
Tôi câu cá từ khi còn bé tí. Hình như mới 5, 6 tuổi, không nhớ chính xác, nhưng những chiếc cần câu thời kỳ đầu tiên ấy tôi vẫn nhớ. Đó là những chiếc cọng dừa. Cha tôi hay tước những chiếc lá dừa lấy cái sống lá, bó lại thành một cái chổi – cả nhà tôi gọi là chổi dừa, thứ chổi này đập ruồi rất tốt. Tôi chỉ việc rút lấy một cọng trong chiếc chổi đó, thế là đã có một cái cần câu. Còn dây câu? Dễ lắm. Đến một cây chuối trồng ở rìa vườn, lấy móng tay cấu vào thân chuối, tách lấy một sợi tơ chuối nhỏ xíu, trắng muốt, thế là đã có dây câu. Tôi câu không cần lưỡi câu - cái dụng cụ bắt cá dân vùng tôi vẫn gọi là cái rướng. Một đầu sợi tơ chuối buộc vào cái đầu mềm nhỏ của chiếc cọng dừa. Đầu kia buộc vào mồi câu: Một con sâu râm bụt. Bờ ao nhà tôi có một rặng râm bụt um tùm. Rất nhiều hoa đỏ. Và cũng rất nhiều sâu. Những con sâu xanh nhỏ bằng que diêm tự tố cáo chỗ ở của mình bằng cách cắn lá râm bụt, cuộn lại thành một ống tròn. Bắt sâu thật dễ. Buộc ngang thân sâu thả xuống nước, sâu vẫn còn ngọ nguậy.
Tôi không câu ở ao. Còn lâu mới câu được ở ao. Mà câu ở cái rãnh xẻ giữa vườn. Rãnh ăn thông ra ao. Những trận mưa rào đầu mùa, cá rô từ ao ngược nước bơi qua rãnh, rạch lên sân. Chẳng niềm vui nào lớn hơn niềm vui chạy ra mưa bắt cá rô rạch.
Tất nhiên rãnh nông. Nước trong suốt. Tôi đứng dưới gốc chanh, gốc dâu cầm cần câu thả mồi xuống rãnh. Một con cá mại cờ từ gốc cây khoai nước như đã chờ sẵn tự bao giờ lao ra đớp lấy con sâu còn đang ngọ nguậy. Chỉ việc nhấc cần câu lên. Cá ta không nhả mồi đâu. Cá cờ say mồi lắm. Nó cứ ngậm chặt lấy con sâu, giẫy dụa trên không làm đầu cần câu trĩu cong rung bần bật. Rất nhanh, tôi xoay người đưa cần câu vào phía trong vườn. Đến lúc ấy con cá hình như mới biết mình đang ở đâu, nhả mồi tìm kế thoát hiểm. Nó rơi xuống đất. Và nhẩy. Tôi tóm lấy chú cá vừa câu được, bỏ vào cái chai đựng nước đã chuẩn bị sẵn. Nó vùng quẫy và bơi. Cứ thế, chẳng mấy chốc cái rãnh hết sạch cá cờ. Tôi lại thả chúng xuống. Chỉ để lại một con đẹp nhất trong chai.
Lớn hơn chút nữa, tôi câu ở ao. Ao nhà tôi. Ao hàng xóm. Ra đầm lúa ngay trước cửa nhà. Câu bằng cần câu tự vót lấy, hoặc đẵn hẳn một cây trúc ở nhà anh cả tôi, những đốt cong queo cho vào lửa nướng, đóng ép xuống đất để uốn thẳng, rất đẹp, giống như cần câu của những người đi câu chuyên nghiệp vậy. Và xe chỉ làm dây câu. Lại còn vuốt lá khoai, lá râm bụt vào dây nhuộm xanh dây để cá không nhận ra. Giai đoạn này tất nhiên có lưỡi câu. Tự uốn lấy. Bằng ghim băng, ghim gài tóc của mẹ tôi. Có cả ngạnh. Không nhớ được tôi đã làm quăn lưỡi mấy con dao. Mồi câu thì phong phú đa dạng lắm. Cuốc giun ngoài vườn. Bắt cào cào, châu chấu. Bắt nhện. Cứ cúi xuống sát mặt đầm, té nước vào bờ cỏ rệ đường là không biết bao nhiêu nhện ở đâu bò tới, những con nhện xinh đẹp, mầu vàng nhạt rất vừa mồm cá mại. Nhử cá rói (còn gọi là cá chầy) ngoài đầm lúa mới bén rễ thì dùng mồi chuồn chuồn, cào cào, châu chấu.
