“Ứng cử viên ưa thích của chúng tôi, nếu bạn muốn gọi như vậy, chính là tổng thống đương nhiệm, ngài Joe Biden”, ông phát biểu với khán giả tại một diễn đàn kinh tế ở cảng Vladivostok thuộc Viễn Đông. “Nhưng tiếc là ông ấy đã rút khỏi cuộc đua, và ông ấy kêu gọi tất cả những người ủng hộ ông ấy chuyển sang ủng hộ bà Harris. Vậy thì chúng tôi sẽ làm như vậy - chúng tôi sẽ ủng hộ bà ấy”, ông không quên trích dẫn “tiếng cười biểu cảm và truyền cảm hứng” của bà Harris cho thấy “bà ấy đang làm tốt”.
Dù là lựa chọn nào, cuộc bầu cử ngày 5.11 cũng không mang lại lợi ích đáng kể cho Điện Kremlin, và bất chấp câu trả lời như không trả lời và có phần tếu táo của Tổng thống Putin, câu trả lời này dường như phản ánh quan điểm của Nga về việc phải lựa chọn giữa hai khả năng không hấp dẫn. Các nhà phân tích cho rằng không lựa chọn nào có thể hứa hẹn cải thiện được mối quan hệ đang ở mức thấp nhất giữa Nga và Mỹ kể từ Chiến tranh Lạnh.
Bà Kamala Harris, đương kim Phó tổng thống, có lập trường cứng rắn với Nga, trong khi cựu Tổng thống Donald Trump được biết đến là một nhân vật có phần ngưỡng mộ Putin. Tuy nhiên, chính tại cuộc họp vào tháng 9 này, ông Putin đã phàn nàn rằng khi Tổng thống Trump còn tại nhiệm, ông đã thông qua "quá nhiều hạn chế và lệnh trừng phạt đối với Nga mà không có tổng thống nào từng đưa ra trước ông ấy".
Trong bối cảnh nước Mỹ sẽ bầu tổng thống mới sau chưa đầy một tuần nữa, đâu sẽ là những vấn đề mà nước Nga đặc biệt quan tâm?
Viện trợ cho Ukraine
Đây có lẽ là vấn đề quan tâm hàng đầu của nước Nga. Bà Harris được cho là có khả năng tiếp tục chính sách hỗ trợ quân sự và kinh tế mạnh mẽ của chính quyền Biden đối với Ukraine khi cuộc chiến ở nước này kéo dài sang năm thứ ba.
Trong khi đó, ông Trump đã khoe rằng mối quan hệ của ông với Putin và ông có được sự tôn trọng từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy mạnh mẽ đến mức ông có thể đàm phán chấm dứt chiến tranh "trong vòng 24 giờ". Ông từ chối nêu chi tiết chiến lược của mình, nhưng những phát biểu gần đây chỉ trích các lệnh trừng phạt nói chung cho thấy ông có thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống lại Nga như một động lực để giúp giải quyết xung đột.
Trong cuộc tranh luận, ông Trump đã hai lần từ chối trả lời trực tiếp liệu ông có muốn Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến hay không, trong khi bà Harris ca ngợi sự ủng hộ của phương Tây dành cho Kiev và thúc giục đồng minh tiếp tục ủng hộ.
Bà Harris không nêu rõ lập trường của bà sẽ khác với Biden như thế nào. Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine hơn 59,5 tỷ USD vũ khí và viện trợ kể từ khi cuộc chiến nổ ra vào năm 2022. Chiến thắng của bà "có khả năng hứa hẹn sự ủng hộ liên tục của Hoa Kỳ miễn là chính quyền có thể tìm kiếm được sự ủng hộ của Quốc hội", International Crisis Group cho biết trong một bài bình luận, mặc dù họ cho rằng bà có thể tìm cách chấm dứt cuộc chiến một cách tích cực hơn Biden. Thái độ khó chịu của Quốc hội Mỹ đối với các khoản viện trợ khổng lồ cho Ukraine ngày càng trở nên rõ ràng và điều này có thể cản trở hoặc định hình lại chiến lược của bà.
Mối quan hệ với NATO
Dưới thời của mình, ông Donald Trump đã có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với các thành viên khác của NATO. Ông từng lớn tiếng chỉ trích sự ỷ lại của họ vào chiếc ô an ninh của Mỹ, yêu cầu họ đáp ứng các mức chi tiêu đã thỏa thuận trong ngân sách quốc gia. Ông nói rằng với tư cách là Tổng thống, ông đã cảnh báo các nhà lãnh đạo rằng ông sẽ không chỉ từ chối bảo vệ các quốc gia không đáp ứng các mục tiêu đó, mà còn có thể bật đèn xanh để Nga có thể "làm bất cứ điều gì họ muốn" đối với các quốc gia đó. Ông Trump cũng hoài nghi về điều khoản phòng thủ chung trong Hiến chương NATO, khi ông đặt câu hỏi trong một cuộc phỏng vấn rằng: Tại sao Hoa Kỳ phải có nghĩa vụ bảo vệ "những đối tượng hung hăng" ở các quốc gia thành viên NATO khác.
Trong khi đó, bà Harris cho biết cam kết của Hoa Kỳ đối với NATO là "vững chắc". Bà chưa cân nhắc liệu bà có ủng hộ việc Ukraine trở thành thành viên liên minh hay không.
Thỏa thuận kiểm soát vũ khí
Tổng thống Putin đã nhiều lần “vung thanh kiếm hạt nhân” khi ông tìm cách ngăn chặn phương Tây hỗ trợ Ukraine.
Hiệp ước Kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại giữa Moscow và Washington, New START, sẽ hết hạn vào năm 2026, một năm sau khi chính quyền mới nhậm chức và triển vọng của nó đang rất ảm đạm.
Tổng thống Biden từng nhanh chóng gia hạn Hiệp ước này sau khi nhậm chức vào năm 2020, và bà Harris có thể sẽ tiếp tục ủng hộ Hiệp ước, hạn chế số lượng bệ phóng tên lửa hạt nhân xuyên lục địa.
Trong một diễn biến cho thấy sự căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước, vào năm 2023, Nga đã đình chỉ việc tham gia vào Hiệp ước, mà dù không rút lui. Đáp lại, Hoa Kỳ đã trả đũa bằng các biện pháp như chấm dứt chia sẻ thông tin về vị trí và tình trạng của tên lửa.
Ông Donald Trump, mặc dù là người cảnh báo về mối đe dọa của "nguy cơ hạt nhân đang nóng lên”, nhưng chính ông khi còn tại nhiệm đã thực hiện các bước đi để phá bỏ chế độ kiểm soát vũ khí, bao gồm rút khỏi Hiệp ước về vũ khí hạt nhân tầm trung (ILF) - hiệp ước cấm tên lửa hạt nhân và tên lửa thông thường có tầm bắn từ 500-5.500 km. Khi còn đương nhiệm, ông Trump cũng kêu gọi một hiệp ước hạt nhân mới bao gồm cả Nga và Trung Quốc.
Đánh giá về việc nước Nga sẽ ủng hộ ứng cử viên nào hơn, Timothy Colton thuộc Học viện Nghiên cứu Quốc tế và Khu vực Harvard cho biết giới lãnh đạo Điện Kremlin "nhìn chung tin rằng sẽ không có điều gì tốt đẹp xảy ra đối với quan hệ song phương sau cuộc bầu cử". Nhưng ông Timothy nói thêm rằng, ứng cử viên Cộng hòa "có lẽ là nhân vật mà người Nga thích hơn; ông ấy là người được nhiều người biết đến hơn".