Không gian Hội chữ Xuân 2025 được thiết kế 18 cột thư pháp, biểu tượng cho con đường học vấn, ghi chép nội dung bài Khuyến học văn (Bài văn khuyến học) của Thuần Hoàng đế Lê Thánh Tông - một tác gia lớn của nền văn học cổ trung đại Việt Nam; đó là lời răn dạy, khuyến khích việc học tập phải là suốt đời, không chỉ có viết lách (thư pháp) mà còn là sự trau dồi cả về học vấn, lễ nghĩa, văn hóa, tri thức. 18 cột chữ 4 mặt màu đỏ được 10 nhà thư pháp thể hiện với nhiều phong cách, khởi đầu một năm mới tươi vui, thuận hòa.
Điểm nhấn không gian trưng bày tại Hội chữ năm nay là 14 bức thư pháp đại tự chữ Hán và chữ Nôm viết bằng các thể chữ Triện, Lệ, Chân, Hành, Thảo, với những nội dung về học tập, khoa cử ở Văn Miếu trên mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến. Đặc biệt, không gian chính của khu vực trưng bày triển lãm là hình tượng đóa hoa sen khổng lồ rực rỡ được sắp đặt từ 200 tác phẩm thư pháp quốc ngữ như là kết tinh của thực học, là biểu tượng của chân tài, thành quả của quá trình nỗ lực học tập không ngừng, giám cổ tri kim - học xưa để hiểu nay. Hoa sen còn là biểu tượng thanh khiết nhất, rực rỡ nhất.
Hội chữ Xuân Ất Tỵ có sự góp mặt của nhiều làng nghề thủ công như giấy dó, tơ lụa, sơn mài, gốm sứ... cùng các trò chơi dân gian; chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu khẳng định, Hội chữ Xuân đang định hình là một sự kiện văn hóa thu hút ngày càng đông đảo người dân Thủ đô và các khu vực lân cận đến tham quan, chơi chữ và xin chữ. “Không chỉ trong khuôn khổ Hội chữ và chủ đề năm nay, ở mọi thời điểm, sự học đáng được tôn vinh, tinh thần hiếu học cần được cổ súy, môi trường học tập cũng nên có sự tranh đua để vươn lên, vun bồi liên tục, xuyên suốt như người xưa đã dạy. Chỉ có như thế, chúng ta mới có chân tài thực học”.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp Việt UNESCO Phạm Đình Ngọc cho biết, anh vốn là người yêu thư pháp và đến với thư pháp như một cái duyên, niềm đam mê trong cuộc sống. Từ sự đam mê, anh kiên nhẫn học hỏi, biến những cái khó của thư pháp trở nên nhẹ nhàng. “Để nghệ thuật thư pháp đến gần hơn với mọi người, nhất là giới trẻ, chúng ta phải cùng nhau xây dựng văn hóa thư pháp để người dân trân trọng, tự hào với vốn quý của dân tộc. Tôi hy vọng, nhiều người sẽ tìm đến thưởng lãm thư pháp, đến với Hội chữ và xin chữ hơn”.
Thư pháp gia Lưu Thanh Hải đã hoạt động thư pháp chữ Quốc ngữ ở TP. Hồ Chí Minh hơn 20 năm nay; ông vô cùng xúc động khi được góp mặt trong Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025 tại địa danh ngàn năm văn hiến. “Hội chữ Xuân năm nay tiếp tục dùng ánh sáng kết hợp với chữ để sắp đặt tạo nên những ấn tượng nghệ thuật thị giác thú vị, đặc sắc. Người xem có thể thấy rõ từng nét bút, từng mảng khối, sự loang nhiễm hay lắng đọng của từng đường nét ảo diệu, đầy bất ngờ. Tất cả mang đến cảm xúc hoàn toàn mới lạ với con chữ, câu từ được viết ra. Nó cũng khiến cho người cho chữ và xin chữ thêm phấn chấn, trong vai trò tôn vinh, gìn giữ giá trị văn hóa, tư tưởng về sự học, tinh thần của thực học, khuyến học khuyến tài…”.
Năm nay, Hội chữ Xuân diễn ra đến ngày 9.2 (ngày 12 tháng Giêng). Riêng ngày 28.1 (ngày 29 Tết), Hội chữ Xuân mở cửa đón giao thừa đến 2 giờ sáng hôm sau. Các ngày mùng 1, mùng 2 và mùng 3 Tết mở cửa đến 22 giờ.