Bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng trong lãnh đạo đất nước. Đây là chính sách cơ bản để giảm nghèo, bảo đảm đời sống của nhân dân, thực hiện công bằng, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, động viên được sự tham gia tích cực của toàn xã hội, góp phần đáng kể giảm số hộ nghèo, tăng số hộ khá, cải thiện từng bước đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả là việc hình thành kênh tín dụng dành riêng cho người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, cụ thể hóa quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng về phát triển các ngân hàng chính sách hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Ngày 4.10.2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập Ngân hàng Chính sách Xã hội trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo.
Tiếp đó, ngày 22.11.2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, khẳng định vai trò lãnh đạo nòng cốt của Đảng trong việc phát triển kinh tế hài hòa, đảm bảo mọi tầng lớp trong xã hội đều được hưởng lợi từ sự phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau.
Hơn 10 năm qua, Chỉ thị số 40-CT/TW đã trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động tín dụng chính sách, thúc đẩy mối liên kết gắn bó mật thiết giữa Đảng - người dân - chính quyền trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tạo cơ hội phát triển bền vững cho mọi tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, trong bối cảnh, tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến nhanh, mạnh, phức tạp và khó lường. Nhiều xu hướng mới xuất hiện như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, Cách mạng công nghiệp 4.0; những vấn đề an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… đang diễn biến ngày càng sâu sắc với những tác động nhiều chiều đến nền kinh tế nước ta.
Tất cả những điều đó đang đặt ra những yêu cầu mới đối với hoạt động của tín dụng chính sách xã hội và đặt ra những yêu cầu cần phải có những quan điểm mới, giải pháp mới đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nhất là nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tín dụng chính sách xã hội.
Trong bối cảnh như vậy, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm “Tín dụng chính sách xã hội dưới góc nhìn của đại biểu Quốc hội”.
Tọa đàm nhằm ghi nhận ý kiến đánh giá về kết quả sau hơn một thập kỷ cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc triển khai các tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt là những lát cắt cụ thể, sinh động từ các địa phương dưới góc nhìn của các đại biểu Quốc hội và chuyên gia.
Đồng thời, các diễn giả sẽ thảo luận về những bài học kinh nghiệm; làm rõ các bất cập và thách thức của tín dụng chính sách trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, dưới góc nhìn của đại biểu dân cử sẽ đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy hiệu quả hơn nữa hiệu quả của tín dụng chính sách trong giai đoạn tới.