Thứ mồi khi câu trong ao hay dùng hơn cả là tép. Mẹ tôi đi chợ về, thế nào tôi cũng lục lọi rổ của cụ. Bốc tép cho vào lá khoai ngứa, túm lại, ra cầu ao ngồi trước làn nước trong veo, những chiếc rễ bèo cái buông thõng, dán mắt vào chiếc phao bấc (dùng để thắp dầu lạc), chờ chiếc phao chuyển động. Nhìn phao tôi có thể biết con cá đang quanh quẩn bên cái mồi ngâm dưới nước là con gì: Cá mại, thòng đong, con ngạnh, con rô ron hay rô cụ. Nhay nháy nhay nháy là chú thòng đong. Để chống bọn rỉa mồi này phải cho phao sâu, lưỡi câu sát mặt bùn. Lừ lừ đi, một đầu phao chúc xuống thế kia đích thị là một chú trê. Không gì thích bằng giật cá trê. Nó giằng co ngùng ngoằng dưới nước kéo mãi mới lên, tạo một cảm giác hồi hộp khác hẳn những loài cá khác. Cá ngạnh nhỏ hơn nhưng giật cũng thích không kém.
Nghe người lớn nói đi câu đêm mới được nhiều cá trê, tôi cũng đi câu đêm. Mồi câu là tép ươn hẳn rồi. Nhưng còn thêm một thứ “thuốc” nhử khác. Ngay từ trưa, tôi đã chế tạo món mồi nhử trứ danh này: Ra vườn cuốc ráy. Giã dăm con “cẫu” (cua đồng) với củ ráy, ủ trong lá khoai nước cho bốc mùi, ném xuống ao trước, rồi buông câu sau. Câu đêm như vậy thú vị lắm. Thú vị ngay khi mình giã mồi nhử cá. Chỉ những bác Bòi Cắt, anh cu Tý Lệ, nghĩa là những người lớn, những người kiếm ăn bằng nghề câu cá mới đi câu đêm. Và tôi, một thằng bé mười tuổi đang làm như vậy. Cái cảm giác mình là người lớn càng tăng lên khi một mình ngồi ở một góc ao, bốn chung quanh là bóng đêm, dán mắt vào cái phao mờ trắng, tay không lúc nào được rời cần, tiếng những cây tre lách cách cựa mình, cố quên đi những chuyện rùng rợn đã nghe: Những con ma ở bụi tre mai góc vườn, những con ma vít cây tre chắn ngang đường, trêu người qua lại, phải đái vào cây tre nó mới bật lên...
Bởi vậy nên nên tôi chỉ dám đi câu đêm có vài ba bận. Thích nhất là câu ngay ở cầu ao mỗi khi nhà có khách, giết gà. Giờ đây ngoài bảy mươi tuổi, tôi vẫn nhớ như in những lúc ấy. Chúng tôi phải đuổi cho gà rúc hết vào bụi tre. Và phải bắt đúng con gà mẹ tôi đã chỉ. Đàn chó đông đúc đã giúp chúng tôi. Không mấy khi được tham gia vào trò săn đuổi, chúng làm đàn gà tớn tác cả lên, rúc sâu rất nhanh vào những gốc tre khô, nằm im không cựa quậy.
Chúng tôi xem anh cu Thước làm gà ở cầu ao, nhận từ anh hai lá phổi gà và chiếc phao câu để làm mồi câu, chờ anh đem con gà vào bếp, mặt nước chỗ cầu ao nổi váng mỡ lặng yên trở lại và buông câu. Ban đầu chỉ là những chú rô xoàng xĩnh. Sau đó là những con rô cụ, con vàng hươm, con đầu trơ sọ dài ngoẵng, đen sì.
“Bé đi câu, lớn đi hầu, già đi hỏi nợ”. Hỏi nợ đây có nghĩa là đi đòi nợ thuê. Bố tôi đã mắng tôi như vậy khi thấy tôi quá say mê câu cá, lê la bờ ao mấy nhà hàng xóm. Nhưng các bạn ơi, không có trò đi câu và thả diều, tôi biết chơi gì? Cũng may, lời quở mắng của các cụ không ứng vào tôi tất cả: Bé đi câu, lớn đi hầu, già đi viết văn, chứ không phải đi đòi nợ thuê. Hay tôi đang đi đòi nợ thuê mà không biết?.
