"Phó Tổng thống Mỹ sẽ nhấn mạnh cam kết của chính quyền Biden-Harris trong việc ủng hộ nỗ lực của Ukraine để bảo vệ một nền hòa bình lâu dài và công bằng dựa trên độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine theo Hiến chương Liên Hợp Quốc", thông cáo của Nhà Trắng nêu rõ.
Mặc dù Nhà Trắng không đưa ra lý do giải thích cho sự vắng mặt của Tổng thống Biden, một đồng minh của Ukraine, song một số nguồn tin nói rằng, chủ nhân Nhà Trắng vướng kế hoạch cho sự kiện vận động tranh cử.
Ban đầu, Tổng thống Ukraine Zelensky đã rất hy vọng ông Biden sẽ tham dự sự kiện do trong lịch trình, Tổng thống Mỹ sẽ tham dự lễ kỷ niệm ngày quân Đồng minh đổ bộ xuống bãi biển Normandy, Pháp (D-Day) và gặp gỡ các nhà lãnh đạo G7 tại Italy chỉ vài ngày trước khi diễn ra Hội nghị hòa bình Ukraine.
Theo Văn phòng Tổng thống Zelensky, Ukraine đã nhận được cam kết tham dự hội nghị của 107 quốc gia. Tuy nhiên, một vài quốc gia chủ chốt như Trung Quốc từ chối tham gia với lý do đại diện của Nga không được mời tham dự. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh ngày 3.6 giải thích, Hội nghị "chưa đáp ứng những điều kiện của Trung Quốc lẫn kỳ vọng chung của cộng đồng quốc tế, nên Trung Quốc khó tham dự". Mặt khác, bà khẳng định nước này giữ lập trường "cởi mở và minh bạch" về các nỗ lực đối thoại hòa bình để giải quyết xung đột tại Ukraine.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Brussels tuần trước, ông Zelensky nhấn mạnh: "Hội nghị Hòa bình Ukraine cần có sự tham dự của Tổng thống Biden và lãnh đạo các nước cần ông Biden bởi họ sẽ trông ngóng phản ứng của Mỹ”. Ông cho rằng, sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ sẽ là món quà đối với Nga.
Tuy nhiên, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngay sau đó đã lên tiếng trấn an ông Zelensky rằng, dù phái đoàn Mỹ do ai dẫn đầu tham dự hôi cũng không có nghĩa là sự ủng hộ của Washington dành cho Kiev ít đi. Ông nói: "Ngay từ đầu cuộc xung đột Ukraine, không có nhà lãnh đạo nào khác làm nhiều như Tổng thống Biden để đảm bảo rằng Ukraine có những gì cần thiết. Quan chức này bình luận thêm: "Chưa có nhà lãnh đạo nào khác làm được nhiều việc như vậy với Ukraine, không chỉ vì nhu cầu phòng thủ của họ hiện nay mà còn vì nhu cầu phòng thủ của họ sẽ như thế nào khi cuộc chiến này kết thúc".
Theo đề nghị của Ukraine, Thụy Sĩ đã lên kế hoạch tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Ukraine vào ngày 15-16.6 tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock ở Lucerne. Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho biết, hội nghị nhằm tạo ra khuôn khổ thuận lợi cho một nền hòa bình toàn diện và lâu dài ở Ukraine, cũng như một lộ trình cụ thể cho sự tham gia của Nga vào tiến trình hòa bình.