Giải thưởng Sáng tác về biên giới, hải đảo

Tổng duyệt "các giá trị đặc biệt"

- Thứ Hai, 23/11/2020, 08:25 - Chia sẻ
Không đợi một cuộc thi hay chương trình phát động, suốt mấy chục năm qua, các nhà văn, nhà thơ luôn đau đáu với đề tài biên giới, biển đảo. Nói như nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, họ cứ lặng lẽ đi, lặng lẽ viết, âm thầm sáng tạo mà truyền nguồn năng lượng tích cực bảo vệ lợi ích, chủ quyền của quốc gia, dân tộc.

Tôn vinh và tri ân

Một cuộc tổng duyệt các giá trị đặc biệt” là cách mà nhà thơ Hữu Thỉnh nói về “Giải thưởng Sáng tác về biên giới, hải đảo” lần thứ nhất do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sáng 22.11. Đặc biệt bởi vấn đề biển đảo chỉ thực sự được đặt ra sau ngày giải phóng 30.4.1975, còn trước đó, công cuộc chiến đấu tập trung phục vụ mục tiêu giải phóng dân tộc. “Nếu bỏ sót tác phẩm nào, tài năng nào của nhà văn đã là lỗi to lớn, nhưng lãng quên xương máu của đồng đội trên biển đảo, biên giới... là không thể tha thứ. Với tinh thần tôn vinh những cống hiến của nhà văn và tưởng nhớ những người anh hùng đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc mà các tác giả đã đề cập, chúng tôi quyết định tổ chức trao giải, tôn vinh tác phẩm viết về biên giới, biển đảo”.

Từ năm 1975 đến nay, hàng trăm tác giả đã bước vào mảnh đất văn học này bằng ý thức chủ quyền từ rất sớm, thể hiện trách nhiệm công dân của mỗi văn nghệ sĩ. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh: “Có thể thấy rõ rằng các tác giả đã có ý thức rất sớm về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, lặng lẽ, âm thầm sáng tác, thể hiện tình yêu và trách nhiệm với Tổ quốc, đem lại những tác phẩm giá trị, chân thực, có tính dự báo cao và trở thành những 'cột mốc sống' bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước”.

44 tác giả được trao giải, tôn vinh là những cái tên không mới trên văn đàn Việt, phần nhiều tác phẩm của họ đã quen thuộc với bạn đọc. Có thể kể đến “Huyền thoại tàu không số” của Đình Kính, “Trường Sa kỳ vĩ và gian lao” của Sương Nguyệt Minh, “Biển xanh màu lá” của Nguyễn Xuân Thủy, “Tổ quốc nhìn từ biển" của Nguyễn Việt Chiến, “Đảo chìm Trường Sa” của Trần Đăng Khoa, “Ba phần tư trái đất” của Thi Hoàng, “Khúc tráng ca về biển” của Chu Lai... Góc nhìn khác nhau, thể loại, phong cách khác nhau nhưng chung tình cảm hướng về biên giới, biển đảo thiêng liêng.

Như nhà thơ Trịnh Công Lộc sinh ra và lớn lên từ biển, ông bảo mình gắn bó và yêu biển như một lẽ tự nhiên. Vì vậy, “Thơ viết về biển”, “Từ biển mà đi” hay “Mộ gió”... được ông viết bằng tình yêu và sự trân trọng lịch sử, bằng ý thức dân tộc kết chặt với tinh thần bảo vệ Tổ quốc. “Mỗi khi chủ quyền biên giới, biển đảo bị đe dọa, vận mệnh của dân tộc, của đất nước bị uy hiếp, thì lẽ tự nhiên lòng yêu nước và ý thức dân tộc lại bùng cháy. Có lẽ nhà thơ nào, văn nghệ sĩ nào cũng có đặc điểm giống nhau như vậy”. Còn với Trần Đăng Khoa, đó là cảm xúc ngồn ngộn thôi thúc, tạo nên áng văn xuôi mang đầy chất thơ. “Đảo chìm Trường Sa” gợi người đọc cảm nhận hình tượng từng hòn đảo nhỏ đang từ từ nhô lên mặt biển, cùng với hình tượng khác đang lớn lên trong lòng chiến sĩ, ấy là tình yêu Tổ quốc, và còn một hình tượng nữa, ở ngay trái tim người cầm bút. “Bởi vậy, giải thưởng, tôn vinh... không phải dành tặng cho tác giả nữa, mà là tặng cho biển đảo, cho biên giới, cho những người lính của đất mẹ này, mà chúng tôi là những người đồng hành xúc cảm”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói. 

