“Tôi yêu Tết như một đứa trẻ”
“Tôi xin bảo đảm với các bạn rằng tôi yêu Tết như một đứa trẻ. Vì tôi thấy ở đó con người sống nhân văn hơn, tốt hơn với đồng loại, hài lòng với chính mình, với mọi thứ và với mọi người” - học giả Nguyễn Văn Vĩnh viết.
Ngày lễ đầy chất thơ
Trong bài Ngày đầu năm mới của người An Nam (*) đăng trên Tuần san Indochine, số 177, ngày 20.1.1944, Nguyễn Văn Vĩnh viết, ngày đầu năm mới, với người An Nam, đó là “ngày lễ đầy chất thơ và mang tính truyền thống”. Trong ba ngày lễ đó, mọi người hoan hỉ, phấn khởi, gác lại những lo lắng muộn phiền, những mối hận thù cá nhân. “Ba ngày tĩnh tâm để tưởng nhớ về tổ tiên, để các linh hồn hộ mệnh của họ trở về giữa những người đang sống. Ba ngày để tỏ ra mình là người giàu có, hạnh phúc, mọi người chỉ xem các chương trình vui nhộn và nghĩ đến những điều hạnh phúc, ăn uống no say, thưởng thức những món ngon phù hợp với túi tiền của mình, khoác lên mình những bộ quần áo đẹp nhất, nói những điều dễ nghe nhất, trao gửi những điều ước, những lời chúc tốt đẹp nhất. Đó là một sự nghỉ ngơi, một quyết định đình chiến, chấm dứt mọi cuộc ganh đua, một giấc mơ hạnh phúc lớn lao mà cả dân tộc hướng tới sau một năm đau khổ và thất bại”.

“Tôi xin bảo đảm với các bạn rằng tôi yêu Tết như một đứa trẻ. Vì tôi thấy ở đó con người sống nhân văn hơn, tốt hơn với đồng loại, hài lòng với chính mình, với mọi thứ và với mọi người”. Nguyễn Văn Vĩnh cũng “đặc biệt thích Tết bởi vì phụ nữ làm cho mình đẹp hơn và để cho mọi người cùng chiêm ngưỡng”.
Theo Nguyễn Văn Vĩnh, vào những ngày này, mọi người bỗng trở thành thi sĩ và nghệ sĩ, ngay cả trong việc bài trí nhà cửa. Căn nhà tồi tàn nhất cũng trở thành một cung điện nhỏ, và người bán trà trở thành bà chủ vui tính, đặt chiếc chiếu đẹp nhất lên chiếc giường tre để mời bạn ngồi. Ngay cả căn lều của người tiều phu cũng được trang hoàng, mang lại một dáng vẻ chỉnh tề cho những thứ tồi tàn ngày thường.
“Có nhiều bàn thờ gia tiên như những bài thơ. Không cứ phải bày đầy lễ vật. Một cái bàn đơn giản phủ tấm khăn sẵn có trong nhà, kê sát tường, trải thêm giấy đỏ; trên bàn người ta thành kính bày đồ cúng, tất cả được thắp sáng bằng một ngọn đèn nhỏ và tỏa hương thơm ngào ngạt”.
Tại sao không phải ngày 1.1 dương lịch?
Nhưng tại sao tất cả những điều này không được thực hiện vào ngày 1.1 năm dương lịch? Nguyễn Văn Vĩnh lý giải: đó là vì năm dương lịch bắt đầu gần sát ngày Đông chí (chỉ sau 10 ngày) và các loài hoa tại xứ sở của chúng ta còn chưa nở. Những cây mận, đào, mơ mà chúng ta trồng để lấy hoa, chỉ nở vào đầu mùa xuân (5.2 theo lịch dương). Những loài hoa quý hiếm đến với chúng ta từ phương Bắc chỉ có thể vượt biển vào tiết tiểu hàn (rét nhẹ, mồng 6.1) và đại hàn (rét đậm, ngày 21.1). Đó là trường hợp của hoa thủy tiên và hoa mẫu đơn - hai loài được người Hoa gọi là “nữ hoàng của các loài hoa" mà tôi không biết tên bằng tiếng Pháp. Vì vậy, Tết của chúng ta thường rơi sớm nhất là vào ngày 22.1 và muộn nhất là ngày 22.2 theo lịch của người Âu.

Thời tiết những ngày Tết cũng đặc biệt, cho dù trời nóng và khô hoặc lạnh và mưa. Nồm (thời tiết nóng) của Tết là một hiện tượng tự nhiên khiến hoa nở sớm và chóng tàn. Nó không giống như hiện tượng nồm vào các tháng 11 và 12. Tương tự như vậy, cơn mưa phùn này khiến người ta luôn nghĩ đến việc về nhà khi ra ngoài, đó là cơn mưa phùn vào dịp Tết mà mọi người dễ dàng bỏ qua cho dù có bị ngấm nước.
Một lý do nữa khiến người dân không thể tổ chức Tết vào ngày 1.11, theo học giả Nguyễn Văn Vĩnh, là vì Tết trùng với thời gian nghỉ ngơi sau khi cấy vụ chiêm ở vùng đồng bằng ngập nước (ruộng chiêm) kết thúc. Vào thời điểm đó, người dân vùng cao sẽ bán hết số dư của vụ thu hoạch tháng 10 và trở nên rảnh rỗi. Do vậy, đây là thời điểm thích hợp để vui chơi và thưởng thức những gì người ta kiếm được trong năm. Các khoản chi vào dịp lễ hội này đã được dự trù và cũng thể hiện mùa màng năm đó có bội thu hay không. Nếu vụ mùa thuận lợi, nông dân dùng khoản dư thừa của mình còn nếu vụ mùa thất bát, hoặc lúa không bán được, thì những người buôn bán nghèo không có gì để bán và khó mà trả được nợ.
“Vì vậy, đừng có tẩy chay Tết. Khi cây lúa phát triển tốt và bán được giá, nó sẽ nuôi sống tất cả mọi người. Đúng là những người tạo ra nguồn của cải này nên hưởng lợi từ nó và để các ngành nghề khác cùng hưởng lợi”, học giả Nguyễn Văn Vĩnh kết thúc bài viết của mình.
________
(*) Bài được tuyển chọn in trong cuốn “Nước Nam một thuở”, do Omega Plus và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I phát hành.