Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và các đồng chí lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương.
Củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Theo Báo cáo, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, Ban Dân vận Trung ương đã tập trung nghiên cứu, tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các chủ trương, định hướng và giải pháp lớn về công tác dân vận, trọng tâm là việc triển khai các nội dung về công tác dân vận được nêu trong toàn quốc lần thứ XIII, với mục tiêu thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Ban Dân vận Trung ương đã chủ động tham mưu với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận của hệ thống chính trị. Bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận của hệ thống chính trị, Ban Dân vận Trung ương đã cụ thể hóa vào kế hoạch công tác hằng năm và hướng dẫn, đôn đốc cấp ủy chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nền nếp công tác dân vận của hệ thống chính trị. Một số nhiệm vụ phát sinh do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao được triển khai xử lý, tham mưu, đôn đốc giải quyết kịp thời.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp đã được thực hiện hiệu quả; phát huy sức mạnh và vai trò của nhân dân, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, đối ngoại của đất nước.
Đến nay, cả nước có hơn 408.000 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký. Ban Dân vận các cấp đã tham mưu cấp ủy tổ chức 971 cuộc thi, hội thi về công tác dân vận, dân vận khéo...
Báo cáo của Ban cũng đã nêu bật những nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân vận từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, trong đó tiếp tục bám sát chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo ban hành và thực hiện hiệu quả các mục tiêu công tác dân vận của nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng cũng như các nhiệm vụ tổ chức phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tiếp tục chủ động, sáng tạo, nỗ lực triển khai, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Công tác dân vận tạo ra thế trận lòng dân vững chắc
Kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm biểu dương những kết quả nổi bật mà Ban Dân vận Trung ương đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đồng thời nêu rõ, căn cơ nhất của công tác dân vận tạo ra thế trận lòng dân vững chắc.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, kết quả công tác dân vận với vai trò tham mưu nòng cốt của Ban Dân vận Trung ương trong những năm gần đây đóng góp tích cực vào thành quả chung của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã tạo ra hàng nghìn điển hình tiên tiến mỗi năm, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền ở cơ quan, địa phương, đơn vị.
Công tác dân vận được thực hiện ngày càng hiệu quả đã góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Về phương hướng công tác dân vận trong thời gian tới, Tổng Bí thư đề nghị thống nhất về tầm quan trọng đặc biệt và yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác dân vận ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới nhằm huy động sức mạnh vô địch của nhân dân, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Mục tiêu cao nhất là công tác dân vận trong giai đoạn mới là vì dân; mang lại hiệu quả thiết thực cho dân; giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đặt lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân lên trên hết, trước hết; thật sự tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; củng cố gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Tổng Bí thư khẳng định, Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích chính đáng của nhân dân, mọi sự nỗ lực phấn đấu, hy sinh của Đảng đều vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân, công tác dân vận của Đảng càng không nằm ngoài mục tiêu này, hơn hết, phải triển khai tốt nhất mục tiêu này của Đảng.
Đích đến của công tác dân vận trong giai đoạn mới đó là phải tập hợp “không sót một người dân nào” như căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải phát huy sức mạnh toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo thành sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước.
Về nhiệm vụ của công tác dân vận, phải thiết thực, cụ thể, hướng vào yên dân, an dân, chăm lo dân sinh, thực hiện an sinh xã hội, nhất là với bộ phận người dân còn đang nghèo đói, thiệt thòi, dễ bị tổn thương; nắm bắt, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, bức xúc trong nhân dân.
Tổng Bí thư nhấn mạnh trách nhiệm thực hiện công tác dân vận là của toàn Đảng, toàn quân cả hệ thống chính trị, đảng viên nhất là người đứng đầu cấp ủy chính quyền các cấp phải gương mẫu nêu gương, phải phát huy trách nhiệm của Ban Dân vận Trung ương trong việc tham mưu, điều phối, hướng dẫn thực hiện Quyết định của Bộ Chính trị về vấn đề này.
Tổng Bí thư lưu ý, chúng ta không thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội nếu không có dân chủ và sẽ không thể có dân chủ nếu không làm công tác dân vận, không coi trọng việc dân vận.
Dân vận không phải chỉ làm theo phong trào mà là công việc thường xuyên, thường trực; gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị.
Muốn làm dân vận tốt, đường lối, cơ chế, chính sách phải thực sự vì dân, do dân, khắc phục triệt để tính hình thức, lãng phí, tính hành chính quan liêu, xa dân; cán bộ, đảng viên phải hiểu dân, tin dân, nêu cao đức hy sinh, tính tiền phong, sự gương mẫu để nhân dân noi theo; phải thể hiện bằng việc làm và hành động thực tế để bảo vệ dân, chăm lo cải thiện đời sống, nâng cao mức sống của dân và phát huy được sức dân.
Thực hành dân chủ thiết thực nhất vào lúc này là chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, để kịp thời lo cho dân, mọi người dân đều có ăn, có mặc, được học hành, được chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, có nhà ở, được hưởng quyền làm chủ theo quy định của pháp luật, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng yêu cầu Ban Dân vận Trung ương tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp vận động nhân dân.
Trong đó, bảo đảm phù hợp với đặc điểm, điều kiện, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; trên cơ sở bám sát cơ sở, địa bàn, nắm chắc tình hình, gần dân, trọng dân; đi vào vấn đề cụ thể, rõ ràng, khúc chiết, có trọng tâm, trọng điểm, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nói, dễ làm.
Các phong trào thi đua vận động nhân dân tham gia cần thiết thực, phải gắn với tình hình thực tế của từng địa phương, cơ sở, khuyến khích làm giàu chính đáng, tạo ra nhiều việc làm, đồng thời góp phần tăng thu ngân sách cho Nhà nước, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh,” thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách an sinh xã hội, phát huy tối đa sức mạnh của nhân dân trong phát triển mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội đất nước trong tình hình mới.
Chuyển mạnh công tác dân vận không chỉ ở không gian thực mà cả trên không gian mạng, thông qua chính phủ điện tử, công dân số. Bên cạnh đó, đổi mới mạnh mẽ tổ chức bộ máy làm công tác dân vận từ Trung ương đến cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao trong giai đoạn cách mạng mới.