Tọa đàm về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

- Thứ Bảy, 22/02/2020, 19:12 - Chia sẻ
Ngày 22.2 tại Thành phố Đà Nẵng, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc và Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Văn phòng Quốc hội (VPQH) đã phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật tổ chức Tọa đàm về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Tham dự Tọa đàm có: Thường trực Ủy ban Pháp luật; Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo VPQH, Bộ Nội vụ, đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng; các nguyên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và chuyên gia lập pháp…


Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì Tọa đàm 

Cần có tầm nhìn dài hơn

Báo cáo tại Tọa đàm, thay mặt Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH và đề nghị của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, các Đoàn ĐBQH và các cơ quan, tổ chức hữu quan, đến nay, đã có sự thống nhất cao về việc tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật đối với các nội dung như: bổ sung quy định về tiêu chuẩn đối với ĐBQH, trong đó, ĐBQH chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; cần luật hóa vấn đề đánh giá, phân loại đối với ĐBQH chuyên trách ở địa phương; số lượng Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội giữ nguyên nhưng sẽ nghiên cứu đổi tên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, Ủy ban Về các vấn đề xã hội...

Dự thảo Luật cũng dự kiến không quy định việc khoán cấp phó tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội mà giữ quy định về số lượng cấp phó như Luật hiện hành; quy định có tính khái quát về bộ máy giúp việc của Đoàn ĐBQH để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chủ trương hợp nhất... Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về hình thức hoạt động của ĐBQH chuyên trách theo hướng tăng số lần, số ngày tổ chức Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách theo yêu cầu nội dung của mỗi Kỳ họp Quốc hội. 

Các nội dung liên quan đến tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách; địa vị pháp lý, cách thức tổ chức, vận hành và duy trì các Đoàn ĐBQH tại địa phương; cơ cấu của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và việc chuyển các Ban thuộc UBTVQH thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội… hiện vẫn còn ý kiến khác nhau. Tập trung thảo luận tại Tọa đàm về các nội dung này, các chuyên gia cũng cho rằng, cần đặt vấn đề rộng hơn, có tầm nhìn dài hơn để Quốc hội nghiên cứu nhằm thay đổi phương thức hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, như: số lần lấy phiếu tín nhiệm, quy chế hoạt động của các cơ quan của Quốc hội với cơ quan khác, quy định cụ thể tiêu chí ĐBQH chuyên trách…

Không làm mờ vai trò của đại biểu Quốc hội


Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Tọa đàm 

Tại tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã làm rõ một số nội dung được các đại biểu, các chuyên gia đặt ra. Theo ông, con số tối thiểu 35% tổng số ĐBQH chuyên trách được nhiều ý kiến đề xuất hơn cả. Tuy nhiên, đi liền với tỷ lệ này còn là cơ chế chính sách phải thật sự có sức hút thì mới có thể thu hút được các chuyên gia giỏi về làm ĐBQH. Tỷ lệ đại biểu khối hành pháp và tư pháp cũng được định hướng sẽ giảm xuống. Đối với Đoàn ĐBQH các địa phương, câu chuyện đặt ra là thay đổi phương thức tổ chức, nâng cao vị thế của Đoàn ĐBQH nhưng không phải là để làm mờ đi vai trò của từng ĐBQH mà là bảo đảm các điều kiện hoạt động tốt hơn cho Đoàn ĐBQH để qua đó, giúp ĐBQH thực hiện nhiệm vụ của mình hiệu quả hơn. 

Kết luận Tọa đàm, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc đồng tình với nhiều ý kiến phát biểu và cho rằng, chức danh trong Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cần tính toán cho gọn hơn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Bộ phận chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban cũng cần nghiên cứu thêm để thu hút được nhiều người tài về Quốc hội. Đối với quy định cấp phó tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH, phải được tính toán cụ thể trên tinh thần làm cho hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và từ đó làm cho hoạt động của Quốc hội ngày càng mạnh hơn, năng động hơn. 

“Trí tuệ, trách nhiệm của ĐBQH và việc được bảo đảm điều kiện thuận lợi trong quá trình hoạt động sẽ quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”. Nhấn mạnh điều này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết thêm, theo quy định của Trung ương, một lãnh đạo không được kiêm nhiệm quá hai chức danh, nếu Bí thư Tỉnh ủy là Chủ tịch HĐND thì đương nhiên một trong hai Phó Bí thư sẽ là Trưởng đoàn ĐBQH. Như vậy, cơ cấu ủy viên Trung ương trong Quốc hội cũng sẽ giảm xuống.


Toàn cảnh buổi Tọa đàm 

Về Đoàn ĐBQH, Luật hiện hành quy định Đoàn ĐBQH là tổ chức tập hợp các ĐBQH được bầu tại địa phương nhưng thực tế đã có tình trạng lãnh đạo Đoàn ĐBQH – cũng là lãnh đạo địa phương – “o bế” khi ĐBQH phát biểu không có lợi cho địa phương đó. Như vậy là rất không ổn vì ĐBQH là người đại diện của cử tri cả nước chứ không phải là của riêng cử tri ở địa phương ứng cử. Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH, dù bàn tính như thế nào thì mấu chốt của Đoàn ĐBQH vẫn phải là góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ĐBQH ở địa phương. Theo đó, nên xác định rõ vai trò của Đoàn ĐBQH là vừa tổ chức, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các ĐBQH thực hiện nhiệm vụ đại biểu vừa giúp duy trì mối quan hệ gắn kết giữa Quốc hội với thực tiễn địa phương, tập hợp kiến nghị, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cả chính quyền địa phương và cử tri địa phương đến với Quốc hội.

Về các đề án chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện của UBTVQH thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH nêu rõ, trên tinh thần hợp hiến, hợp pháp, thảo luận kỹ lưỡng, thận trọng, Ban soạn thảo dự án Luật sẽ tổng hợp đầy đủ để trình UBTVQH; VPQH cũng sẽ đưa toàn bộ ý kiến của các chuyên gia lên phần mềm Quốc hội điện tử để các ĐBQH cùng tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến. 

Tin và ảnh: LÊ TÙNG