Tổng đài 1022: Gỡ rối cho bệnh nhân Covid
Cùng với các giải pháp trong phòng, chống dịch Covid-19, tổng đài 1022 đã lần lượt được vận hành tại nhiều tỉnh, thành phố. Những ngày gần đây, khi mà số ca F0 gia tăng đột biến, tổng đài 1022 được coi là kênh kết nối, tiếp nhận phản ánh, giải đáp kiến nghị của công dân, tổ chức trên địa bàn thành phố liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19.
Tổng đài luôn thông suốt
Hiện nay tổng đài 1022 tại Hà Nội có khoảng 1.000 bác sĩ tham gia nhánh gọi. 100% mạng lưới là tình nguyện.
Tổng đài 1022 từ lâu được biết đến là kênh tiếp nhận, giải đáp, kiến nghị, xử lý thông tin về các vấn đề liên quan đến giao thông vận tải, hạ tầng, trật tự xã hội giữa chính quyền và người dân. Khi dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp và gia tăng ở các tỉnh, thành phố, tổng đài 1022 đã trở thành phương tiện chính để chính quyền và người dân cung cấp thông tin, phản ánh và tư vấn liên quan đến phòng, chống dịch.
Tại Hà Nội, kể từ khi tổng đài 1022 được kích hoạt (từ tháng 8.2021) đến nay, nhiều bệnh nhân F0 đã được tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị khỏi bệnh. Đặc biệt trong những ngày gần đây, khi thành phố bước vào giai đoạn đỉnh dịch với nhiều ngàn ca F0 được ghi nhận mỗi ngày, các cuộc gọi tới tổng đài 1022 cũng gia tăng, khiến khối lượng và áp lực công việc của những tình nguyện viên - những chiến sĩ áo trắng càng trở nên gấp gáp.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết: thời điểm trước khi Hà Nội bùng dịch thì trung bình mỗi ngày mạng lưới tiếp nhận được khoảng 400 - 500 cuộc gọi từ người dân tới tổng đài 1022 để nhờ kết nối, tư vấn, nhưng trong 2 - 3 tuần qua thì số cuộc gọi đến tổng đài, đặc biệt là cuộc gọi đến mạng lưới thầy thuốc đồng hành gia tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày có khoảng trên dưới 1.000 cuộc gọi, các bàn tổng đài luôn trong tình trạng cháy máy.
Để tất cả các cuộc gọi đến tổng đài được thông suốt, đồng thời phục vụ tốt hơn công tác hướng dẫn, chăm sóc cho các F0 tại nhà, từ ngày 4.3.2022, TP. Hà Nội đã điều chỉnh các nhánh 1, 2 và 3 của Tổng đài điện thoại 1022. Theo đó, bấm phím 1 để kết nối tới đường dây nóng Sở Y tế Hà Nội hỗ trợ thông tin F0, bấm phím 2 để kết nối đến Mạng lưới thầy thuốc đồng hành để được tư vấn, chăm sóc F0 tại nhà; Bấm phím 3 sau đó chọn: phím 1 để kết nối đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội để hỗ trợ, tư vấn về xét nghiệm và công tác phòng, chống dịch Covid-19; phím 2 để kết nối đến Trung tâm cấp cứu 115 để được hỗ trợ cấp cứu và xe cấp cứu…
Cách làm trên, cùng với sự đồng hành hỗ trợ của hàng trăm tình nguyện viên là những sinh viên các trường Đại học y, dược Hà Nội, và các y bác sĩ đến từ các bệnh viện đã làm việc khoa học, bài bản theo hình thức chia 3 ca/ kíp trực nên dù cuộc gọi có tăng, nhưng đường dây đến tổng đài luôn thông suốt, bảo đảm 100% cuộc gọi đến tổng đài 1022 đều được tiếp nhận, trả lời, mang lại sự an tâm cho người dân, Chánh Văn phòng Hội thầy thuốc trẻ Hà Nội, thành viên Ban điều hành mạng lưới thầy thuốc đồng hành Lương Huyền My chia sẻ thêm.