Trao Giải Nhất cho 4 tác giả có tác phẩm viết về biên giới biên giới và biển đảo  

Ảnh: Hải Đường

Xúc cảm đồng hành

Xúc cảm đồng hành được nhà văn Võ Thị Xuân Hà cùng anh chị em đồng nghiệp mang theo trên chuyến tàu HQ-996 từ ngày 28.4.2014. Đang lênh đênh giữa biển khơi, tàu nhận được thông tin Trung Quốc đem giàn khoan HD981 hạ đặt trái phép trong vùng biển nước ta, đoàn văn nghệ sĩ ai nấy bồn chồn, sục sôi. “Những bức thư gửi từ biển” lần lượt được đưa về đất liền, rồi “Dòng chảy cuộc sống Trường Sa” truyền hơi thở biển đảo trên từng trang viết... Chị chia sẻ: “Bất chợt ngày nào đó mình lênh đênh giữa sóng biển mênh mông, không nhìn thấy đâu là bờ... Bất chợt ngày nào đó, đặt dấu chân trên hòn đảo nhỏ bé thân thương xa xôi của đất nước... Biên giới, biển đảo, đúng là nơi mà những ai không đi thì không thể bịa tạc được, nhưng đã đi rồi mà viết thì không thể khô khan”.

Không thể khô khan, bởi viết về biên giới, hải đảo là cùng đi, cùng ăn, cùng ở, cùng trải nghiệm thực sự với những người lính. Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ, có lẽ may mắn một chút vì trước khi làm nhà văn, anh là lính Trường Sa. Vùng biển đảo xa xôi ấy là cầu nối để anh đến với văn chương, tắm mình trong vùng thiêng của người cầm bút viết về biên giới, biển đảo. “Dường như, cả một vùng ký ức tuổi trẻ của tôi đang trở lại, nói rằng tôi hãy đi đi, đến những vùng sâu, vùng xa, đảo lớn đảo nhỏ, nơi đầy bão gió, khó khăn... nhưng sẽ cho tôi sức mạnh để cống hiến”.

Sức mạnh để cống hiến dù cho đất nước đang lâm nguy hay trong cuộc sống yên bình. Sức mạnh truyền lan đến người đọc và thấm ngược vào cây bút của nhà văn, nhà thơ. Sức mạnh ấy, theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, đã cho ông sức vóc của những bản trường ca. “Nói đến biên giới, biển đảo, người ta thường nghĩ ngay đến nguy cơ, hiểm họa mà đất nước phải đối mặt, nhưng người ta cũng nghĩ ngay đến tinh thần yêu nước, ý chí bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc. Đó là Việt Nam trong 'Tổ quốc nhìn từ biển' tôi đã viết: Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa/ Đã mười lần giặc đến tự Biển Đông/ Những ngọn sóng hóa Bạch Đằng cảm tử/ Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng...”.

Bởi vậy, trao giải, tôn vinh sáng tác về biên giới, biển đảo còn là sự khích lệ, động viên các thế hệ nhà thơ, nhà văn nối tiếp đề tài. Sự nối tiếp ấy, như lời nhà thơ Hữu Thỉnh, là một hành trình vươn xa vì lợi ích của dân tộc: “Nếu tầm tay của chúng ta ngày càng vững chắc, vươn xa, thì thử thách ngày càng lớn. Nhưng cũng chính vì thử thách, khó khăn ngày càng lớn mà cánh tay của chúng ta lại càng nối dài hơn, để bảo vệ biên giới, biển đảo thiêng liêng của đất nước. Trong báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh 'đặt lợi ích quốc gia - dân tộc và của nhân dân lên trên hết, trước hết', có thể nói, tôn vinh các sáng tác về biên giới, biển đảo chính là tích cực khẳng định, truyền năng lượng cho lợi ích quốc gia”.

Hải Đường