Tôn trọng tính khách quan, chân thực
Câu chuyện về tính chân thực của ảnh báo chí, nhất là ranh giới giữa được và không được trong cách can thiệp ảnh báo chí trong kỷ nguyên số chưa bao giờ lắng xuống. Để có những tác phẩm ảnh báo chí đạt chất lượng thông tin và phản ánh đúng hiện thực khách quan, không những cần tài năng của người bấm máy mà còn cần đến đạo đức nghề nghiệp, thái độ tôn trọng sự thật của họ.
Chất lượng thông tin bằng hình ảnh
Chia sẻ nhân Triển lãm Ảnh báo chí thế giới tại Việt Nam năm 2019, giám tuyển và quản lý triển lãm Sanne Schim van der Loeff từng cho biết, tiêu chí để nhận ra ảnh báo chí giữa vô vàn bức ảnh khác chính là tính thông tin. Thông tin được chuyển tải tới công chúng bằng hình ảnh. Đương nhiên, khi đã là thông tin thì phải bảo đảm tính chính xác, phản ánh đúng sự thật. Vì thế, ảnh báo chí cần tôn trọng tính khách quan, trung thực. Đây là tiêu chí tiên quyết để đánh giá chất lượng của một bức ảnh báo chí theo tư duy làm báo của thế giới nói chung.
Theo Sanne Schim van der Loeff, trong mọi thời điểm, ảnh báo chí là phương tiện đưa người xem trở về không gian diễn ra sự kiện, cho nên yêu cầu về tính trung thực khắt khe hơn rất nhiều. “Giống như một nguyên tắc, ảnh báo chí không cho phép, cũng không chấp nhận bất kỳ sự can thiệp, chỉnh sửa nào làm sai lệch, ảnh hưởng đến tính khách quan của hiện thực”.

Ảnh: Nguyễn Khắc Hường
Đối với cùng một sự kiện trong cùng bối cảnh không gian, chỉ cần chụp cách nhau vài giây đã tạo ra những bức ảnh khác biệt. Vì thế, chi phối của hiện thực khách quan trong quá trình tác nghiệp cùng yêu cầu phải chớp đúng thời cơ bấm máy không phải lúc nào cũng giúp phóng viên có được tác phẩm ảnh báo chí như mong muốn. Có những bức ảnh thừa hoặc thiếu chi tiết mà đôi khi chỉ cần thêm hay bớt một chút sẽ làm thay đổi toàn bộ giá trị tác phẩm. Cũng chỉ cần thiếu tỉnh táo trong cách thức can thiệp cũng làm sai lệch tính thông tin của ảnh báo chí. Vì thế, để có thể tạo ra những tác phẩm ảnh báo chí đạt chất lượng thông tin và phản ánh đúng hiện thực khách quan, không những cần tài năng của người bấm máy mà còn cần đến đạo đức nghề nghiệp, thái độ tôn trọng sự thật của phóng viên.
“Tạo ra những bức ảnh đẹp luôn là mong muốn của nhiếp ảnh gia, song với ảnh báo chí, mong muốn ấy không đồng nghĩa với việc cố tình chỉnh sửa, tác động để gia tăng tính nghệ thuật mà làm sai lệch giá trị thông tin của tác phẩm”, Sanne Schim van der Loeff cho biết.
Cảm xúc và tư duy nghệ thuật
Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ số, nơi ai cũng có thể sở hữu những công cụ, phần mềm chỉnh sửa ảnh mới nhất, giúp biến đổi bức ảnh theo ý muốn chỉ trong thời gian ngắn. Hơn 30 năm làm phóng viên ảnh Báo Nhân dân, nhà báo Nguyễn Khắc Hường nhận định, đây là thời điểm khiến người ta dễ dàng lẫn lộn giữa tính thông tin và tính nghệ thuật của ảnh báo chí với ảnh nghệ thuật. Rõ ràng, công cụ sinh ra để mang lại tiện ích cho cuộc sống, vì thế không nên cứng nhắc khi cho rằng đã là ảnh báo chí thì không được can thiệp ở khâu hậu kỳ. Vấn đề là để bảo đảm được giá trị tư liệu và tính trung thực của ảnh báo chí, có thể can thiệp đến mức độ nào đó, để bức ảnh có chi tiết gần với mắt ta nhìn nhất, mà hiện tại chưa có máy ảnh, ống kính nào đạt được.
