Trong những năm tháng cuối đời, dù tuổi cao, sức yếu nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫnluôn làm việc mà không có một ngày ngơinghỉ, không có thời gian cho riêng mình, ngay cả khi đang nằm điều trị trong Bệnh viện Quân y 108.
Ngược dòng lịch sử cho thấy, nhiều chính khách vĩ đại có phong cách, lối sống rất giản dị, khiêm nhường. Tấm ảnh mà tôi thích nhất, bao hàm nhất về sự giản dị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong đời thường là tấm ảnh được chụp vào ngày 27 Tết Kỷ Hợi 2019, khi Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng gia đình gói bánh chưng tại nhà riêng. Tôi nhận thấy, sự giản dị làm nên điều vĩ đại. Vĩ đại từ những điều giản dị, giữa đời thường. Và sự bình thường đã làm nên điều đặc biệt.
Có lẽ, những ai có trí tưởng tưởng phong phú nhất khi xem hình ảnh này, cũng chẳng nghĩ đó là khung cảnh gia đình của một vị lãnh đạo đứng đầu một Quốc gia, mà lại đời thường hệt như bao gia đình viên chức khác ở Thủ đô Hà Nội. Tôi rất cảm xúc với hình ảnh này về cả không gian và con người. Một hình ảnh nói lên nhiều thông điệp nhân văn.
Nhìn kỹ bức tường bên tờ lịch, chiếc nồi cơm điện Sharp mà 25 năm trước tôi đã từng dùng và không gian bếp là có thể hiểu sự đơn giản, mộc mạc trong gia đình của Tổng Bí thư.
Gói và nấu bánh chưng ngày Tết cổ truyền, đôi khi không chỉ là việc gói bánh để cả gia đình cùng thụ hưởng và tạo không khí sum vầy, đầm ấm. Rộng lớn hơn, thiêng liêng hơn, đó là văn hóa, là hướng về cội nguồn dân tộc. Và điều tưởng chừng giản đơn này còn là cốt cách, nếp sống của một nhà lãnh đạo đặc biệt...
Với góc độ một giáo viên dạy Lịch sử, hơn 30 năm gắn bó với nghề, cá nhân tôi thấy rằng, trong lịch sử hơn 94 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một Tổng Bí thư đặc biệt trong một thời kỳ lịch sử đặc biệt của đất nước.
Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, tình hình chính trị và kinh tế thế giới diễn ra nhiều sự phức tạp, khó lường, tác động sâu sắc đến mọi quốc gia, dân tộc thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tư cách là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện trí tuệ, nhân cách, bản lĩnh qua việc lãnh đạo và chỉ đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương có nhiều chủ trương quyết sách đúng đắn đưa đất nước từng bước vượt qua nhiều thách thức để hội nhập và phát triển trong xu thế toàn cầu hóa.
Tổng Bí thư là một nhà lãnh đạo tài ba, đã để lại dấu ấn đặc biệt trong lịch sử Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI. Tổng Bí thư đã đi vào lịch sử như là người chuyển giao thế hệ, là một trong những người lãnh đạo cuối cùng sinh ra trước ngày đất nước độc lập (năm 1945) và cũng là một trong những người lãnh đạo cuối cùng đã trải qua những năm tháng khốc liệt của kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam (bắt đầu từ năm 1967).
Là một nhà giáo đang giảng dạy bậc phổ thông, trong thời kỳ mà đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", đạo nghĩa thầy trò đang có phần mai một và bị chi phối bởi nhiều yếu tố, thì những gì tôi biết về tình cảm, suy nghĩ và cách hành xử của Tổng Bí thư với thầy cô giáo cũ của mình càng làm cho tôi phải suy ngẫm, trăn trở. Tôi vô cùng xúc động và cảm kích về một bức thư chúc Tết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi cô giáo dạy Toán thời phổ thông nhân dịp Tết năm 2019. Dù đang giữ cương vị và trọng trách lớn của đất nước nhưng khi viết thư cho cô giáo cũ, Tổng Bí thư vẫn luôn hành xử đúng đạo lý thầy - trò, luôn khiêm nhường, coi mình là cậu học trò bé nhỏ ngày xưa. Không văn hoa, sáo rỗng, không hàn lâm kinh điển, không học hàm, học vị, không chức vụ, quyền uy. Rất mộc mạc, giản đơn nhưng đầy sự kính trọng, nghĩa tình. Đó là trí tuệ và là nhân cách, là phong cách và phẩm giá của Tổng Bí thư.
Có thể nói, cảm xúc của tôi về Tổng Bí thư sẽ mãi mãi gói gọn trong 2 từ: THƯƠNG YÊU và KÍNH TRỌNG. Tài năng, đức độ của Tổng Bí thư gói gọn trong 3 chữ T: "Tận tâm", "Tận tụy" và "Tận hiến" với đất nước, với Nhân dân.
Câu nói: "Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa, ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ. Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất."như là một tâm niệm, trải nghiệm, cũng như một lời nhắc nhủ, dặn dò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cá nhân tôi, với tất cả mọi người, với cán bộ, Đảng viên đã và đang góp công dựng xây đất nước.
Xin cúi đầu kính tiễn Tổng Bí thư!