Tổng kết 5 năm thực hiện Luật Công chứng

- Thứ Bảy, 15/01/2022, 06:21 - Chia sẻ

Ngày 14.1, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật Công chứng. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 64 điểm cầu.

Luật Công chứng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2015. Trong 5 năm thi hành Luật Công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã công chứng được hơn 27 triệu việc; chứng thực chữ ký giấy tờ, tài liệu, chứng thực bản sao từ bản chính được gần 52 triệu việc; tổng số phí công chứng thu được khoảng gần 8,5 nghìn tỷ đồng; phí chứng thực thu được gần 346 tỷ đồng; tổng số thù lao công chứng thu được gần 1,4 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước khoảng gần 1,7 nghìn tỷ đồng.

Tại hội nghị, đại diện các địa phương, tổ chức hành nghề công chứng, Hiệp hội Công chứng Việt Nam đã thảo luận về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp, kiến nghị trong triển khai Luật Công chứng. Đây sẽ là một trong những cơ sở, định hướng quan trọng để Bộ Tư pháp tổng hợp, lập đề nghị sửa đổi Luật Công chứng, đồng thời nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ hoặc quy định theo thẩm quyền những giải pháp phù hợp hơn trong công tác quản lý nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động công chứng trong những năm tiếp theo.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng, pháp luật về công chứng đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp với thực tiễn; trình độ của đội ngũ công chứng viên và người được giao làm nhiệm vụ công chứng chưa đồng đều, chất lượng hoạt động công chứng có nơi, có việc chưa đáp ứng yêu cầu, còn để xảy ra sai phạm; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số còn hạn chế; cải cách thủ tục hành chính tại một số nơi chưa thực sự toàn diện, chưa có tính liên thông.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị, tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực công chứng, trước hết là Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tập trung xây dựng, trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Công chứng sửa đổi, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong hoạt động công chứng; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở, Luật Đất đai…

Hải Lam