Thế giới 24h

Tổng thống Donald Trump: Thuế với Nhật Bản giảm từ 25% xuống 15%

Quỳnh Vũ 23/07/2025 10:23

Tổng thống Donald Trump khẳng định đạt được thỏa thuận mới với Nhật Bản, theo đó, mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước này sẽ là 15%.

Mức thuế giảm đáng kể với Nhật Bản

“Thỏa thuận này sẽ tạo ra hàng trăm nghìn việc làm. Chưa từng có điều gì giống như vậy”, ông Donald Trump đăng trên Truth Social, đồng thời nói thêm rằng, Mỹ “sẽ luôn có mối quan hệ tuyệt vời với Nhật Bản”.

z6832185708888_08210ec023eee15fd2c28b7b39e16721.jpg
Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba trong một cuộc gặp tại Nhà Trắng
hồi tháng 2. Ảnh: The Hill

Ông Donald Trump cho biết, Nhật Bản sẽ đầu tư 550 tỷ USD vào Mỹ và sẽ "mở cửa" nền kinh tế cho mặt hàng ô tô và gạo của Mỹ.

Mức thuế 15% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản là con số giảm đáng kể so với mức thuế 25% mà trong một bức thư gần đây gửi Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba, ông Trump đe dọa sẽ áp dụng từ ngày 1/8.

Sáng 23/7, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã thừa nhận thỏa thuận thương mại mới, cho biết những bước tiến này sẽ mang lại lợi ích cho cả bên và giúp hai quốc gia tăng cường hợp tác.

Đối với Thủ tướng Nhật Bản, đây có thể được coi là tin tốt lành trong bối cảnh đảng cầm quyền của ông vừa thất bại trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản, một phần lý do cũng bắt nguồn từ việc Chính phủ chưa thể thuyết phục được Mỹ giảm thuế quan.

Với thông báo này, Tổng thống Donald Trump dường như đang tìm cách khẳng định khả năng đàm phán của mình, ngay cả khi mức thuế quan của ông, khi được công bố lần đầu vào đầu tháng 4, đã gây ra sự hoảng loạn trên thị trường và mối lo ngại về tăng trưởng chậm lại.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chi tiết quan trọng liên quan đến thỏa thuận mới chưa rõ ràng trong bài đăng của ông, chẳng hạn như liệu ô tô sản xuất tại Nhật Bản có phải chịu mức thuế cao hơn 25% mà ông Trump áp đặt cho ngành này hay không.

Các cuộc đàm phán nước rút

Khi thời hạn chót áp dụng mức thuế quan mới mà Tổng thống Donald Trump nêu trong thư gửi các nhà lãnh đạo thế giới, tức ngày 1/8, đang đến gần, ông cũng công bố một khuôn khổ thương mại với Philippines, theo đó, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế 19% đối với hàng hóa của Philippines, trong khi các sản phẩm sản xuất tại Mỹ sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu. Ông cũng tái khẳng định mức thuế 19% đối với Indonesia.

Theo Cục Thống kê, năm ngoái, Mỹ chứng kiến thâm hụt thương mại hàng hóa với Nhật Bản tới 69,4 tỷ USD.

Mỹ có mức thâm hụt thương mại 17,9 tỷ USD với Indonesia và 4,9 tỷ USD với Philippines. Cả hai quốc gia này đều kém thịnh vượng hơn Mỹ, và tình trạng mất cân bằng này đồng nghĩa với việc Mỹ nhập khẩu từ các nước này nhiều hơn xuất khẩu.

Ông Trump dự kiến sẽ áp đặt các mức thuế quan rộng rãi được khẳng định trong thư gửi các nhà lãnh đạo thế giới khác gần đây vào ngày 1/8, làm dấy lên câu hỏi liệu có bất kỳ đột phá nào trong các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu hay không. Tại bữa tối hôm 22/7, ông cho biết EU sẽ có mặt tại Washington vào 23/7 để đàm phán thương mại. "Chúng ta sẽ đón tiếp châu Âu vào ngày mai, ngày hôm sau", Trump nói với các vị khách.

Đầu tháng này, Tổng thống đã gửi thư cho 27 quốc gia thành viên EU, rằng sẽ áp dụng mức thuế 30% đối với hàng hóa của họ kể từ ngày 1/8.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump có một giai đoạn đàm phán riêng với Trung Quốc hiện đang diễn ra đến ngày 12/8 vì hàng hóa từ quốc gia này sẽ bị đánh thuế cơ sở thêm 30%.

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết ông sẽ có mặt tại Thủ đô Stockholm của Thụy Điển vào 29-30/7 để gặp gỡ các đối tác Trung Quốc. Ông Bessent cho biết, mục tiêu của ông là chuyển hướng nền kinh tế Mỹ khỏi tiêu dùng và tạo điều kiện cho người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn trong nền kinh tế Trung Quốc, vốn tập trung vào sản xuất.

“Tổng thống Trump đang tái định hình nước Mỹ thành một nền kinh tế sản xuất”, Bessent phát biểu trên chương trình “Mornings with Maria” của Fox Business Network. “Nếu chúng ta có thể cùng nhau làm điều đó, chúng ta sẽ sản xuất nhiều hơn, còn họ sẽ tiêu dùng nhiều hơn. Đó sẽ là một cú hích cho nền kinh tế toàn cầu”.

Trong khi đó, thuế quan tiếp tục là nguồn cơn gây bất ổn khi mối lo ngại bao trùm là liệu nó có thể dẫn đến giá cả tăng cao hơn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp hay không nếu các công ty chỉ đơn giản là chuyển chi phí sang cho người tiêu dùng. Vấn đề này đã được nhìn thấy rõ ràng sau khi General Motors báo cáo lợi nhuận ròng giảm 35% trong quý II do cảnh báo rằng thuế quan sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty trong những tháng tới, khiến cổ phiếu của công ty lao dốc.

Theo AP
Copy Link
    Nổi bật
        Mới nhất
        Tổng thống Donald Trump: Thuế với Nhật Bản giảm từ 25% xuống 15%
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO