Tọa đàm trực tuyến góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

- Thứ Hai, 19/10/2020, 12:41 - Chia sẻ
Sáng 19.10, tại Hà Nội, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng”.

Tham gia Tọa đàm trực tuyến có: nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, GS.TS Phùng Hữu Phú; Tổng Thư ký kiêm Ủy viên Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, PGS.TS Nguyễn Viết Thông; nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TS Cao Viết Sinh; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Túc.

Tọa đàm góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng  

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Tổng biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Doãn Tiến nêu rõ, việc góp ý vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là đợt sinh hoạt chính trị lớn. Qua đó, tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, góp phần nâng cao chất lượng Dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm cho ý Đảng hợp với lòng dân. Các ý kiến tại Tọa đàm sẽ góp thêm tiếng nói, góc nhìn nhằm xây dựng Văn kiện vừa có cơ sở lý luận và vừa mang tính thực tiễn cao. Ban Tổ chức sẽ tiếp thu, nghiên cứu, chắt lọc, tổng hợp và chuyển tới các cơ quan có chức năng để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, trình Tiểu ban Văn kiện. 

Tại Tọa đàm các chuyên gia đã trả lời câu hỏi về những điểm mới, những nhóm nội dung quan trọng cốt lõi trong Dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng; Những nội dung cơ bản trong các dự thảo các Văn kiện cần lấy ý kiến nhân dân như kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới; Tầm nhìn và định hướng phát triển: Quan điểm chỉ đạo; mục tiêu phát triển tổng quát; các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030; Định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế; Định hướng nhiệm vụ, giải pháp trên từng lĩnh vực: giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; văn hóa, xã hội, con người; Định hướng nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng…

Toàn cảnh tọa đàm  

GS.TS Phùng Hữu Phú nêu rõ, chủ đề Đại hội lần này có nhiều điểm mới. Thứ nhất, trước đây chúng ta chỉ ghi “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh”, lần này, chủ đề Đại hội được đề xuất “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Tức là bổ sung thêm cả “hệ thống chính trị” bao gồm Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội. Đảng vừa là thành viên, vừa là lãnh đạo cao nhất. Chúng ta đã nhấn mạnh đến vai trò của Đảng trong hệ thống chính trị. Thứ hai, về yếu tố dân tộc, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta bổ sung thêm yếu tố dân chủ, xây dựng xã hội chủ nghĩa có bổ sung thêm những nhân tố mới là khơi dậy khát vọng phát triển dân tộc, phát huy ý chí.

 Về phương châm, GS.TS Phùng Hữu Phú cho biết, dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh đoàn kết là sức mạnh. Bác Hồ đã nói “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”, giữ gìn đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Nhất là trong Đảng, phải đặc biệt giữ đoàn kết. Muốn có một quốc gia dân chủ thì dân chủ trong Đảng phải là nòng cốt, dân chủ phải là kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Trong bối cảnh mới, đoàn kết, dân chủ, kỷ cương là yếu tố cần, nhưng phải thêm yếu tố sáng tạo. Thời gian thay đổi, Đảng phải sáng tạo trên tinh thần kiên định. Đó là những tiền đề, nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Như vậy, phương châm của Đại hội lần này là đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo, phát triển.

Cũng theo các chuyên gia, quá trình xây dựng các văn kiện Đại hội Đảng cũng như quá trình xây dựng các đường lối, chủ trương của Đảng đều tuân thủ sự chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: mọi đường lối, chủ trương của Đảng xuất phát từ nơi dân chúng và trở lại với dân chúng. Lời căn dặn có tính chất là phương châm trong hoạt động hoạch định đường lối của Đảng, trong quá trình xây dựng các dự thảo văn kiện thì ngay từ điểm bắt đầu đã tôn trọng ý kiến của nhân dân.

Hoàng Ngọc