Tinh giản bộ máy nhưng cần cơ chế để giữ chân người tài
Thảo luận tại tổ, các đại biểu cho rằng, việc Quốc hội xem xét, cho ý kiến các luật liên quan đến tổ chức bộ máy là rất kịp thời, đáp ứng cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng. Các dự thảo Luật đã bám sát theo yêu cầu, định hướng của Trung ương, Bộ Chính trị, đã thể hiện rõ tư duy đẩy mạnh phân cấp phân quyền, kiến tạo phát triển.
![Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 16. Ảnh: Khánh Duy z6313012611537-0bff0b78af7eeaa697a00b39eb90a793.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/a363c231b35bdbd1adab66cd8454015e6ae86a840caa88a98b1d75668f24d73f91de45a6e0da052359841905133bfb7330b5c72ff25ce4943bbd9dd4dcb61d2736d864983c85e3542046401fce0a2650/z6313012611537-0bff0b78af7eeaa697a00b39eb90a793.jpg)
Tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương với đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn như trong Tờ trình của Chính phủ, các đại biểu cũng bày tỏ thống nhất với quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định số lượng đại biểu HĐND, khung số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND, khung số lượng các Ban của HĐND; giao thẩm quyền cho HĐND quyết định thành lập các Ban và quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND, bảo đảm phù hợp với thực tiễn của địa phương...
Tuy nhiên, về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh quy định tại Điều 17, một số ý kiến cho rằng, cần bổ sung một phần hoặc toàn bộ văn bản do mình ban hành khi xét thấy không còn phù hợp hoặc trái pháp luật để bảo đảm phù hợp với thực tiễn… Đồng thời, trong dự thảo luật cũng cần quy định rõ thẩm quyền của Thường trực HĐND cấp tỉnh trong việc quyết định các vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn; quy định rõ vị trí, vai trò của các ban HĐND tỉnh trong hệ thống cơ quan Nhà nước, tương đương với cấp sở thuộc UBND tỉnh.
Tham gia ý kiến tại Tổ, đại biểu Hoàng Trung Dũng cho biết: Hiện, tỉnh Hà Tĩnh đã vận động được Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và 7 Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ nghỉ hưu trước tuổi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn trong việc thực hiện các Nghị định số 177/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng và Nghị định số 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
![Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng phát biểu. Ảnh: Khánh Duy z6313012692416-afd6c6fed9ce0574eda2dc9c9d244741.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/a363c231b35bdbd1adab66cd8454015e6ae86a840caa88a98b1d75668f24d73f66efa6611ed7b1959bedf8235950fdc1643134c8e73ae2f48b7eefcb88f3d99a6ef6e2605f38864ac2729a53a910999c/z6313012692416-afd6c6fed9ce0574eda2dc9c9d244741.jpg)
“Tất cả cán bộ nghỉ đều chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, nhưng việc cán bộ thuộc các đơn vị diện hợp nhất như Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận nghỉ thì sẽ được hưởng một khoản hỗ trợ lớn; còn nếu Ban Nội chính, Ban Tổ chức lại không có. Điều này đồng nghĩa với các sở, ngành cũng vậy, do đó cần có chính sách tính toán phù hợp, tạo sự đồng thuận ở cơ sở”, người đứng đầu tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Trên cơ sở nêu trường hợp 2 cán bộ cùng tuổi, cùng xin nghỉ hưu trước tuổi nhưng một người được hưởng chính sách khá lớn, còn một người lại không được bao nhiêu, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ đề xuất Bộ Chính trị cho phép các địa phương vận dụng được trích ngân sách của địa phương để bù vào. (Ví dụ, cho những người được hưởng theo nghị định số 177 bằng những người hưởng theo nghị định số 178).
Theo ông Hoàng Trung Dũng, chính sách của Trung ương rất hiệu quả, song nếu điều chỉnh thêm vấn đề này thì chắc chắn việc tinh giản sẽ đạt kết quả cao hơn. Tuy nhiên, chính sách cũng cần làm sao giữ người tài ở lại để cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước.
![Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái tham dự phiên thảo luận. Ảnh: Khánh Duy dai-bieu-to-16-a2.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/3f058b6c6b27d3551d8611e329d17b5a4c66af3e1e4c7e0f5554f8acd40d23bff87691d838fe340c3d2195068e112166/dai-bieu-to-16-a2.jpg)
Liên quan quá trình xử lý cán bộ cấp tỉnh dôi dư và đào tạo cán bộ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đề xuất mong muốn cấp huyện có thể tăng thêm Phó Chủ tịch, Phó Bí thư… Bên cạnh đó, đối với việc sáp nhập các cơ quan chức năng, Trung ương cũng nên thống nhất chỉ đạo các địa phương chỉ nên thực hiện đối với các sở, ban, ngành mà Trung ương có gợi ý.
