Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia 2023 với chủ đề Bình Thuận - Hội tụ xanh, nhằm giới thiệu quảng bá, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và sản phẩm du lịch đặc sắc của biển đảo Việt Nam; góp phần khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao hơn nữa tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức tránh nhiệm với biển, đảo quê hương.
Triển lãm Di sản văn hóa biển, đảo Việt Nam được tổ chức với các nội dung hoạt động phong phú. Trong đó khu trưng bày chung với chủ đề Di sản văn hóa biển, đảo Việt Nam trưng bày 270 hình ảnh, và các hiện vật là góc nhìn tổng quát về biển, đảo Việt Nam chia theo 4 nội dung chính: Tư liệu, hiện vật về văn hóa biển, đảo Việt Nam trong lịch sử; Xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam; Trưng bày ảnh nghệ thuật về biển, đảo Việt Nam; Tuổi trẻ Việt Nam với biển, đảo quê hương.
Bên cạnh đó còn có không gian trưng bày Sắc màu di sản văn hóa, biển đảo. 22 tỉnh, thành phố tham gia triển lãm (gồm: Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Bình Định, Kiên Giang, Cà Mau...), mang đến những sắc màu văn hóa đặc trưng, các di sản văn hóa, thiên nhiên, các danh thắng tiêu biểu, sinh hoạt đời sống cư dân gắn với biển đảo của từng địa phương và những điểm đến du lịch du khách yêu thích.
Đồng thời giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch, các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch biển bền vững gắn với giá trị di sản văn hóa của địa phương, thông qua các mô hình, hiện vật, hình ảnh, băng hình, nghệ thuật sắp đặt, ấn phẩm, trang phục, trình diễn nghệ thuật, ẩm thực, đặc sản địa phương và thao diễn nghề truyền thống tại khu trưng bày, giao lưu cùng các nghệ nhân.
Trong khuôn khổ triển lãm sẽ diễn ra các chương trình nghệ thuật dân gian truyền thống giới thiệu nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể, trình diễn nghệ thuật đường phố giúp người dân và du khách hiểu hơn về nét đẹp của từng vùng, miền Việt Nam.
Điểm nhấn là lễ hội đường phố với chủ đề Sắc màu Bình Thuận gồm nhiều đoàn nghệ thuật tham gia (hơn 400 người) với đạo cụ, trang phục phù hợp, đặc sắc: như đoàn Lân sư rồng Phan Thiết, đoàn lễ hội Nghinh Ông, đoàn lễ hội cầu ngư Vạn Thùy Tú Phan Thiết, đoàn lễ hội Ka tê của đồng bào dân tộc Chăm, đoàn Dinh Thầy Thím thị xã Lagi, …
Các tiết mục tôn vinh loại hình di sản văn hóa phi vật thể được trình diễn xuyên suốt như dân ca quan họ (Bắc Giang), bài chòi (Phú Yên, Bình Định), hát xẩm (Ninh Bình), múa rối cạn (Hải Phòng) …