Tôn vinh di sản văn hóa cộng đồng

- Thứ Năm, 24/09/2020, 06:59 - Chia sẻ
Chia sẻ, làm bật lên vẻ đẹp, giá trị và cơ hội mà di sản văn hóa có thể mang lại, “Tuyển tập các câu chuyện về di sản văn hóa cộng đồng” nhằm truyền cảm hứng, lan tỏa tầm quan trọng và tính liên quan của di sản nhằm tôn vinh quá khứ, hiểu thêm về hiện tại và tạo ra tương lai chung.

Sức mạnh biến đổi của di sản

Hội đồng Anh vừa ra mắt phiên bản sách in và sách trực tuyến “Tuyển tập các câu chuyện về di sản văn hóa cộng đồng” bằng hai ngôn ngữ Việt - Anh nhằm giới thiệu những câu chuyện giúp lan tỏa, tôn vinh và tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho di sản văn hóa Việt Nam. Cuốn sách thuộc dự án Di sản kết nối - một dự án Di sản văn hóa hỗ trợ sự phát triển đồng đều ở Việt Nam, do nhóm tác giả Barley Norton từ trường Goldsmiths, Đại học London, Anh, và Hoàng Văn Chung, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện.

Trống Ghi năng, di sản văn hóa của dân tộc Chăm

Di sản văn hóa hỗ trợ sự phát triển đồng đều là một chương trình thí điểm với mục đích sử dụng các di sản văn hóa để đem lại lợi ích cho mọi đối tượng trong xã hội. Trong bối cảnh này, di sản văn hóa gồm nhiều thể loại, từ di sản vật thể đến truyền thống văn hóa phi vật thể như âm nhạc hay ngôn ngữ, còn sự phát triển đồng đều nhằm chỉ các nỗ lực xóa bỏ mối quan hệ đối nghịch giữa phát triển kinh tế và khoảng cách giàu nghèo.

Trước đó, với mục tiêu chính là đóng góp vào sự phát triển đồng đều và bền vững của di sản văn hóa tại Việt Nam, dự án Di sản kết nối do Hội đồng Anh thực hiện đã có 2 năm làm việc với các loại hình di sản nhạc và phim của Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến các giá trị không được nhiều người biết đến và có nguy cơ mai một. “Tuyển tập các câu chuyện về di sản văn hóa cộng đồng” nhằm ghi lại nỗ lực của dự án thông qua câu chuyện của từng cá nhân, mỗi cộng đồng và qua rất nhiều hoạt động mà dự án đồng hành, để kể lại các câu chuyện một cách chân thật nhất, phản ánh đúng nhất bản chất của dự án và những gì đang diễn ra xung quanh.  

Theo đó, di sản văn hóa phong phú của Việt Nam đã thể hiện vai trò độc đáo của mình từ việc tạo điều kiện để kết nối và trao đổi ý tưởng giữa các thế hệ cho đến việc hỗ trợ để xây dựng sinh kế bền vững cho cộng đồng. Dự án Di sản kết nối, như một luồng gió mới, sử dụng các hướng tiếp cận sáng tạo đã giúp các cộng đồng khác nhau cùng đóng góp và hưởng lợi từ sự bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể. 10 câu chuyện trong Tuyển tập khi được đan xen với nhau vừa tiết lộ vừa nâng cao nhận thức về sức mạnh biến đổi của di sản văn hóa cũng như vai trò của di sản trong việc nâng cao hiểu biết đa văn hóa trong xã hội hiện nay.

Nâng cao nhận thức về giá trị di sản văn hóa

Tại Việt Nam, theo những người thực hiện dự án, những người nắm giữ di sản và các nghệ sĩ đương đại bảo vệ và quảng bá di sản nhạc và phim ít được biết đến hoặc có nguy cơ mai một.

Âm vang cồng chiêng từ làng Mơ H’ra trong tiếng gọi của tương lai
Ảnh: Hội đồng Anh cung cấp

Trong Tuyển tập các câu chuyện về di sản văn hóa cộng đồng, độc giả sẽ thấy được phần nào sự gợi nhớ và tái hiện về hình ảnh hay những thanh âm quen thuộc của nhiều loại hình di sản văn hóa của Việt Nam như cồng chiêng, làn điệu chèo, cải lương hay những khúc dân ca của người Mông, mỗi câu chuyện là một chia sẻ. Từ ngôi làng nhỏ bé Mơ H’ra ở Gia Lai, sự tự hào của già làng và những người dân nơi đây đã được kể lại sống động trong "Âm vang cồng chiêng từ làng Mơ H’ra trong tiếng gọi của tương lai", khi mà giờ đây, tiếng cồng chiêng của họ lại có thể tiếp tục vang xa; cho tới những chia sẻ và trăn trở từ chính nghệ sĩ về bộ môn cải lương đang dần bị mai một, để từ đó "Thật và Đẹp - Cải lương sẽ không thất bại" sẽ cho thấy nỗ lực và tâm huyết phục hồi bộ môn đã có hơn 100 năm tuổi và từng gắn bó với rất nhiều thế hệ người dân Nam Bộ.

Tuyển tập cũng đưa độc giả đến với những câu chuyện của các nghệ sĩ, người làm nghề trong nỗ lực bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của di sản văn hóa để không bị mai một, để thấy quyết tâm và hy vọng của họ thông qua mỗi chương trình, dự án mà họ làm. Như chia sẻ của nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm trong "Người tình không chân dung - Điện ảnh miền Nam Việt Nam trước 1975" về chuyến đi dài quanh nước Mỹ cùng hành trình hai năm trong nỗ lực làm sống lại một phần rất giá trị của di sản điện ảnh Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975. Hay gặp gỡ nhà soạn nhạc Trần Thị Minh Ngọc qua chia sẻ ‘Trong một xã hội như Việt Nam, vấn đề kết nối với di sản là rất quan trọng bởi nó giống như một bản dạng văn hóa mà không thể từ chối’ để tìm hiểu chị đã và đang khai thác di sản văn hóa như thế nào trong những tác phẩm và sản phẩm âm nhạc của mình…

"Chúng tôi hy vọng cuốn sách này và những bộ phim ngắn tương ứng lưu trữ trực tuyến sẽ giúp nâng cao nhận thức về giá trị của di sản văn hóa và tiềm năng biến đổi của nó” - nhóm tác giả Barley Norton và Hoàng Văn Chung chia sẻ.

Ngọc Phương