“Tôi chưa bao giờ làm âm nhạc vội vàng”
Đức Tuấn rất hay mặc áo trắng, kể cả ngoài đời cũng như trên sân khấu. Và âm nhạc anh theo đuổi (hoặc trữ tĩnh, hoặc cách mạng) cũng mang một vẻ đẹp sạch sẽ, chỉn chu như vậy. Chỉn chu, mà vẫn phá cách, vì Tuấn luôn quan niệm, “đến sau thì không thể lặp lại”. Anh chia sẻ với Trò chuyện cuối tuần về dự án Bài ca không quên vừa khép lại bằng phiên bản DVD cùng tên, ra mắt trước thềm 30.4, cũng là thời điểm anh bắt đầu một lối rẽ mới.
“Bài ca không quên” từng vang lên tại đảo Lý Sơn
- Từng giành giải Nhất Tiếng hát truyền hình TP Hồ Chí Minh năm 2000 bằng một ca khúc truyền thống, rồi sau đó lại rẽ sang dòng nhạc trữ tình, vì sao lúc này anh lại quay về với nhạc truyền thống?
Với 15 ca khúc cách mạng nổi tiếng như: Lời người ra đi, Bà mẹ Gio Linh, Tình ca, Câu hò bên bờ Hiền Lương, Lá đỏ, Tự nguyện... và cả ca khúc mới ra đời gần đây như Tổ quốc gọi tên mình được hòa âm và dàn dựng hết sức công phu, bộ đôi CD/DVD Bài ca không quên của ca sĩ Đức Tuấn là cuốn phim sống động tái hiện lại hành trình kháng chiến, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tham gia chương trình còn có NSND Thế Anh, NSƯT Phi Điểu, nhà thơ Nguyễn Duy; các ca sĩ khách mời: Hiền Thục, Noo Phước Thịnh, Nguyễn Ngọc Anh, Ngọc Mai cùng các diễn viên múa, hợp xướng... |
- Bài ca không quên là chương trình nghệ thuật đã trở thành truyền thống của Nhà hát Hòa Bình (TP Hồ Chí Minh), được tổ chức lần đầu vào năm 1995 nhân kỷ niệm 20 năm thống nhất đất nước và được tổ chức sau mỗi 10 năm. Tôi may mắn được tham gia cả hai lần và lần thứ hai (vào năm 2015) thì còn là một chương trình riêng, gồm 15 ca khúc nhạc đỏ, đánh dấu cột mốc tròn 15 năm tôi đăng quang cuộc thi Tiếng hát truyền hình. 15 năm đó, dù ngả sang những lối rẽ mới nhưng trong thâm tâm tôi vẫn mong muốn thực hiện được một album nhạc đỏ, như chính mối cơ duyên đã đưa tôi đến với giải Nhất Tiếng hát truyền hình. Đĩa DVD cùng tên phát hành nhân dịp 30.4 này chính là sản phẩm ghi hình lại đêm nhạc “không quên” đó, cũng là lời chia tay với dự án Bài ca không quên mà tôi đã tâm huyết trong suốt hơn một năm qua.
- Bài ca không quên ngoài vang lên tại Nhà hát Hòa Bình còn có một đêm diễn đặc biệt khác: tại huyện đảo Lý Sơn. Anh hẳn còn lưu giữ những kỷ niệm khó quên về nó?
- Không ít nghệ sĩ cũng đã từng ra biểu diễn tại huyện đảo Lý Sơn nhưng để biểu diễn một chương trình riêng như tôi lần đó thì quả là một cơ hội hiếm, với người hát cũng như khán giả. Khác hẳn với Nhà hát Hòa Bình, đêm nhạc Bài ca không quên tại đảo Lý Sơn diễn ra trên một sân khấu dã chiến dựng tạm trước sân Ủy ban huyện. Tôi từng hát nhạc phẩm “Tình ca” của nhạc sĩ Phạm Duy ở nhiều sân khấu, nhưng phải nói là chưa ở đâu mà khiến tôi xúc động và thăng hoa đến thế. Vì cùng trong một lời hát: “… Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh/ Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình/ Nhìn trùng dương hát câu no lành”, nhưng khi đứng hát giữa muôn trùng sóng, trong tiếng vỗ tay vang dội của dân đảo Lý Sơn, những câu hát bỗng dưng như lớn dậy, bừng sáng và hùng tráng hơn bao giờ hết…
![]() Đức Tuấn cùng các khách mời trong chương trình “Bài ca không quên” |
Muốn đưa kịch tính vào nhạc Trịnh
- Nặng lòng với nhạc đỏ vậy, sao anh lại quyết định khép lại dự án Bài ca không quên tại đây?
- Hai đêm nhạc riêng, một CD, một DVD, trong hơn một năm, tôi nghĩ hẳn là đã đủ cho một dự án âm nhạc. Và tại sao tôi lại rời bỏ dòng nhạc trữ tình, khi tôi gần như là một trong những người khơi dậy trào lưu hát nhạc xưa mà giờ đây vẫn đang còn là xu hướng chung được khán giả đón nhận, yêu thích. Thực hiện những album tác giả, tác phẩm trước giờ vẫn là điều tôi tâm huyết. Trong đó, hai tác giả hiện chiếm trọn tâm trí của tôi là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Lam Phương – hai nhạc sĩ có lượng khán giả rất ổn định và chưa bao giờ bị trồi sụt theo thời gian.
- Gần đây tôi thấy anh có một thử nghiệm khá thú vị với nhạc Trịnh: Trong khi mọi người chủ yếu chọn những ca khúc mang nặng tính triết lý của cố nhạc sĩ thì anh lại chọn những bài hát thiếu nhi của ông. Vì sao vậy?
- Vì đó là những ca khúc rất hay và đừng tưởng là không chứa đựng triết lý mà bấy lâu nay “người lớn” chúng ta thường bỏ qua. Như chị cũng biết đấy, nhạc Trịnh Công Sơn thì rất nhiều người khai thác, và người đến sau không thể lặp lại được, trong khi đó khán giả mê nhạc Trịnh lại thường khá là “bảo thủ”, chung tình, chỉ thích nhạc Trịnh được hát ra một cách giản dị mộc mạc như Khánh Ly đã hát. Với nhạc Trịnh, hoặc là anh phải đưa ra một lối hát mới nhưng đừng quá lạ, hoặc có lạ thì cũng phải dễ nghe như cách của Hồng Nhung, thì may ra mới không bị coi là “kẻ tội đồ dám cả gan phá nhạc Trịnh”, như ai đó đã từng bị “ném đá”.
- Chẳng phải anh đã từng liều lĩnh hóa thân thành một chú hề để thể hiện ca khúc Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui đầy ấn tượng tại game show “Gương mặt thân quen” 2015 đó sao?
- Lần đó công nhận tôi “liều” thật, như tôi đã từng liều “nghịch chơi” với nhạc kịch. May mà không hứng phải “gạch đá” từ các fan kinh điển của nhạc Trịnh. Nhưng đấy dù sao cũng chỉ là trong khuôn khổ một game show. Còn để ra một sản phẩm âm nhạc riêng thì mọi sự phá cách đều cần được tính toán thận trọng, nếu không muốn làm khán giả bị “dội”.
Với nhạc Phạm Duy, tôi có thể tự tin cho rằng: Nếu như những ca sĩ tên tuổi đến trước tôi đã từng thể hiện rất tốt chữ “bi”, chữ “hùng” và cả chữ “tình” của ông thì hẳn là tôi đã hoàn thiện nốt phần kịch tính – vốn dĩ có trong âm nhạc Phạm Duy, cũng như trong nhạc kịch. Nhạc Trịnh Công Sơn, nếu là về mặt âm nhạc thuần túy, tôi nghĩ cũng có thể đưa kịch tính vào, ở những điểm xung đột nội tâm. Tuy nhiên, lại có cái khó là ca từ của Trịnh Công Sơn thường rất trừu tượng, trong khi thủ pháp nhạc kịch luôn cần đến một câu chuyện cụ thể. Chưa kể, ca từ Trịnh Công Sơn mất từ nào tiếc từ nấy, nên nếu vì kịch tính mà hát chữ mờ chữ đậm là nghe chừng không ổn với fan của ông. Sẽ cố gắng đưa ra cái mới, nhưng là gì và bao giờ thì còn cần phải cân nhắc kỹ. Như chị cũng thấy đấy, tôi chưa bao giờ làm âm nhạc một cách vội vàng, nôn nóng…
- Xin cảm ơn anh!