Quốc tế

Tổng thống Mỹ thăm vùng Vịnh: Ưu tiên thúc đẩy thỏa thuận kinh tế

Châu Anh 14/05/2025 07:35

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu chuyến công du Trung Đông từ ngày 13 - 16/5 tới các nước Ảrập Xêút, Qatar và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE). Theo giới quan sát, việc chọn các quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ làm điểm đến đầu tiên kể từ khi nhậm chức cho thấy khu vực này ngày càng có vai trò quan trọng trong chiến lược đối ngoại của Mỹ; đồng thời mục tiêu chủ yếu của chuyến công du là thúc đẩy các thỏa thuận kinh tế.

Thủ đô Riyadh của Ảrập Xêút là địa điểm dừng chân đầu tiên của ông Donald Trump, sau đó đến Qatar và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE). Chuyến công du lần này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị phức tạp ở Trung Đông và được kỳ vọng sẽ đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ Mỹ - vùng Vịnh, cũng như tái khẳng định tầm nhìn về một Trung Đông thịnh vượng, ổn định và giàu tiềm năng hợp tác kinh tế với Mỹ.

3-14453747.jpg
Tổng thống Donald Trump và Thái tử Mohammed bin Salman phát biểu trong buổi lễ uống cà phê tại Nhà ga Hoàng gia của Sân bay Quốc tế King Khalid ở Riyadh, Ảrập Xêút ngày 13/5. Ảnh: AP

Các nội dung được kỳ vọng trong chuyến thăm của ông Trump sẽ bao gồm đàm phán về lệnh ngừng bắn ở dải Gaza, vấn đề thương mại, dầu mỏ, thỏa thuận đầu tư, và tiềm năng phát triển các chính sách mới của Mỹ trong các lĩnh vực xuất khẩu bán dẫn tiên tiến và chương trình hạt nhân.

Chia sẻ với CNBC, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thương mại Abu Dhabi (ADCB) Monica Malik nhận định: “Thế giới có thể sẽ chứng kiến rất nhiều thông báo và phạm vi được thảo luận trong chuyến công du này cũng sẽ rất rộng. Bà cũng lưu ý đến khả năng ông Trump sẽ xóa bỏ mức thuế 10% đối với nhôm và thép, đây sẽ là một động thái tích cực đối với các quốc gia vùng Vịnh.

Tổng thống Donald Trump từ lâu đã có mối quan hệ nồng ấm với các quốc gia Ảrập vùng Vịnh, đặc biệt là UAE và Ảrập Xêút, điều này có thể củng cố vị thế của các quốc gia này khi đàm phán các thỏa thuận thương mại mới. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông Trump là đến Ảrập Xêút - quốc gia hiện đang tổ chức các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine. Trong khi đó, Qatar đã đóng vai trò trung tâm trong các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas về lệnh ngừng bắn và thả con tin ở Dải Gaza.

Đầu tư và hợp tác về công nghệ

Chuyến thăm lần này của Tổng thống Donald Trump đang thu hút sự chú ý của nhiều “ông trùm” từ Phố Wall và Thung lũng Silicon đến vương quốc Ảrập. Theo lịch trình, diễn đàn đầu tư Ảrập Xêút - Mỹ được tổ chức tại thủ đô Riyadh vào ngày 13/5, với sự tham gia của nhiều CEO doanh nghiệp Mỹ như ông Larry Fink của BlackRock, Alex Karp của Palantir và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn khác như Citigroup, IBM, Qualcomm, Alphabet và Franklin Templeton… Cố vấn chính sách tiền ảo và trí tuệ nhân tạo (AI) của Nhà Trắng David Sacks cũng tham dự sự kiện này.

Bà Monica Malik cho biết: “Chúng ta đã chứng kiến UAE công bố nhiều khoản đầu tư vào các lĩnh vực ở Mỹ như trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng và nhôm, tuy nhiên có nhiều khả năng các doanh nghiệp Mỹ sẽ tăng đầu tư vào các quốc gia Trung Đông”.

Theo các nhà phân tích, trong thời gian qua, Ảrập Xêút và UAE đều “đổ tiền” vào hạ tầng AI với tham vọng trở thành trung tâm công nghệ toàn cầu. Hồi tháng 3 vừa qua UAE công bố kế hoạch đầu tư trị giá 1.400 tỷ USD trong 10 năm, tập trung vào AI, chất bán dẫn, sản xuất và năng lượng. Theo Đại sứ quán UAE tại Washington, khoản đầu tư hiện có của nước này vào Mỹ đã lên đến 1.000 tỷ USD. Do đó, với định hướng đầu tư như vậy, các doanh nghiệp của hai nước này đặt mục tiêu tiếp cận chất bán dẫn xuất khẩu của Mỹ mà họ vẫn chưa tiếp cận được do các biện pháp quản lý xuất khẩu vì an ninh quốc gia từ phía Washington.

Tình hình cũng được đánh giá sẽ có nhiều thay đổi, khi chính quyền của ông Trump công bố kế hoạch chấm dứt quy định kiểm soát AI vào tuần trước, được gọi là “luật phát tán AI” của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Quy định này áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt đối với chip AI tiên tiến, kể cả với các quốc gia thân thiện với Mỹ. Theo người phát ngôn Bộ Thương mại Mỹ, quy định này sẽ sớm được thay thế bằng “một quy tắc đơn giản hơn nhiều, giải phóng sự đổi mới sáng tạo và bảo đảm sự thống trị về AI của Mỹ”.

Việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ “sớm đưa ra thông báo chính thức” về việc nới lỏng kiểm soát xuất khẩu chip AI cho một số nước Trung Đông, đặc biệt là các quốc gia vùng Vịnh, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chính sách công nghệ của Mỹ. Tiến sĩ Jon Alterman, Giám đốc Chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định: “Washington đang dần rút khỏi vai trò cảnh sát toàn cầu, nhưng lại tìm cách quay lại Trung Đông bằng các đòn bẩy mềm như công nghệ, đầu tư và uy tín chiến lược. Đây là hình thức hiện diện ít đối đầu hơn nhưng không kém phần hiệu quả”. Qua đó, Mỹ có thể tạo ra đòn bẩy chiến lược tại vùng Vịnh, nơi đang nổi lên như một trung tâm tài chính và công nghệ của thế giới Ảrập.

Trong khi đó, gần đây, công ty AI G42 có trụ sở tại UAE đã nỗ lực tuân thủ các quy định của Mỹ, bao gồm cả việc thoái vốn khỏi các công ty Trung Quốc và hợp tác với Microsoft, công ty đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào G42 vào năm ngoái.

Vấn đề hạt nhân

Một chủ đề quan trọng khác nhiều khả năng sẽ được đề cập đó là chương trình hạt nhân của Iran. Trong thời gian qua, chính quyền Trump đã tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán với Iran về chương trình hạt nhân của nước này. Mặc dù từng vấp phải phản đối gay gắt từ các nước Ảrập dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, song hiện cả UAE và Ảrập Xêút đều ủng hộ đàm phán.

Tổng thống Trump mới đây cũng thông báo rằng quân đội Mỹ sẽ ngừng các cuộc không kích vào nhóm phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen nếu lực lượng này cam kết không tấn công các tàu Mỹ. Giám đốc nghiên cứu tại Chương trình Chính sách Đối ngoại thuộc Viện Brookings Michael O’Hanlon nhận định: “Tôi nghĩ vấn đề cấp bách và quan trọng nhất chính là chương trình vũ khí hạt nhân của Iran. Các quốc gia vùng Vịnh này có mối quan tâm lớn và có thể đưa ra các ưu đãi để Iran ký kết một thỏa thuận mà ông Trump mong muốn nhưng cần có chất xúc tác như cam kết đầu tư”.

Đặc biệt, riêng Ảrập Xêút muốn có chương trình hạt nhân dân sự của riêng mình và đã yêu cầu Mỹ ủng hộ. Bất kỳ sự hỗ trợ nào của Mỹ cho một chương trình hạt nhân của Ảrập Xêút trước đây đều phụ thuộc vào việc Riyadh bình thường hóa quan hệ ngoại giao với đồng minh của Mỹ là Israel. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng điều đó có thể thay đổi trong chuyến thăm này.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright phát biểu với các phóng viên tại thủ đô Riyadh hôm 13/4 rằng, Ảrập Xêút và Mỹ đang trên “con đường hướng tới một thỏa thuận hạt nhân dân sự”, nhưng mọi diễn biến tiếp theo của việc này sẽ đích thân ông Trump công bố.

Thách thức mang tên Gaza

Tuy nhiên, chuyến đi cũng đối mặt với thách thức nghiêm trọng. Chiến dịch quân sự của Israel tại Gaza nhằm đáp trả vụ tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023 đã khiến thế giới Ảrập phẫn nộ. Nhiều lãnh đạo trong khu vực lo ngại các thế hệ trẻ đang bị đẩy tới cực đoan bởi sự tàn sát ở Gaza.

Thái tử Mohammed, người từng tiến gần đến một thỏa thuận ba bên với Mỹ để bình thường hóa quan hệ với Israel trước khi chiến sự nổ ra, đã tuyên bố Ảrập Xêút sẽ không thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel nếu chưa có một nhà nước Palestine độc lập. Lập trường này đã giáng một đòn mạnh vào kỳ vọng của Trump trong việc mở rộng Hiệp định Abraham - thỏa thuận từng do ông làm trung gian trong nhiệm kỳ đầu tiên, qua đó UAE và ba quốc gia Ảrập khác đã chính thức thiết lập quan hệ với Israel vào năm 2020. Ảrập Xêút, với vai trò là cường quốc Sunni hàng đầu, vẫn được xem là mắt xích then chốt để khuyến khích các nước Hồi giáo khác noi theo.

Ông Trump cũng sẽ chứng kiến các nhà lãnh đạo vùng Vịnh thúc giục Mỹ tìm kiếm một thỏa thuận với Iran nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân đang ngày càng mở rộng của nước Cộng hòa Hồi giáo, trong bối cảnh lo ngại khu vực có thể trượt vào một cuộc chiến tranh mới ở Trung Đông.

Trong chuyến thăm năm 2017, Thái tử Mohammed bin Salman cùng với lãnh đạo UAE Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan ủng hộ mạnh mẽ việc Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với chính quyền Obama và các cường quốc. Tuy nhiên, tình thế hiện nay đã khác, cả ẢrậpXêút và UAE đều đang ưu tiên chính sách hòa dịu với Iran, nhằm chấm dứt khủng hoảng hạt nhân.

Gaza và các điểm nóng khu vực khác chắc chắn sẽ xuất hiện trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng các nhà lãnh đạo vùng Vịnh có thể sẽ không muốn đánh đổi vốn chính trị của mình cho các vấn đề gây tranh cãi vào thời điểm các thỏa thuận kinh tế đang diễn ra sôi động.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tổng thống Mỹ thăm vùng Vịnh: Ưu tiên thúc đẩy thỏa thuận kinh tế
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO