặt ra ban đầu là hai tháng để đạt được thỏa thuận có khả năng đã trôi qua, các quan chức tuyên bố rằng họ có thể thúc đẩy Iran từ bỏ hoàn toàn việc làm giàu uranium, điều mà Tehran khẳng định là một ranh giới đỏ.
Mặc dù 4 vòng đàm phán do Oman làm trung gian chưa đạt được đột phá lớn nào, nhưng các bên đã đến được "cấp độ chuyên gia" - nghĩa là các chi tiết cụ thể về bất kỳ thỏa thuận khả thi nào có thể đã được thảo luận.
Cuối tuần qua, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi đã tới cả Ảrập Xêút và Qatar trước chuyến đi của Tổng thống DonaldTrump. Iran có thể đang cố gắng truyền đạt thông điệp tới Hoa Kỳ trong khi thể hiện sự mối quan tâm thực sự trong thúc đẩy các cuộc đàm phán.
Cộng hòa Hồi giáo đang không có nhiều lựa chọn. Nền kinh tế Iran lâm vào khó khăn kể từ khi Mỹ dưới thời Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc thế giới vào năm 2018. Và "Trục kháng cự", từ mà Iran gọi một nhóm các quốc gia và các nhóm chiến binh, bao gồm Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Lebanon – đã bị thiệt hại nặng nề kể từ cuộc chiến Israel-Hamas.
Tuy nhiên, có một điều khiến hầu hết người Iran đoàn kết lại – đó là lòng tự hào về Vịnh Ba Tư. Việc Tổng thống Donald Trump định đổi tên khu vực này thành "Vịnh Ảrập" đang gây ra phản ứng mạnh mẽ trên khắp Iran và nhiều quốc gia khác.
“Vịnh này luôn là Vịnh Ba Tư - và nó sẽ mãi mãi là Vịnh Ba Tư”, Lãnh tụ Iran, Đại giáo chủ Ahmad Khatami cho biết.