Sau cuộc hội đàm ở Vilnius với ông Erdogan và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson, ông Stoltenberg cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý thúc đẩy vấn đề này, đồng thời tuyên bố: "Đây là một ngày lịch sử”.
"Thụy Điển đã sửa đổi hiến pháp, luật pháp, mở rộng đáng kể hoạt động chống khủng bố nhằm vào lực lượng người Kurd và khôi phục xuất khẩu vũ khí sang thổ Nhĩ Kỳ", ông Stoltenberg nêu một phần nỗ lực của Thụy Điển nhằm đáp ứng yêu cầu để có được sự ủng hộ của Ankara.
Thụy Điển và nước láng giềng Phần Lan nộp đơn gia nhập NATO từ năm ngoái, từ bỏ vị thế trung lập. Phần Lan được kết nạp hồi tháng 4 năm nay, trong khi Thụy Điển vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã khiến các nhà lãnh đạo NATO ngạc nhiên trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của liên minh ở Vilnius (Litva) khi gắn sự chấp thuận Thụy Điển gia nhập NATO của ông với việc nối lại các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU bị đình trệ từ lâu của Ankara.
Mỹ được cho là đã gây sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ với tuyên bố, Ankara phải giải quyết vấn đề gia nhập NATO của Thụy Điển trước khi Mỹ đồng ý bán máy bay chiến đấu F-16 cho Ankara. Trong vòng 6 ngày qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói chuyện với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan 3 lần, trong khi Tổng thống Joe Biden đã thảo luận với ông Erdogan hôm 9.7 để thuyết phục Ankara.
Nga đã phản ứng mạnh mẽ với quyết định trên. Ông Viktor Bondarev, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Nga, nói với hãng tin TASS: "Đáng tiếc là chỉ trong vòng vài tuần Thổ Nhĩ Kỳ đã dần chuyển từ một nước trung lập sang một quốc gia không thân thiện". Quan chức này nêu ra một loạt động thái bị cho là "khiêu khích" của Thổ Nhĩ Kỳ như ủng hộ Ukraine, Thụy Điển gia nhập NATO, trả tự do cho các chỉ huy tiểu đoàn Azovstal của Ukraine bất chấp thỏa thuận rằng những người này phải ở lại Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi xung đột kết thúc.
Theo ông Bondarev, lý do duy nhất NATO cần Thổ Nhĩ Kỳ là "kiểm soát eo Biển Đen, ổn định hoặc gây bất ổn khu vực Trung Đông".