Bảo đảm hệ thống vận hành thông suốt, không có khoảng trống pháp lý
Nhấn mạnh sự cần thiết và tính cấp bách của Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), được xây dựng trong thời gian ngắn với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng: Các dự án luật này không chỉ có ý nghĩa chính trị, xã hội và pháp lý, mà còn mang tính lịch sử trong giai đoạn quan trọng của đất nước; đồng thời đây cũng là bước đi quan trọng trong cải cách hành chính, hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
![Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu. Ảnh: Khánh Duy z6313032906925-2c71477c43acc59d1ba96f1c1ec30363.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/a363c231b35bdbd1adab66cd8454015ebd416a275c560aaca910272fda27e2dd1952711edea8aea46e293ff514b931a1bd8232175652e9b0bfd1c3daada0cabe134a1369371cc5682a01300bf5390e53/z6313032906925-2c71477c43acc59d1ba96f1c1ec30363.jpg)
Do đó, việc thiết kế luật cần bảo đảm cơ chế vận hành linh hoạt cho nền hành chính, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động từ Trung ương đến địa phương. “Một trong những thay đổi lớn nhất của hai dự thảo luật lần này là đổi mới tư duy trong xây dựng dự án luật, theo hướng luật chỉ quy định các nguyên tắc chung, mang tính nền tảng, nhằm bảo đảm tính ổn định và khả năng thích ứng lâu dài. Đây là bước đổi mới quan trọng trong tư duy xây dựng luật, tránh việc quy định quá chi tiết gây cản trở khi thực hiện trong thực tiễn”, Bộ trưởng cho biết.
Cũng theo bà Phạm Thị Thanh Trà, một điểm mới quan trọng là quy định rõ nguyên tắc phân quyền, phân cấp và ủy quyền. Theo đó, phân quyền được quy định trong luật, phân cấp được điều chỉnh qua các văn bản quy phạm pháp luật, còn ủy quyền được xác định bằng các văn bản hành chính. Đồng thời xác định rõ đối tượng, phạm vi và trách nhiệm của từng cấp chính quyền. Cách tiếp cận này bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý nhà nước, theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Đặc biệt, dự thảo Luật nhấn mạnh vai trò của Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc áp dụng nguyên tắc phân quyền, phân cấp và ủy quyền khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật… Đây là bước quan trọng để bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và cải thiện hiệu quả thực thi.
![ dbqh-dinh-gia.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/3f058b6c6b27d3551d8611e329d17b5aedee97171680386eca30a8982a6ae8124cc0e9aa31e052b4aa1204e3a48ba51e/dbqh-dinh-gia.jpg)
![Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) và đại biểu Nguyễn Quốc Luận phát biểu. Ảnh: Khánh Duy z6313032906930-a42b282d4cc6137c7a687428a31ebd51.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/a363c231b35bdbd1adab66cd8454015ebd416a275c560aaca910272fda27e2dd9551fe9f20136496e86c050bb4a970f2826eb127230e4369b6a8cae2782cd1bc064c066a3e7e7f58be938fbbae2fa61a/z6313032906930-a42b282d4cc6137c7a687428a31ebd51.jpg)
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, qua rà soát, hiện có tới 177 luật quy định thẩm quyền của Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, 152 luật quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, 141 luật liên quan đến HĐND, UBND và 92 luật quy định thẩm quyền của ba cấp chính quyền địa phương… Điều này dẫn đến nhiều chồng chéo và vướng mắc trong thực thi pháp luật.
Do đó, giải pháp quan trọng đó là thực hiện cơ chế ủy quyền lập pháp – một mô hình phổ biến trên thế giới. Theo đó, trên cơ sở chủ trương của cấp có thẩm quyền, Chính phủ có thể được ủy quyền ban hành nghị định hoặc các văn bản quy phạm pháp luật để xử lý những vấn đề cụ thể theo nguyên tắc được quy định trong hai dự luật về về phân cấp, phân quyền và ủy quyền. Cơ chế này từng được áp dụng trong giai đoạn đặc biệt của dịch Covid-19 với Nghị quyết số 30 của Quốc hội và nay có thể mở rộng nhằm giải quyết những điểm nghẽn trong quản lý nhà nước.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết: Sau khi hai dự luật này được thông qua, Chính phủ dự kiến ban hành ít nhất 4 nghị định hướng dẫn, trong đó có nghị định quy định khung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, thay thế Nghị định 123 hiện nay. Đồng thời, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cũng đã hoàn thiện dự thảo nghị định về chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan để khi hai dự án luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), các Nghị quyết liên quan đến sắp xếp bộ máy được thông qua có thể đi vào vận hành ngay, bảo đảm hệ thống vận hành thông suốt, không có khoảng trống pháp lý.
