Tổng đốc Vi Văn Định và chính sách đại đoàn kết của Hồ Chủ tịch

26/12/2022 06:54

Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đã là cán bộ Mặt trận Trung ương những năm 60, 70 của thế kỷ XX thì không ai không biết cụ Vi Văn Định. Cũng như nhiều nhân sĩ, trí thức nổi tiếng khác, cụ thường xuyên được nhắc đến như những nhân chứng lịch sử sống động về tư tưởng bao dung, phương châm thêm bạn, bớt thù và chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mặt trận Dân tộc thống nhất.

Trong khuôn khổ bài viết, tôi muốn kể lại hai mẩu chuyện nhỏ trong hàng chục câu chuyện mà các Ủy viên Trung ương Mặt trận cùng thời với cụ và cả bản thân cụ kể cho chúng tôi nghe.

Chuyện thứ nhất xảy ra vào tháng 7.1977 tại cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, 46 Tràng Thi, Hà Nội. Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng - đại hội mở đầu cho thời kỳ đất nước thống nhất, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, ngày 3.8.1977, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị về “tăng cường công tác Dân vận - Mặt trận trong giai đoạn mới”. Ngày 15.7, Ban Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam triệu tập Hội nghị lần thứ hai (khóa I) để nghiên cứu Chỉ thị trên. Đây là Hội nghị toàn Ủy ban Trung ương lần đầu tiên được tổ chức ở miền Bắc sau ngày thống nhất các tổ chức Mặt trận của hai miền, nên Trung ương Đảng rất quan tâm. Đồng chí Xuân Thủy - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận - Mặt trận Trung ương trực tiếp chỉ đạo hội nghị. Đồng chí yêu cầu chúng tôi - cán bộ chuyên trách của cơ quan Mặt trận phải hết sức chu đáo trong khâu phục vụ, trọng thị khi tiếp xúc với các đại biểu miền Nam, nhất là các nhân sĩ, trí thức có thời đã làm cho Mỹ - ngụy, lần đầu tiên đặt chân lên miền Bắc XHCN.

Tổng kết đợt phục vụ có hai đồng chí cấp Vụ bị kỷ luật vì “thái độ thiếu tôn trọng nhân sĩ”. Trong buổi công bố kỷ luật, đồng chí Xuân Thủy tâm sự: trong cuộc đời của mình, ông đã hai lần bị ông Vi Văn Định, Tổng đốc Hà Đông bắt giam và đầy lên Sơn La. Cách mạng tháng Tám thành công, với chính sách đại đoàn kết, thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng bộ Việt Minh lại phân công ông lúc đó là Ủy viên Thư ký thường trực của Tổng bộ Việt Minh phục vụ ông Vi Văn Định và Ngô Đình Diệm[1] tại nhà khách của Tổng bộ Việt Minh, đồng thời là trụ sở của báo Cứu Quốc tại 44 Lê Thái Tổ (nay là Tòa soạn báo Hà Nội mới) với yêu cầu “phải hết sức chu đáo vì là khách của Bác Hồ”.

Câu chuyện thứ hai cũng về Tổng đốc Vi Văn Định là do đồng chí Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa I cung cấp. Sau khi thống nhất đất nước, Ban Bí thư có công văn yêu cầu các Đảng đoàn, các cấp ủy Đảng tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp các đồng chí lãnh đạo lớp tiền bối nay tuổi đã cao, có thời gian bình tâm suy ngẫm, hồi tưởng, kể lại cuộc đời hoạt động cách mạng của mình để anh em ghi chép lại “vì đây là tài sản quốc gia”.

Đầu năm 1955, thủ đô Hà Nội thay mặt đồng bào cả nước tổ chức mít tinh và sau đó là bữa tiệc chào mừng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Liên Việt trở lại thủ đô. Tiệc tan, Bác Hồ mời các vị thành viên trong Chính phủ qua các thời kỳ cùng các nhân sĩ, trí thức trong Mặt trận Liên Việt ở lại hàn huyên, tâm sự. Mở đầu câu chuyện, Bác nói đại ý: ông cha ta có câu “ăn cơm mới, nói chuyện cũ”. Mười năm trước đây, khi nhân dân ta vừa giành được độc lập, tự do, trong Chính phủ lâm thời, một số vị yêu cầu tôi phải “xử lý” một số nhân sĩ, trí thức, trong đó có các cụ Vi Văn Định, Phan Kế Toại. Hôm đó, tôi có phát biểu: đời tôi cho đến nay chưa làm điều gì có hại cho Tổ quốc, cho nhân dân. Xin các cụ, các đồng chí cho tôi một đặc ân là được bảo lãnh hai cụ Phan Kế Toại và Vi Văn Định. Vì nể tôi, các cụ, các đồng chí đã chấp thuận. Đến nay, tôi rất vui khi cụ Phan Kế Toại là Phó Thủ tướng Chính phủ, cụ Vi Văn Định là đại biểu Quốc hội. Cả đại gia đình hai cụ đều đi theo cách mạng và có nhiều đóng góp cho kháng chiến, kiến quốc.