Chuyện đi câu của tôi vẫn chưa hết. Những năm kháng chiến chống Pháp, theo gia đình đi tản cư, tôi ở một làng có tới 99 cái ao. Làng Phú Mỹ, huyện Phú Bình, Thái Nguyên. Tôi câu cá quả, cá diếc, cá sộp - một loại cá quả, tôi câu cá mại, cá rô, cá trê. Câu với tôi không còn là một trò chơi mà một nghề kiếm sống. Riêng cá diếc tôi bắt cả đàn. Bắt đầu là những con to, rồi đến những con nhỏ, nhỏ dần. Cũng chẳng cần giun chỉ đỏ như mấy ông chuyên gia hướng dẫn. Bí quyết câu cá diếc của tôi là mồi nhử. Rang thính cho thơm, mở vung chum tương của bà chủ, múc trộm mấy thìa, đổ vào mẻ thính đang rang và khi bắc ra, cho thêm mấy cọng rau húng thái nhỏ, chỉ ngửi cũng đã thấy ngon, gần giống mùi cá diếc kho rồi. Mồi câu là giun thường, tép đều được. Giật cá diếc cũng là một sự thú không tả được. Con cá lạng đi lạng lại tạo thành những góc bất ngờ, rồi tự vọt lên mặt nước. Nhưng muốn hưởng cái thú ấy phải biết “giật búng”, nghĩa là chỉ lắc nhẹ đầu cần để cá mắc lưỡi câu, rồi mới kéo cá lên. Món mồi nhử này cũng rất hấp dẫn cá rô, cá mại. Tôi giật liên hồi. Từ ao này sang ao khác. Câu, ăn không hết thì mổ phơi. Cá phơi trắng mái nhà. Tôi câu đến nỗi các bà chủ ao bảo tôi:
- Anh câu thế để đến khi tát ao chúng tôi bắt đỉa à?.
Tôi rất tự hào về câu nói ấy. Đó là tấm huy chương các bà trao cho nghề câu cá trong ao của tôi. Và tự nghĩ: Viết văn thì không dám nói, nhưng về mặt câu cá mình cũng chẳng kém đại ca Phùng Quán. Hơn nữa còn câu trước anh. Cái thời Phùng Quán câu cá trộm Hồ Tây, tôi đã nằm trên vựa cá, không phải đi câu nữa. Tôi đã được ông Hoàng Hữu Nhân xếp làm ở Quốc Doanh đánh cá Hạ Long với sản lượng gần một vạn tấn cá năm. “Hôi” cá ở đấy, đủ cá ăn quanh năm.
Để kết thúc bài viết này, tôi xin kể chuyện câu cá ngoài biển, chuyện câu cá kiếm. Những ai đã đọc Ông già và biển cả của Hemingway hẳn biết con cá kiếm.
Đó là một loài cá lớn có cái mỏ dài “như một chiếc gậy đánh bóng gạt” theo cách nói của Hemingway. ở Quốc doanh đánh cá Hạ Long, tôi đã nhiều lần nhìn thấy con cá này. Nó thuộc loại da trơn, khi chết có mầu xanh sẫm phía lưng, và trắng bạc dưới bụng. Ông già và biển cả, quyển tiểu thuyết viết về chuyện đi câu cá là tác phẩm hay nhất trong sự nghiệp đồ sộ của Hemingway đã khiến ông được giải Nôben văn học, nhưng tôi không nói chuyện văn chương ở đây. Tôi nghĩ đến Ông già và biển cả khi ngồi trước ti vi xem Hành trình khám phá, một chương trình luôn hấp dẫn tôi. Sống giữa thành phố chật chội, ô nhiễm các giác quan: Tai, mũi, mắt và bao trùm lên tất cả là sự thèm khát một không gian trong lành rộng mở, có một chân trời để phóng tầm con mắt... “Hành trình khám phá” đem lại cho tôi tất cả, từ đàn chim di cư dàn theo đội hình mải miết bay trên trời cao, cuộc sống của những con chó sói Bắc cực hay cánh bướm đậu trên những bông hoa, từ những người thổ dân Inđônêxia tới cánh đồng cỏ châu Phi với những con linh dương nhanh nhẹn đẹp như tranh vẽ, những đàn bò rừng điên cuồng vượt sông..., dù mình vẫn ngồi trong căn buồng hẹp giữa bốn bề bê tông hóa, cửa sổ có mở chỉ để nhìn thấy những bức tường nhà đối diện.
