Luật - Những điểm mới: Luật Biên phòng Việt Nam

Toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường

- Thứ Năm, 07/01/2021, 07:14 - Chia sẻ
Trước khi có Luật Biên phòng Việt Nam, một số nội dung quy định về nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân chưa được luật hóa, mới quy định về chủ trương, nguyên tắc, nội dung tại Luật Biên giới quốc gia năm 2003. Do đó, Luật Biên phòng Việt Nam đã quy định nội dung cơ bản về nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trên cơ sở thể chế hóa mục tiêu, quan điểm, phương châm Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia.
Nguồn internet
Nguồn internet

Làm rõ đặc thù của Bộ đội biên phòng

 Luật Biên phòng Việt Nam đã đưa ra khái niệm của hai thuật ngữ quan trọng là “nền biên phòng toàn dân” và “thế trận biên phòng toàn dân”. Cụ thể, nền biên phòng toàn dân là sức mạnh biên phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần và các nguồn lực với phương châm toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường. Thế trận biên phòng toàn dân là việc tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng và các nguồn lực cần thiết để thực hiện nhiệm vụ biên phòng phù hợp với chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến lý giải, trước khi có Luật Biên phòng Việt Nam, một số nội dung quy định về nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân chưa được luật hóa, mới quy định có tính nguyên tắc tại Luật Biên giới quốc gia năm 2003. Do đó, Luật Biên phòng Việt Nam đã quy định nội dung cơ bản về nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trên cơ sở thể chế hóa mục tiêu, quan điểm, phương châm Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.

Điểm mới nữa của Luật Biên phòng Việt Nam là đã luật hóa những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 như: Trường hợp áp dụng, các hoạt động cụ thể bị hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền, quy định rõ thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng cấp tỉnh và Đồn trưởng Đồn biên phòng.

Về vị trí, chức năng của Bộ đội Biên phòng, Luật quy định: “Bộ đội Biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của Quân đội Nhân dân Việt Nam, lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới”. Tuy Luật Quốc phòng cũng đã có quy định “Bộ đội Biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân”, nhưng quy định này là cần thiết để thể hiện rõ tính chất đặc thù hoạt động của Bộ đội biên phòng trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và phù hợp với cách thể hiện của Luật Dân quân tự vệ, Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

 Bảo đảm chế độ, chính sách 

Luật Biên phòng Việt Nam tập trung vào các quy định bảo đảm nguồn nhân lực, tài chính, tài sản để phục vụ các vấn đề về biên phòng và một số đối tượng ưu tiên.

Bảm đảm nguồn nhân lực bằng cách Nhà nước có kế hoạch tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; ưu tiên cư dân ở khu vực biên giới. Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng được đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ cần thiết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Nhà nước cũng ưu tiên, khuyến khích người dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới, người có tài năng phục vụ lâu dài trong Bộ đội Biên phòng.

Bảo đảm nguồn lực tài chính như Nhà nước bảo đảm ngân sách và huy động các nguồn lực tài chính cho nhiệm vụ biên phòng theo quy định của pháp luật; ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình biên giới, cửa khẩu và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng.

 Bảo đảm tài sản theo hướng Nhà nước bảo đảm tài sản cho nhiệm vụ biên phòng theo quy định của pháp luật; ưu tiên các cơ quan, đơn vị ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ở khu vực biên giới.

Tùy theo tính chất công tác và địa bàn hoạt động, lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng ở khu vực biên giới và cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Luật quy định trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, các bộ, cơ quan ngang bộ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp đối với hoạt động thực thi nhiệm vụ biên phòng. Thông qua việc quy định cụ thể trách nhiệm riêng cho từng cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Luật cũng chỉ rõ các cơ quan, tổ chức cần phối hợp chặt chẽ với nhau để phát huy sức mạnh tổng hợp “nền biên phòng toàn dân”, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến tin tưởng, Luật Biên phòng Việt Nam sẽ góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới; hoàn thiện cơ chế chính sách để xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, phù hợp với thực tiễn và phù hợp với pháp luật quốc tế.

Luật Biên phòng Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2022. Trên cơ sở Luật Biên phòng Việt Nam, Chính phủ sẽ ban hành 2 nghị định, Bộ Quốc phòng ban hành 2 thông tư quy định chi tiết thực hiện. Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến cho biết, Bộ Quốc phòng đang xây dựng Kế hoạch triển khai Luật Biên phòng Việt Nam bảo đảm đúng tiến độ quy định.

Anh Thảo