Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi)

Tối ưu hóa quyền lợi người tham gia

- Thứ Hai, 11/01/2021, 07:41 - Chia sẻ
Sau 5 năm thi hành Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) sửa đổi 2014, diện bao phủ đã tăng nhanh, chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được cải thiện, người dân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, nhiều thuốc mới, hiệu quả cao, giúp nhiều người vượt qua ốm đau và các căn bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, thực tiễn quá trình thực hiện Luật BHYT vẫn còn nhiều điểm hạn chế, đòi hỏi phải tiếp tục sửa đổi và hoàn thiện.

Tồn tại một số thách thức, bất cập

Tính đến hết năm 2020, tỷ lệ người tham gia BHYT ước đạt 87,93 triệu người, bao phủ 90,85% dân số, vượt 0,15% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg và Nghị quyết 01/NQ-CP, tăng 25,6% so với năm 2015. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, trong bối cảnh kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỷ lệ này chứng tỏ chính sách BHYT ngày càng đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội, thể hiện nhận thức về ý nghĩa của việc tham gia BHYT được nâng cao; chất lượng dịch vụ y tế, dịch vụ BHYT đáp ứng sự hài lòng của người tham gia.

	Luật BHYT tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng sự hài lòng của người dân
Luật BHYT tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng sự hài lòng của người dân
Nguồn: ITN

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng nhận định, thời gian qua, quá trình thực hiện Luật BHYT vẫn còn một số tồn tại, bất cập do nội tại các quy định của văn bản Luật và những yếu tố mới phát sinh chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ để giải quyết. Các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Việc tổ chức thực hiện Luật trên nhiều phương diện còn một số hạn chế, các nội dung sửa đổi được đặt trong bối cảnh các văn bản Luật liên quan khác mới được ban hành hoặc đang được sửa đổi như Luật Khám, chữa bệnh, Luật BHXH, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động…

Bên cạnh đó, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam Lê Văn Phúc cũng chỉ ra một số tồn tại và thách thức trong thực hiện chính sách BHYT. Ở đầu vào, thực tế đang cho thấy “nghịch lý” càng phát triển nhiều đối tượng tham gia lại càng bội chi. Còn đầu ra, chưa bảo đảm công bằng về quyền lợi, dẫn tới nhiều trường hợp đóng ít hưởng nhiều và ngược lại; cơ chế tài chính bệnh viện chưa phù hợp; mất công bằng giữa khả năng cung cấp dịch vụ y tế và phân bổ nguồn lực.

Việc sửa đổi Luật BHYT hướng tới mục tiêu thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về BHYT, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và xu thế phát triển. Theo đó, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế Lê Văn Khảm chỉ rõ 9 nhóm vấn đề cần sửa đổi, bổ sung của Luật BHYT, gồm đối tượng tham gia BHYT; quyền lợi BHYT; quản lý, sử dụng quỹ và thanh toán chi phí; cung ứng dịch vụ; giám định BHYT; cơ chế thông tuyến tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất lợi về sử dụng hợp lý quỹ BHYT; ứng dụng công nghệ thông tin...

Bổ sung một số điểm mới

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội TS. Nguyễn Văn Tiên cho biết, dự thảo Luật BHYT sửa đổi lần này dự kiến có 59 điều; 12 chương, tăng 7 điều, 2 chương so với Luật BHYT hợp nhất hiện nay. Trong đó có 2 chương mới là BHYT bổ sung và Giám định BHYT.

Dự thảo Luật đề xuất thành lập Hội đồng quốc gia về BHYT là cơ quan tư vấn chính sách BHYT do Chính phủ thành lập. Cùng với đó, Dự thảo Luật cũng bổ sung một số điểm mới về phạm vi và mức hưởng BHYT. Đề xuất quy định chuyển tuyến có điều kiện khá mở rộng như cơ sở khám, chữa bệnh có hoạt động quản lý, chăm sóc sức khoẻ sẽ có quyền chuyển người bệnh đến bất kỳ tuyến nào; với cơ sở khám, chữa bệnh không có hoạt động quản lý, chăm sóc sức khoẻ thì chuyển tuyến theo thứ tự thấp lên cao.

Nhiều chuyên gia cho biết, nội dung hoàn toàn mới trong Dự thảo Luật lần này là BHYT bổ sung. Theo đó, nguyên tắc của loại hình BHYT này là tự nguyện và phải đã tham gia BHYT xã hội. BHYT bổ sung được triển khai theo hình thức phi lợi nhuận. BHXH Việt Nam được tổ chức BHYT bổ sung nhưng phải bảo đảm nguyên tắc độc lập, chi quản lý do Bộ tài chính quy định, kết dư phải hỗ trợ đối tượng khó khăn, thâm hụt tự điều chỉnh.

Tiếp đó là chương mới về Giám định BHYT. Dự thảo Luật quy định rõ về quyền và trách nhiệm của cơ quan thực hiện giám định BHYT, điểm mới là quyền trưng cầu ý kiến chuyên gia khi cần thiết. Bên cạnh đó, người làm công tác giám định phải có chứng chỉ hành nghề; các giám định viên phải có giấy chứng nhận đào tạo giám định BHYT. Nếu là giám định chuyên môn thì phải là bác sĩ, dược sĩ đại học...

Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng, việc sửa đổi Luật BHYT cần giải quyết được những vấn đề trọng tâm như phát triển đối tượng, nâng mức phí đóng BHYT; tổ chức cơ sở khám chữa bệnh phù hợp, khuyến khích nâng cao, phát triển dịch vụ y tế; mở rộng, tối ưu hóa quyền lợi người tham gia. Làm sao để những điểm đột phá như BHYT bổ sung không vô tình trở thành rào cản thực hiện chính sách.

Hoàng Yến