“Nếu chỉ dùng công cụ chỉnh sửa để làm ảnh sắc nét hơn, làm độ tương phản ảnh cao hơn, giúp tăng giá trị phản ánh của tác phẩm mà không làm sai lệch hiện thực thì là điều hoàn toàn có thể cho phép. Song ngược lại, tất cả những hành động can thiệp làm thay đổi bản chất của sự kiện, làm ảnh hưởng giá trị thông tin từ bức ảnh đều không thể chấp nhận. Bức ảnh như thế cũng không thể coi là ảnh báo chí”, nhà báo Nguyễn Khắc Hường cho hay.
Tính nghệ thuật của ảnh báo chí nằm ở con mắt, sự nhạy cảm của người chụp, chứ không phải lệ thuộc xử lý hậu kỳ, bởi nhiều trường hợp, tác giả ảnh đặt niềm tin quá nhiều vào công cụ chỉnh sửa. Vì thế, đầu tư cho nhiếp ảnh không chỉ đầu tư cho máy móc, công cụ, mà quan trọng là phải đầu tư cho tư duy nhiếp ảnh. Nhà báo Nguyễn Khắc Hường chia sẻ, nhiếp ảnh cũng là một môn nghệ thuật, thế nên cảm xúc vô cùng quan trọng. Sáng tác bằng cảm xúc, tư duy nghệ thuật, cho nên máy ảnh đôi khi chỉ là kỹ thuật, công cụ mà thôi. Để có cảm xúc tốt thì người chụp ảnh cần có nhiều trải nghiệm, vốn sống, kiến thức và sự rung động của tâm hồn. “Khi chụp tôi chỉ nghĩ đó là thứ tôi yêu thích chứ không hề nghĩ nó sẽ phục vụ cho mục đích gì”.
Để có một bức ảnh báo chí đẹp đúng tiêu chí, kỹ thuật, theo nhà báo Nguyễn Khắc Hường, hầu hết phóng viên ảnh vẫn chụp và chụp thật, thế nhưng cái đích của ảnh báo chí mà chúng ta mong muốn vẫn chưa thực sự rõ nét. Mặt khác, do hiểu một cách giản đơn về ảnh báo chí nên nhiều phóng viên đến hiện trường chỉ chờ sự kiện diễn ra rồi bấm máy coi như đã hoàn thành nhiệm vụ. “Theo tôi, không đơn giản như vậy, ảnh có tiếng nói riêng và bản thân nó sẽ tự thú nhận. Cũng vì vậy mà những bức ảnh trên báo phần nhiều chỉ có tính minh họa, còn sự kiện diễn ra như thế nào, hiệu quả tâm lý đối với độc giả hầu như ít được quan tâm”, ông Hường nói.
Đối tượng của nhiếp ảnh là cuộc sống con người, những gì phóng viên ghi nhận và phản ánh thường tác động sâu sắc đến tâm hồn, tình cảm con người. Nhưng nhiếp ảnh báo chí hiện nay, trong quan hệ giữa con người và hiện thực, nhiều người lạm dụng tính ghi chép của máy ảnh coi đó là hiện thực. Nhà báo Nguyễn Khắc Hường cho rằng, hiện thực, đối tượng của nhiếp ảnh không phải là sự chồng chất những sự việc ngẫu nhiên, mà phải phản ánh được bản chất, những nét tiêu biểu trong cuộc sống đang diễn ra trước ống kính. Nhà nhiếp ảnh cũng cần lột tả được bản chất của sự việc.