Quốc hội thảo luận về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi):

Tôn trọng và bảo đảm quyền lựa chọn của người dân

- Thứ Hai, 16/11/2020, 14:50 - Chia sẻ
Tiếp tục chương trình làm việc sáng nay, 16.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Phải làm rõ lý do tách thành 2 dự án luật

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ, thúc đẩy sự phát triển giao thông đường bộ đáp ứng nhu cầu thực tiễn; đồng thời, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 như quy định về tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị; bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do đi lại của công dân, khắc phục ùn tắc giao thông đô thị để phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc sửa đổi toàn diện Luật Giao thông đường bộ hiện hành cũng nhằm xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý nhà nước về phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ gắn với bảo đảm trật tự an toàn giao thông; cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm sự thuận lợi về thủ tục, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) phát biểu tại Hội trường

Tuy nhiên, một số ĐBQH đề nghị làm rõ căn cứ tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai luật riêng là Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Các đại biểu này cho rằng, phải làm rõ lý do tách luật trong điều kiện khá gấp gáp và giải quyết những hệ lụy sau khi tách luật, bởi trong giải trình rất sơ sài, không đáp ứng yêu cầu. ĐBQH Thái Trường Giang (Cà Mau) cho biết, theo báo cáo thảo luận tại tổ về Luật Giao thông đường bộ sửa đổi ngày 11.11 vừa qua cũng có nhiều ý kiến không đồng ý tách thành 2 luật. "Từ sáng đến giờ cũng có nhiều ý kiến ĐBQH không đồng ý tách thành 2 luật. Vì vậy, đề nghị Chủ tọa kỳ họp xin ý kiến của ĐBQH xem có tách 2 luật hay không. Nếu đồng ý tách thì chúng ta mới thảo luận tiếp dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ", ĐB Thái Trường Giang nêu quan điểm và nhận được sự đồng thuận của nhiều ĐBQH khác. 

Thu phí đường cao tốc để tránh bất bình đẳng

Về quy định phí sử dụng đường bộ quy định trong dự thảo Luật tại Điều 46, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đồng ý đề xuất của Chính phủ về việc phí sử dụng đường bộ bao gồm 2 loại là phí thu theo phương tiện giao thông và phí thu sử dụng các công trình giao thông như là công trình đường cao tốc hoặc một số hầm giao thông đường bộ. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu tại Hội trường

Mặc dù, còn có ý kiến khác nhau về việc thu 2 loại phí có bị trùng lắp không nhưng theo ĐB Hoàng Văn Cường, nếu không quy định về phí sử dụng đường cao tốc riêng thì sẽ xảy ra 2 bất bình đẳng. Ông chỉ rõ, bất bình đẳng thứ nhất là giữa những địa phương được đầu tư đường cao tốc với những địa phương không được đầu tư, giữa những người dân được sử dụng đường cao tốc với những người dân không được sự đường cao tốc. Nếu không thu phí sử dụng đường cao tốc riêng thì vô hình chung, người dân đều có nghĩa vụ đóng góp như nhau vào ngân sách, nhưng có những người được sử dụng các tuyến đường cao tốc rất thuận lợi, có những người lại không có điều kiện để sử dụng đường cao tốc. Dẫn lại câu hỏi của một ĐBQH phía Nam tại phiên chất vấn vừa qua về việc tại sao miền Bắc, các tỉnh phía Bắc thì đầu tư rất nhiều đường cao tốc, còn phía Nam thì rất ít đường cao tốc, ĐB Hoàng Văn Cường chỉ rõ, các địa phương được đầu tư cao tốc sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, đúng ra phải trả phí cho việc hưởng lợi nhiều hơn đó. Mức hưởng thụ khác nhau nên phải có nghĩa vụ đóng góp khác nhau.

Bất bình đẳng thứ hai được ĐB Hoàng Văn Cường chỉ ra là, không bảo đảm công bằng giữa những người cùng sử dụng đường cao tốc nhưng một bên là đường cao tốc do ngân sách nhà nước đầu tư và một bên là đường cao tốc do các nhà đầu tư tư nhân cùng tham gia đầu tư theo hình thức BOT. Ngay một số nước phát triển có hệ thống đường cao tốc rộng khắp, điển hình như Mỹ, cũng vẫn thu phí đường cao tốc, thậm chí theo làn, có những làn tốc độ cao, ưu tiên vẫn phải trả phí, làn không ưu tiên không phải trả phí. Tuy nhiên, đi kèm với việc quy định thu phí đường cao tốc, theo ĐB Hoàng Văn Cường, phải quy định đã xây dựng đường cao tốc hay các công trình đặc thù thì phải có các công trình song hành để bảo đảm quyền lực chọn của người dân, ví dụ các đường dân sinh, các đường công trình khác để người nào có nhu cầu phải đi nhanh, tiện lợi thì chọn đi đường cao tốc và phải trả phí; còn người nào chấp nhận không mất phí, không muốn trả phí thì có thể sử dụng đường song hành. Như vậy, chúng ta tôn trọng và bảo đảm quyền lựa chọn của người dân.

Liên quan đến quy định về thu phí đường cao tốc, ĐB Hoàng Văn Cường cũng lưu ý, Điều 48 dự thảo Luật có quy định những cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng đường cao tốc để kinh doanh được thu phí, nhưng lại nói là thu giá sử dụng đường cao tốc. Nếu quy định vào văn bản như thế này sẽ lại rơi vào tình trạng "bôi mỡ cho kiến đốt" như trước đây, xã hội đã phản ứng rất nhiều khi chúng ta sử dụng từ "thu giá giao thông". Do vậy, ĐB Hoàng Văn Cường đề nghị, quy định này phải sửa lại là những đường được đầu tư xây dựng để kinh doanh được quyền thu phí sử dụng đường, nhưng thu phí theo cơ chế giá chứ không nên viết là thu giá.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu tại Hội trường

Cũng trong phiên họp sáng nay, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu quan điểm, đã đến lúc phải có đường cho người khuyết tật như người khiếm thị, người tàn tật phải đi xe lăn bởi nhiều nước trên thế giới đã thực hiện vấn đề này từ lâu.

Lâm Hiển