Rồi Bác giải thích: cụ Vi Văn Định là ai? Là Tổng đốc Thái Bình, rồi Tổng đốc Hà Đông. Đúng, điều đó ai cũng biết, nhưng cụ là bố vợ của Giáo sư Nguyễn Văn Huyên - Bộ trưởng Bộ Giáo dục, bố vợ của Giáo sư Hồ Đắc Di, ông ngoại vợ của Giáo sư Tôn Thất Tùng - những nhà khoa học nổi tiếng của đất nước. Còn cụ Phan Kế Toại là ai? Là khâm sai đại thần? Đúng, nhưng trước hết cụ là người yêu nước, sớm có liên hệ với Việt Minh và ủng hộ Việt Minh cả vật chất lẫn tinh thần. Giữ được cụ cũng có nghĩa là giữ được một đội ngũ đông đảo viên chức cũ đi theo cách mạng.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt kể: sau Hội nghị Trung ương là khai mạc Quốc dân đại hội Tân Trào. Đại hội đang họp thì được tin phát xít Đức đầu hàng. Bác Hồ đề nghị rút ngắn thời gian họp và ra ngay Hiệu triệu Tổng khởi nghĩa. Chiều hôm bế mạc Đại hội quốc dân, Người triệu tập hội nghị Thường vụ Trung ương (mở rộng)[2] và phân công mỗi người một việc. Dưới sự chủ trì của Bác, tôi được phân công đi Nam để kiểm tra tình hình khởi nghĩa và vận động Luật sư Phạm Văn Bạch ra làm Chủ tịch UBND Nam Bộ, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử đi Huế để thuyết phục vua Bảo Đại thoái vị, còn đồng chí Trường Chinh ở lại cùng Bác giải quyết việc chung. Theo chủ trương của Trung ương, cách mạng vừa mới thành công, thù trong giặc ngoài đang tìm mọi cách “bóp chết” chính quyền non trẻ của chúng ta. Vì vậy cần vận động, thuyết phục nhân sĩ, trí thức tham gia chính quyền cách mạng, kể cả bố trí giữ những chức vụ chủ chốt.

Chủ trương đó không phải ai cũng nhất trí. Cuối cuộc họp, Bác căn dặn chúng tôi phải thực hiện thật tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc theo tinh thần: “năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp ở nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đoàn kết tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”[3]. Những điều Bác căn dặn trên cũng chính là nội dung trong “Thư gửi đồng bào Nam Bộ” sau này của Bác đăng trên báo Cứu Quốc ngày 31.5.1946.

Mấy ngày sau, đồng chí Hoàng Quốc Việt dẫn chúng tôi đến gặp bác Nguyễn Lương Bằng, rồi gặp đồng chí Hoàng Văn Kiều và được biết: sau khi vào Huế nhận ấn kiếm, chứng kiến lễ tuyên bố thoái vị của vua Bảo Đại và chuyển thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại vừa thoái vị) ra Hà Nội làm tối cao cố vấn cho Chính phủ dân chủ cộng hòa Việt Nam trở về, Bác lại giao đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng đồng chí Võ Nguyên Giáp đến gặp cụ Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại... và tổ chức đón bằng được cụ Vi Văn Định, cụ Vương Chí Sình về Hà Nội để Bác gặp.

Theo bác Nguyễn Lương Bằng, công việc lúc đó quá nhiều, người ít, cụ Vi Văn Định lại về Lạng Sơn sinh sống. Tôi đề nghị và được Bác đồng ý, cử đồng chí Phan Bôi (tức Hoàng Hữu Nam) phụ trách việc này. Khi đón cụ về Hà Nội, tôi bố trí Bác đến thăm tại trụ sở Tổng bộ Việt Minh và giao đồng chí Xuân Thủy chăm sóc cụ.

Đối với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, cụ Vi Văn Định là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội liên Việt.

Hiệp định Genève được ký kết đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta; miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Mặt trận liên Việt hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Từ ngày 5 đến 10.9.1955 tại Hà Nội diễn ra Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc để bàn bạc và thông qua Cương lĩnh, Điều lệ mới của MTTQ Việt Nam. Cụ Vi Văn Định được đại hội tín nhiệm cử vào Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và giữ cương vị đó cho đến cuối đời.

Là người giúp việc đồng chí Hoàng Quốc Việt, tôi có may mắn được nhiều lần tiếp xúc với cụ khi cụ ở phố Nguyễn Gia Thiều. Cũng giống như nhiều nhân sĩ, trí thức nổi tiếng khác, đây là nhân vật rất thông minh, hiểu biết rộng, rất bộc trực và dân dã. Ghi nhận việc cụ hiến biệt thự số 20 Trần Bình Trọng để Đảng làm Nhà khách Trung ương, đồng chí Hoàng Quốc Việt yêu cầu Hà Nội không thu tiền nhà và đề nghị Trung ương cấp ngôi nhà hiện đang ở cho cụ.

_________________________

[1] Ngô Đình Diệm lúc đó được cử làm cố vấn của Vĩnh Thụy (tức Bảo Đại) còn Vĩnh Thụy được Bác Hồ cử làm tối cao cố vấn của Chính phủ.

[2] Thường vụ Trung ương ở thời điểm đó gồm 3 người: đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt và Nguyễn Lương Bằng.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, trang 139-140, Nxb Sự thật.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tổng đốc Vi Văn Định và chính sách đại đoàn kết của Hồ Chủ tịch
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO