Đột phá trong thông quan hàng hóa
Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS do Nhật Bản viện trợ không hoàn lại, được ngành hải quan đưa vào sử dụng từ ngày 1.4.2014. Đây là hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi của hải quan Việt Nam phục vụ thông quan hàng hóa suốt 10 năm qua.
Trước khi có VNACCS/VCIS, ngành hải quan chủ yếu thực hiện thủ tục bằng giấy; các thủ tục hải quan phức tạp và dễ dẫn đến sai sót, kéo dài thời gian thông quan, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và xuất khẩu. Hệ thống VNACCS/VCIS, với khả năng tự động hóa quy trình thông quan, đã giúp giải quyết các vấn đề này, góp phần rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp và nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động hải quan.
Hệ thống VNACCS/VCIS đã phục vụ thông quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam với tổng kim ngạch lên đến 5.413 tỷ USD trong vòng 10 năm (từ 2014 - 2024); hệ thống xử lý hơn 99% tờ khai xuất nhập khẩu và bảo đảm vận hành ổn định, an toàn, hiệu quả 24/7. Tính đến năm 2024, VNACCS/VCIS đã đóng góp vào sự tăng trưởng vượt bậc của kim ngạch xuất nhập khẩu, từ 298 tỷ USD năm 2014 lên gần 800 tỷ USD vào năm 2024.
Một trong những điểm mạnh nổi bật của VNACCS/VCIS chính là tạo sự thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp; theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, hệ thống VNACCS/VCIS đã thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý hải quan của Việt Nam, chuyển từ thủ công sang ứng dụng các phần mềm điện tử, giúp tăng tốc độ xử lý và thông quan hàng hóa. Các tờ khai được phân luồng Xanh, chỉ cần click chuột là hàng hóa đã được thông quan, giảm thiểu tối đa chi phí lưu kho và bãi.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng chỉ ra rằng, nhờ hệ thống VNACCS/VCIS, thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu đã giảm 3 giờ và hàng hóa nhập khẩu giảm 6 giờ. Chi phí thông quan mỗi lô hàng cũng giảm được 19 USD, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được hàng triệu USD mỗi năm. Điều này chứng minh rằng, hệ thống không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp mà còn góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài.
Đầu tư vào cải cách hệ thống
Mặc dù vậy, theo đánh giá của ngành hải quan, sau 10 năm triển khai, VNACCS/VCIS đã bộc lộ một số hạn chế. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và quy mô xuất nhập khẩu ngày càng lớn, hệ thống cũ không còn đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế và công cuộc chuyển đổi số trong giai đoạn mới. Đặc biệt, Cách mạng Công nghiệp 4.0 với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Things (IoT) và các công nghệ số khác đã đặt ra yêu cầu cấp bách đối với ngành hải quan trong việc nâng cấp hệ thống hải quan, hướng tới hải quan số.
Tính đến năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 782 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2014 khi mới chỉ đạt khoảng 300 tỷ USD. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này kéo theo sự gia tăng đáng kể về khối lượng tờ khai hải quan với hơn 15 triệu tờ khai được xử lý hàng năm và hơn 80.000 doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu. Hệ thống VNACCS/VCIS, được thiết kế và đưa vào sử dụng từ năm 2014, không còn đủ năng lực để xử lý hiệu quả khối lượng công việc ngày càng lớn này.
Hệ thống mới chỉ đáp ứng 1 phần trong quy trình quản lý hải quan; trong khi đó, các công tác khác như thanh tra, kiểm tra, miễn giảm thuế hay hoàn thuế lại chưa được tự động hóa đầy đủ. Để khắc phục tình trạng này, ngành hải quan đã phải xây dựng thêm khoảng 20 hệ thống công nghệ thông tin vệ tinh hoạt động song song nhưng việc các hệ thống này không được thiết kế đồng bộ dẫn đến tình trạng liên kết yếu và không thể tích hợp dễ dàng.
Hệ thống hiện tại không có khả năng áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Things (IoT) hay Big Data, khiến cho quá trình xử lý thông tin trở nên chậm chạp và dễ gặp phải tắc nghẽn khi có sự gia tăng đột biến về lưu lượng tờ khai. Đặc biệt, hệ thống này có các trang thiết bị phần cứng đã lỗi thời và không có hệ thống dự phòng, có thể gây gián đoạn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Trước thực tế đó, việc nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin của ngành hải quan không chỉ nhằm giải quyết những bất cập hiện tại mà còn là yếu tố then chốt để bảo đảm ngành hải quan có thể tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế; bà Đỗ Thị Thu Thủy, Giám đốc Pháp lý và Hải quan, Công ty TNHH Chuyển phát nhanh DHL - VNPT cho rằng, cần có sự đầu tư mạnh mẽ từ Chính phủ để nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin nhằm duy trì và phát triển hiệu quả hoạt động thông quan hàng hóa.
Hệ thống mới cần có tính mở, dễ dàng kết nối và tích hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành khác như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như các tổ chức đánh giá sự phù hợp. Điều này sẽ giúp tạo ra một môi trường thông suốt và minh bạch hơn trong việc quản lý các hoạt động xuất nhập khẩu.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đề xuất giải pháp là triển khai hệ thống blockchain để theo dõi toàn bộ chuỗi cung ứng của các lô hàng từ đầu đến cuối. Việc áp dụng blockchain sẽ giúp ngăn chặn tình trạng làm giả giấy tờ hoặc thay đổi dữ liệu và bảo đảm rằng, thông tin về hàng hóa được minh bạch và nhất quán trong toàn bộ quá trình vận chuyển.