Hôm ấy là chương trình phát tiết mục câu cá kiếm. Biển trải tới chân trời. Một vùng biển êm ả, sóng biển xanh, trời xanh với những đám mây trắng xốp bay. Một chiếc tàu trắng sang trọng thả trôi giữa biển. Trên boong mũi, những người tóc bạch kim, tóc vàng... cầm những chiếc cần câu quăng dây câu ra mãi xa. Tôi chưa được sờ vào những chiếc cần câu ấy. Nó có ròng rọc. Có bánh xe để cuộn dây, có cả những thiết bị báo số lượng dây đã thả, sức kéo của con cá... Nhiều chiếc cần câu giá tới 300 đô la và còn hơn nữa.
Vùng biển ấy có một đàn cá kiếm. Cứ quăng dây ra một lát là đã có một con kiếm cắn câu, là kéo vào một con kiếm có cái đầu nhọn và dài giãy dụa làm mặt biển cộn sóng. Họ kéo cá vào sát mạn tầu, đập chết nó, thả xác xuống nước và lại câu con khác, lại quăng lưỡi câu có móc con mực nhỏ làm mồi ra mãi xa... Cứ như vậy. Họ câu không phải để bắt cá ăn mà để hưởng một thú vui tàn sát.
Rồi đến một cảnh cuối cùng: Một anh chàng tháo con mồi trên lưỡi câu, giơ cao cho mọi người xem. Không phải con mực thật. Một con mực con bằng ni lông trắng với hai tròng mắt to, tròn và đen. Anh ta vẫy vẫy con mực ni lông đó, cho vào mồm nhai và nhè ra con mực còn nguyên vẹn, con mực không thể ăn được ấy, cười tinh quái.
Tôi thương cho những con cá kiếm. Chúng chết vì những miếng mồi giả. Con cá kiếm của lão già Xăngchiagô trong Ông già và biển cả là con cá kiếm độc. Nó sống một mình. Nó lù lù như một cái bóng đen sẫm. Cái bóng đó lướt qua đáy thuyền lâu đến nỗi lão không thể nào tin là nó dài đến thế. Và kẻ săn nó, lão Xăngchiagô rất tôn trọng đối thủ của mình, nói như mời chào: “Nào! Hãy xơi đi cá ơi! Xin mời cứ việc xơi đi. Dưới đáy nước mát lạnh sâu ngót 200 mét ấy những con mồi của lão đây tươi ngon biết bao. Hãy xơi mấy con cá trích rồi sau đến con cá thu. Vừa giòn, vừa mát, ngon tuyệt...”.
Con cá kiếm của Hemingway chết vì một đối thủ xứng tầm và những con mồi thực. Cái chết của nó được ông già câu cá Cuba và Hemingway tôn trọng: Con cá đã mang cái chết trong lòng chợt hồi tỉnh lại. Dường như để phô bày vẻ đẹp và dương oai một lần cuối cùng, con vật khổng lồ ấy tung mình nhảy vọt lên mặt nước... Không giống những con cá kiếm đi đàn và những chàng trai thừa tiền tìm cho mình cái thú giết hại sinh linh mà tôi thấy trên màn ảnh nhỏ.
*
Ba phần tư thế kỷ đã chàm vào cuộc đời tôi. Trong những hành trang mang theo để đi nốt khúc thời gian còn lại có ngôi nhà, mảnh vườn của bố mẹ tôi. Có cái nắng ong ong đầu hè, một cậu bé nhà quê với chiếc cần câu bằng cọng dừa tha thẩn một mình bên bờ rãnh giữa vườn.
Chúng tôi đã phải bán thiên đường ấy khi các cụ qua đời. Trước khi nó về tay người khác, tôi đã ngồi một mình rất lâu trên bờ rãnh. Cái rãnh đã khô. Nhưng giá bây giờ vẫn có một cây khoai nước và từ đó con cá mại cờ lao ra thì đâu phải là con cá mại cờ ngày ấy nữa.
Vâng. Quy luật của muôn đời...