Ảnh: Bảo Hân
Giảm tải cho y tế cơ sở
Trong các ngày 7 - 8.3, phóng viên đã kết nối với cổng thông tin 1022 của Hà Nội để khảo sát cho thấy, việc kết nối tại cổng luôn thông suốt, các đường dây luôn sẵn sàng tiếp nhận phản ánh 24/7 từ người dân để hỗ trợ, xử lý nhanh nhất những thông tin trong công tác phòng, chống và điều trị các F0 tại nhà. Việc tiếp nhận thông tin về dịch Covid-19 qua cổng 1022 không những giúp người dân thêm yên tâm khi điều trị F0 tại nhà mà còn góp phần giảm tải hệ thống tiếp nhận thông tin về tình hình dịch bệnh cho y tế tuyến cơ sở khi dịch bùng phát mạnh, y tế cơ sở không thể đáp ứng kịp.
Chị Phạm Thanh Hằng, Cầu Giấy, Hà Nội - là một trong hàng nghìn trường hợp đã tìm đến tổng đài khi biết mình mắc Covid-19 cho biết: sau nhiều cuộc gọi đến xã, phường để nhờ hỗ trợ không được do quá tải, chị đã tìm gọi đến tổng đài 1022, chỉ trong phút chốc chị đã được kết nối đến một bác sĩ - làm việc ở bệnh viện Bạch Mai. Từ hôm đó trở đi thì gần như ngày nào chị Hằng cũng được các bác sĩ của mạng lưới, khi thì bác sĩ ở bệnh viện Đức Giang, khi thì bác sĩ của Việt Đức… gọi hỏi han về tình hình sức khỏe, hướng dẫn cách điều trị. “Nhờ có tổng đài 1022, những F0 như mình cảm thấy rất yên tâm khi tự điều trị bệnh tại nhà trong bối cảnh y tế xã, phường quá tải” - Chị Thanh Hằng bày tỏ.
Cùng chung cảnh F0 không thể liên lạc được với y tế xã, phường do các số máy của cán bộ y tế luôn trong tình trạng bận và cháy máy, bác Lê Văn Hoàn (67 tuổi) trú tại quận Nam Từ Liêm cũng bày tỏ sự biết ơn đối với những bác sĩ và tình nguyện viên tại tổng đài 1022. Trong thư cảm ơn gửi tới tổng đài 1022 Hà Nội, bác Hoàn đã viết: “Cảm ơn tổng đài 1022, đặc biệt cảm ơn bác sĩ Đặng Thị Hoa rất nhiều. Đây là kết quả âm tính lần thứ nhất, lúc 6 giờ ngày 2.3, tôi rất cảm ơn bác sĩ Hoa đã ở bên cạnh, hướng dẫn động viên trong quá trình điều trị Covid-19 tại nhà cho một ông già như tôi nhanh khỏi bệnh chỉ sau 7 ngày.
Chánh Văn phòng Hội thầy thuốc trẻ Hà Nội - thành viên Ban điều hành mạng lưới thầy thuốc đồng hành Lương Huyền My trăn trở, mặc dù nhận được sự hưởng ứng và động viên từ phía người dân dành cho tổng đài 1022, song sẽ rất khó khăn đối với tổng đài nếu tình hình dịch ngày một gia tăng, trong khi nguồn nhân lực của tổng đài luôn thiếu bởi tình nguyện viên không cố định. “Các tình nguyện viên chủ yếu vẫn là sinh viên Đại học y, dược, y tế công cộng, và một vài trường khác, các bạn vẫn phải bận học, đi thực tập, có bạn vẫn phải đi làm thêm để duy trì cuộc sống, trong khi đó công việc tại tổng đài hoàn toàn tự nguyện và không có kinh phí hỗ trợ”.