Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: "Sẽ tăng gấp đôi số học sinh, sinh viên trao đổi với Việt Nam"
Ngày 27/5, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân đã có buổi nói chuyện với sinh viên, trí thức trẻ Việt Nam tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH).
Nhà trường cũng vinh dự được đón tiếp Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng lãnh đạo các bộ, ngành hai nước tham dự các hoạt động trọng thể trong khuôn khổ chương trình.
Sự kiện thể hiện sự quan tâm và kỳ vọng của lãnh đạo hai nước đối với thế hệ trẻ - những người giữ vai trò trung tâm trong việc kiến tạo tương lai, phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp.



Thế hệ trẻ cần bắt đầu ngay để giải quyết các vấn đề khí hậu, môi trường
Tại buổi gặp gỡ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có bài phát biểu và giao lưu với các sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nhấn mạnh, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) là kết quả của ý chí chung giữa hai nước và những nỗ lực tuyệt vời đã được hoàn thành trong suốt những năm qua.
Phát triển theo Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp ký năm 2009, tới nay Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã trở thành một trong những trụ cột trong mối quan hệ hợp tác về giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Pháp. Trường cũng là một trong những trụ cột trong quan hệ hợp tác với rất nhiều trường đại học và cơ quan nghiên cứu của Pháp.
Với sự thành công của mô hình hợp tác Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội dựa trên sự tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau, giáo dục sẽ tiếp tục là trụ cột hợp tác quan trọng của hai nước. Sắp tới, hai nước sẽ ký kết một hiệp định mới về giáo dục nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh, nhân loại đang trải qua giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ về địa chính trị, khí hậu, khoa học công nghệ và nhân khẩu học.
Ông cho rằng biến đổi khí hậu đang là thách thức chung. Thế hệ trẻ, các em sinh viên cần nỗ lực nhiều hơn nữa và bắt đầu ngay từ bây giờ để giải quyết các vấn đề về khí hậu, môi trường, sức khỏe cộng đồng.
Ông đặt câu hỏi: Làm thế nào để chúng ta có thể gìn giữ được hành tinh này, gìn giữ nền đa dạng sinh học này, giảm lượng phát thải CO2, bảo vệ hệ sinh thái của chúng ta? Làm thế nào để có thể xây dựng, phát triển được nền kinh tế vì sức khỏe cộng đồng mới, hiện đại hơn?
Theo Tổng thống Emmanuel Macron, để giải quyết những vấn đề này, các nước phải hợp tác với nhau.
“Sau đại dịch Covid-19, chúng ta đã biết nếu như tác động quá nhiều vào hệ sinh thái nói chung, chắc chắn những đại dịch mới sẽ phát triển và chúng ta sẽ không có khả năng để giải quyết những vấn đề về y tế, sức khỏe nếu không hợp tác với nhau”, ông nói.


Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế con người
Với khoa học công nghệ, Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng đây là chuyển đổi quan trọng, đặc biệt từ 2 năm trở lại đây với sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI). Tổng thống Pháp nhấn mạnh, trí tuệ nhân tạo hỗ trợ con người trong cuộc sống hàng ngày, trong sản xuất, sinh hoạt, công việc; nhưng không thể biến AI thành một mối đe dọa tới sự độc lập, tự chủ của con người.

“Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế con người”, ông khẳng định, đồng thời nhấn mạnh con người sẽ phải làm chủ được trí tuệ nhân tạo và làm sao để chúng không làm rối loạn, biến động, mất ổn định, mất cân bằng cuộc sống.
Hiện Pháp đang phát triển các trung tâm dữ liệu và những công nghệ AI mạnh mẽ nhất, tốt nhất, hướng tới nắm được “chủ quyền số” trong lĩnh vực này. Tổng thống Emmanuel Macron cho biết Pháp sẽ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này để cùng nhau phát triển.
“Muốn có năng lực đổi mới sáng tạo, muốn đi nhanh, muốn đi mạnh, chúng ta phải đầu tư vào tài năng. Ở Pháp có những ngôi trường về đào tạo toán học, robotics, đào tạo tài năng và chúng tôi mong muốn hợp tác, chia sẻ với Việt Nam”, ông nói.


Chuyển đổi về nhân khẩu học là “cuộc cách mạng thực sự” trên toàn cầu
Liên quan tới chuyển đổi về nhân khẩu học, Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng đây là “cuộc cách mạng thực sự” trên toàn cầu. Theo ông, Việt Nam vẫn thuộc nhóm dân số trẻ. Thách thức đặt ra với nhóm này là phải củng cố, phát triển hệ thống giáo dục đào tạo, tăng cường nhận thức cho người dân.
“Nước có dân số trẻ sẽ phải tăng cường đào tạo thêm cho thanh niên, lao động trẻ. Nếu để thanh niên bước chân vào thị trường lao động mà không được đào tạo, tay nghề không có thì sẽ là mối đe doạ rất lớn cho nền kinh tế các nước. Từ đó dẫn đến tình trạng di dân tự do hoặc thậm chí họ sẽ không đủ tri thức, hiểu biết cần thiết để có thể thực hiện được nghĩa vụ của một người công dân", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói.
Theo Tổng thống Pháp, đây cũng là một trong những trụ cột của quan hệ hợp tác đối tác giữa Việt Nam và Pháp. Chính vì vậy, Pháp sẽ tiếp tục đầu tư vào đào tạo nhân tài cho Việt Nam ở hệ cử nhân và các bậc học cao hơn.

Đến nay, có khoảng 15.000 kỹ sư được đào tạo tại Pháp hoặc trong các chương trình đào tạo của Pháp tại Việt Nam; khoảng 3.000 bác sĩ, cán bộ y tế được đào tạo chuyên khoa tại Pháp trong các chương trình bác sĩ nội trú; hàng nghìn luật sư và luật gia Việt Nam được Pháp đào tạo đã trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật.
Tổng thống Emmanuel Macron cho biết đến năm 2030, Pháp sẽ tăng gấp đôi số chương trình trao đổi cũng như số lượng học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu trao đổi giữa Việt Nam và Pháp. Việc này dựa trên sự hợp tác từ trước đến nay của hai nước.
Trong khuôn khổ chương trình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macro, Phu nhân, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và các đại biểu hai nước cũng đã tham dự nghi thức khởi công Nhà máy vaccine và sinh phẩm VNVC.

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) được thành lập và phát triển theo Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp ký ngày 12/11/2009 và Hiệp định ký ngày 02/11/2018. Đây không chỉ là một dự án hợp tác giáo dục đại học song phương mà còn là biểu tượng của tình hữu nghị, sự gắn kết và tầm nhìn dài hạn giữa hai quốc gia trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Với sứ mệnh được Chính phủ Việt Nam và Pháp giao phó, trường tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao các lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và thế mạnh của Pháp, tiêu biểu như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, năng lượng, môi trường, khoa học vũ trụ, hàng không.
Trong suốt 16 năm xây dựng và phát triển, trường nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Pháp, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Liên minh gồm hơn 30 trường đại học và viện nghiên cứu Pháp (USTH Consortium).