Thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phát huy dân chủ ở cơ sở
Trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến đại biểu Quốc hội có6 Chương và 92 Điều (giảm 1 Chương, tăng 18 Điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba). Đồng thời, đã bám sát các quan điểm xây dựng luật, thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng về phát huy dân chủ ở cơ sở và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Về tên gọi, trên cơ sở ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị vẫn giữ tên gọi là “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở” vì phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật là quy định về nội dung, phương thức “thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở” chứ không quy định về các “quyền dân chủ” và việc “thực hiện dân chủ nói chung” như đã điều chỉnh trong một số luật khác. Hơn nữa, tên gọi này cũng phù hợp với nội dung Kết luận số 120-KL/TW ngày 7.1.2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Thông báo kết luận số 160-TB/TW ngày 15.1.2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 62-KL/TW ngày 8.12.2009 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.
Thể hiện đậm nét tinh thần dân chủ
Nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật lần này đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, đưa ra những quy định hợp lý hơn, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tháo gỡ những nút thắt trong việc thực hiện, thể hiện đậm nét tinh thần dân chủ. Cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức các hoạt động nghiên cứu khảo sát dưới nhiều hình thức, lấy kiến rộng rãi của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp là người dân ở các địa bàn dân cư, cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan Nhà nước, đại diện các doanh nghiệp, tổ chức công đoàn cũng như các chuyên gia, nhà khoa học để giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Đây cũng là cách làm phù hợp với tính chất đặc thù của dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Về nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 3), có ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung các nguyên tắc về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo hướng gọn, rõ nội dung, tư tưởng chỉ đạo; bổ sung nguyên tắc tôn trọng, tiếp thu và phát huy ý kiến đóng góp của Nhân dân, nghị quyết của cộng đồng dân cư. Các nguyên tắc của luật có ý nghĩa rất quan trọng, làm định hướng cho việc xây dựng các nội dung của luật. Vì vậy, dự thảo Luật đã bổ sung vào Điều 3 nguyên tắc: “Tôn trọng ý kiến đóng góp của Nhân dân, kịp thời giải quyết kiến nghị, phản ánh của Nhân dân”; đồng thời rà soát, chỉnh lý lại các quy định về nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm gọn, rõ nội dung, rõ tư tưởng chỉ đạo.
Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị, cần làm rõ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư cụ thể là quyền và lợi ích gì, cơ chế bảo vệ như thế nào? Cần luật hóa rõ những nội dung cụ thể liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư.
Về quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 5 và Điều 6), có ý kiến đề nghị bổ sung quyền kiểm tra, giám sát của công dân; ngoài việc được công khai thông tin, công dân còn được yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật. Dự thảo Luật đã bổ sung quy định công dân có quyền được yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời và kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật tại Khoản 1 và Khoản 3, Điều 5 của dự thảo Luật.
Tuy nhiên, ĐBQH Trịnh Bình Minh (Vĩnh Long) đề nghị, cần bổ sung thêm quy định thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện, bởi không phải thông tin nào là công dân cũng được quyền tiếp cận. Đồng thời, quy định rõ nghĩa vụ của công dân khi được cung cấp thông tin, đó là công dân không được làm sai lệch nội dung thông tin đã được cung cấp, không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác khi thực hiện quyền tiếp cận thông tin…