“Khó khăn đến đâu cũng sẽ đối diện, xem xét và tiếp tục phối hợp xử lý”
Nói về “cuộc cách mạng” trong tinh gọn bộ máy, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết: Nghị quyết số 18 của Trung ương từ năm 2017, đề ra toàn bộ mục tiêu, nội dung, lộ trình rất rõ, chính xác. Quá trình triển khai thực hiện trong thời gian ngắn, với hơn 2 tháng, đã tạo được sự đồng thuận, trên nền tảng kế thừa kết quả đạt được trong thời gian qua… Với cách làm mới, phương pháp triển khai được thống nhất cao từ Trung ương xuống địa phương, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, bộ máy từ Trung ương đến địa phương, nên đạt được kết quả như vậy. “Bước đi này khẳng định, quyết định của Trung ương là rất chính xác, dựa trên căn cứ khoa học, cơ sở thực tiễn, pháp lý và cơ sở chính trị”, ông Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
![Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng phát biểu. Ảnh: Khánh Duy dbqh-minh-hung.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/3f058b6c6b27d3551d8611e329d17b5a851390a3d3aa4fafa0fbff9ce02144affca2ff271cebb3b3d882f6337931b648/dbqh-minh-hung.jpg)
Cũng theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, với một số vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, Trung ương xác định “khó khăn đến đâu cũng sẽ đối diện, xem xét và tiếp tục phối hợp xử lý”… Như hôm nay, Quốc hội tổ chức kỳ họp này là để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, để sau khi thống nhất cơ cấu tổ chức bộ máy mới đi vào hoạt động bảo đảm liên tục, hiệu quả hơn, chất lượng hơn và không bị gián đoạn công việc. “Đây là công việc trong chuỗi công việc chúng ta đang hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”, ông Lê Minh Hưng cho hay.
Theo ông Lê Minh Hưng, có những vấn đề phát sinh như Nghị định 177, 178 đề cập, khi thảo luận, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ đã nhìn nhận. Song, thời điểm sắp xếp tổ chức bộ máy trùng thời điểm chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, có những quy định chưa đồng bộ. “Một số địa phương phản ánh, hôm qua tôi trao đổi với Phó Thủ tướng Thường trực, Bộ trưởng Nội vụ nhất trí đây là những kiến nghị có cơ sở và cũng là để xử lý những vấn đề vướng mắc trên thực tế phát sinh; đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Đảng ủy Chính phủ để tuần này báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, có hướng xử lý đồng bộ”, ông Lê Minh Hưng chia sẻ.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, bên cạnh việc xử lý chính sách, địa phương phải lưu ý việc tinh giản đi kèm có cơ chế, chính sách phù hợp, giữ chân cán bộ có năng lực, trình độ, có cống hiến cho sự nghiệp chung... “Đó là những yêu cầu cao như nhau, bên cạnh việc làm tốt công tác chính trị tư tưởng, vận động, thuyết phục… cũng phải bảo đảm cơ chế chính sách để giữ chân cán bộ có năng lực, trình độ”, ông Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
![Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tham dự phiên thảo luận. Ảnh: Khánh Duy dai-bieu-to-16.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/3f058b6c6b27d3551d8611e329d17b5a4c66af3e1e4c7e0f5554f8acd40d23bf448df2dedb0e031bf610aaf92a48b642/dai-bieu-to-16.jpg)
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng cho biết: Trung ương không chỉ thông qua cơ cấu tổ chức bộ máy mới, mà còn đặt ra các yêu cầu, nhiệm vụ rất cao. “Cho nên không phải đến đây là triển khai xong Nghị quyết số 18, mà đây mới chỉ là bước đi đầu tiên, còn nhiều nhiệm vụ nữa phải triển khai trong năm nay và trong nhiệm kỳ tới. Đây mới là bắt đầu”, ông Lê Minh Hưng chia sẻ.
Trên cơ sở đó, sau khi bộ máy mới đi vào hoạt động, các cơ quan chức năng như Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Quốc hội phải tiến hành tổng rà soát, đánh giá để xem bộ máy mới vận hành thông suốt chưa? Đồng thời, cũng sẽ tổng rà soát biên chế từ Trung ương đến địa phương, gắn chức năng nhiệm vụ mới của các cơ quan, tổ chức, từ đó rà soát để có quyết định mới về biên chế.
Với Đảng ủy MTTQ Việt Nam phải lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu bộ máy bên trong của các hội đoàn thể, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương… “Vừa rồi, tôi cho cách làm của nhiều địa phương rất hay là sáp nhập các cơ quan Báo với Đài truyền hình và phải tiếp tục làm nữa chứ không phải đến đây là thôi. Tới đây, ngành công an chấm dứt hoạt động công an cấp huyện thì việc tổ chức bộ máy, hay hoạt động của Viện Kiểm sát, Tòa án Nhân dân như thế nào, cũng phải nghiên cứu để báo cáo cấp có thẩm quyền tính toán và phải triển khai trong năm nay”, ông Lê Minh Hưng nhấn mạnh.