Tọa đàm “Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch nông sản vào thị trường Trung Quốc”

- Thứ Năm, 14/11/2019, 14:10 - Chia sẻ
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chiến lược và đầy tiềm năng của Việt Nam với dân số hơn 1,42 tỷ người, nhu cầu nhập khẩu nông thủy sản của nước này khoảng 160 tỷ USD/năm, tập trung vào nhóm các sản phẩm rau quả tươi, thủy sản và sản phẩm thủy sản, thịt và sữa… Thời gian qua, Trung Quốc triển khai áp dụng chặt chẽ các quy định về ghi nhãn mác truy xuất nguồn gốc và yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế thương mại tiểu ngạch khiến kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường đông dân nhất thế giới này sụt giảm đáng kể trong 9 tháng đầu năm nay.

Nhưng giữa bức tranh nhiều gam màu u ám đó lại nổi lên một điểm sáng. Giữa tháng 10 vừa qua, những lô sữa đầu tiên của Việt Nam, cụ thể là sản phẩm sữa tươi mang thương hiệu TH true MILK đã được xuất khẩu qua đường chính ngạch sang Trung Quốc - thị trường nhập khẩu sữa lớn nhất thế giới - theo Nghị định thư vừa được hai nước ký kết tháng 4 vừa qua. TH true MILK là thương hiệu đầu tiên được các cơ quan chức năng phía Trung Quốc cấp mã số, cho phép nhập khẩu sau khi xem xét kỹ lưỡng hồ sơ, năng lực sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, hồ sơ của 4 doanh nghiệp sữa Việt Nam khác đang chờ bước cuối cùng là cấp mã số xuất khẩu. 


Toàn cảnh buổi tọa đàm                                                                                         Ảnh: Quang Khánh

Rõ ràng, sự thay đổi của thị trường Trung Quốc buộc các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp chế biến nông sản nói riêng phải có cách tiếp cận mới và sự hỗ trợ đắc lực từ cơ quan quản lý nhà nước. Trong bối cảnh này, báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm “Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch nông sản vào thị trường Trung Quốc”, nhằm thảo luận về những thay đổi chính sách nhập khẩu nông sản của Trung Quốc, sự thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam và lắng nghe những người trong cuộc chia sẻ kinh nghiệm chinh phục thị trường đã không còn dễ tính này nữa.

Khách mời tham gia Tọa đàm gồm: 

- Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội;

- Bà Mai Thị Ánh Tuyết, ĐBQH An Giang, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội;

- Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản;

- Bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Giám đốc Kinh doanh Quốc tế, Tập đoàn TH;

- Ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp;

- Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam.

Trân trọng kính mời bạn đọc theo dõi nội dung tọa đàm tại đây:


PGS. TS Đỗ Chí Nghĩa, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân phát biểu khai mạc tọa đàm
Ảnh: Quang Khánh

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS. TS Đỗ Chí Nghĩa, Tổng biên tập Báo ĐBND cho biết, Báo ĐBND tổ chức tọa đàm này trong bối cảnh doanh nghiệp nước ta phát triển rất nhanh, những thành tựu của nông nghiệp được khẳng định không chỉ bằng số liệu mà còn thể hiện ở đời sống của người dân ngày một tốt hơn. Nhưng bên cạnh đó cũng có những thách thức- có vấn đề giải quyết ngay được nhưng cũng có vấn đề cần giải quyết kỹ lưỡng.

Trung Quốc là thị trường lớn, cạnh Việt Nam, có tiêu chuẩn ngày càng chặt chẽ, đây cũng là thước đo để doanh nghiệp Việt Nam lớn lên. “Chúng ta đã có bước chuyển của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nông dân để thúc đẩy nông nghiệp sạch, xanh, hiệu quả. Nhờ đó, đã có những sản phẩm đi vào thị trường Trung Quốc bằng chính ngạch”.

“Chúng tôi rất mong các vị đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý sẽ chia sẻ góc nhìn, thông tin để thúc đẩy thêm doanh nghiệp Việt Nam đồng hành với nông dân, cùng nông dân vươn lên hội nhập và khẳng định được giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp. Qua đó, tự tin tiếp cận thị trường Trung Quốc và các thị trường khác”, Tổng biên tập Đỗ Chí Nghĩa nói. 

Những thay đổi trong chính sách nhập khẩu của Trung Quốc tác động thế nào đến xuất khẩu nông sản nước ta?

BTV: Thưa ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản. Xin ông cho biết chính sách nhập khẩu nông sản nói chung và nhập khẩu sữa tươi của Trung Quốc đã có sự chuyển hướng như thế nào trong thời gian vừa qua? 


Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Ông Lê Thanh Hòa: Thị trường Trung Quốc là thị trường lớn, khả năng nhập khẩu nông sản nhiều nhưng thực tế chúng ta mới đáp ứng một phần rất nhỏ, chưa tới 2% tổng kim ngạch nhập nhẩu của Trung Quốc nên dư địa thị trường còn lớn. 

Vừa qua, Trung Quốc cho phép nhập khẩu sữa tươi Việt Nam, thực tế từ năm 2013 Trung Quốc đã mở cửa thị trường, 6 năm qua, Bộ NN – PTNT mà đầu mối là Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản đã phối hợp chặt với phía Trung Quốc.

Hiện mới có sữa tươi của TH True milk được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, nhưng nước này cũng đang xem xét các doanh nghiệp khác, quá trình có thể mất thêm một thời gian nữa. 

Phía Trung Quốc yêu cầu đánh giá rủi ro rất khắt khe, chúng ta phải đáp ứng được yêu cầu, từ giám sát mối nguy chế biến, đưa ra sản phẩm cuối cùng. Các quy trình đó Trung Quốc áp dụng như các nước phát triển Mỹ và EU. Các nhà máy phải bảo đảm các yêu cầu vệ sinh, quy trình tránh lây nhiễm chéo sản phẩm.

Trung Quốc hiện không chỉ áp dụng với sản phẩm thực vật, mà các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi Trung Quốc đều giám sát thông qua các quy định rất chặt chẽ về vấn đề này.

Trung Quốc yêu cầu bản thân doanh nghiệp tự xây dựng quy trình giám sát nhưng doanh nghiệp phải hiểu được quy trình đó. Bản thân doanh nghiệp phải hết sức chú trọng các khâu trong rà soát an toàn thực phẩm trong nguyên liệu, chế biến, phải giám sát chặt chẽ.

BTV: Thưa ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, doanh nghiệp trong hội của ông đã đáp ứng được những đòi hỏi của thị trường Trung Quốc chưa? Sự thay đổi chính sách của Trung Quốc đã tác động như thế nào đến xuất khẩu của ngành chăn nuôi?


Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Ông Nguyễn Đăng Vang: Về chăn nuôi, có thể nói rằng có nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ví dụ, chúng ta có thể nhập khẩu 10 triệu con lợn từ các công ty nước ngoài rất là tốt nhưng lại không thể xuất khẩu sang Trung Quốc được bởi vì Trung Quốc có thói quen trong nhập khẩu rất khó khăn.

Cho nên tôi nghĩ rằng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thể phát triển được nhưng không đơn giản. Nguyên nhân của những khó khăn này là do những yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm từ phía Trung Quốc.

BTV: Thưa ông Hoàng Trọng Thủy, với tư cách chuyên gia, ông bình luận gì về sự chuyển hướng chính sách nhập khẩu nông sản của Trung Quốc cũng như những tác động đối với xuất khẩu nông sản nước ta và đặc biệt là về thói quen xuất khẩu tiểu ngạch của doanh nghiệp nước ta?


Ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Ông Hoàng Trọng Thủy: Chúng ta biết rằng năm 2017, Trung Quốc đưa ra 7 mục tiêu trong đó tôi chọn ra 3 mục tiêu liên quan đến xuất khẩu chính ngạch. Thứ nhất, họ xây dựng một xã hội toàn diện, khá giả. Thứ hai là đi sâu vào cải cách kết cấu trọng cung và điều đó sẽ thay đổi chính sách nhập khẩu rất lớn. Thứ ba là chấn hưng nông thôn, liên quan đến chấn hưng nông nghiệp và giai tầng nông dân của Trung Quốc.

Trong 3 mục tiêu trên thì Trung Quốc đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế thật có nghĩa là lấy nâng cao chất lượng hệ thống cung cấp là phương hướng chủ công.

Hiện Trung Quốc có 50% số hộ chuẩn bị khá giả nên xu hướng tiêu dùng của Trung Quốc thay đổi rất mạnh. Vì vậy, việc siết chặt nhập khẩu là chuyện đương nhiên và nó cũng phù hợp với thông lệ của quốc tế, không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các thị trường khác. Đối với Việt Nam, điều này cũng không quá bất ngờ và đột ngột.

Việc Trung Quốc siết chặt hàng nhập khẩu tác động đến Việt Nam theo cách nhìn của tôi là nó có mấy mặt:

Thứ nhất, về mặt tư tưởng nhận thức, hiện nay nó đang chia thành hai luồng. Luồng thứ nhất là doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, chủ trang trại, người sản xuất, kinh doanh giỏi… xem đây là cơ hội và thách thức. Nếu như chuỗi liên kết giá trị của chúng ta tốt hơn thì cơ hội xâm nhập vào thị trường sâu hơn và năng lực cạnh tranh cũng sẽ tăng lên. Một số đơn vị cho đây là tin vui, vì Trung Quốc hiện nay đã cấp cho Việt Nam 1309 mã vùng về cây trồng ở 32 tỉnh, 1435 mã số đối với các cơ sở đóng gói trên các loại rau, quả mà Trung Quốc đã chấp nhận, như vậy sự giao dịch, sự tin cậy lẫn nhau, Trung Quốc thật sự đã nhìn thấy. Đó sẽ là cơ hội để các đơn vị đẩy hàng vào.

Nhưng một đối trọng thứ hai hiểu trong nội bộ là còn một số nông sản chủ lực không có cơ hội xuất khẩu thì người ta thờ ơ và chờ đợi, đứng nhìn xem nó ra sao, khi tốt mới thực hiện. Chắc chắn một bộ phận nhỏ sẽ đứng ngoài lề sự phát triển của chuỗi giá trị ấy, có nghĩa dễ thì làm và khó thì bỏ.

Tác động thức hai là về tổ chức và liên kết sản xuất, với các con số tôi đã nêu ở trên thì đã thấy nó hình thành chuỗi, đó đã là sân chơi của nông nghiệp mới, đó là doanh nghiệp, chủ trang trại, những nông dân sản xuất giỏi và hợp tác xã, đối với những nông hộ sản xuất nhỏ không có mặt hàng xuất khẩu thì gần như đã đứng ngoài lề sự phát triển. Dẫn đến tổ chức liên kết cũng chưa được trọn vẹn.

Các doanh nghiệp xuất khẩu tiểu ngạch nhìn ra vấn đề nhưng không vượt qua được khó khăn về nhân lực, cơ chế. Có những cái còn níu kéo nên doanh nghiệp nhỏ và vừa người ta không muốn đầu tư, lại còn rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và sự manh mún của kinh tế hộ. Doanh nghiệp nhỏ và vừa không muốn làm vệ tinh cho doanh nghiệp lớn cũng không muốn liên kết với nông dân nên sự chuyển đổi trong xuất khẩu này các doanh nghiệp nhỏ vừa vừa người ta chỉ túm lấy giá trị cuối cùng của chuỗi thương mại.

Siết chặt của Trung Quốc tác động đến tư duy nhìn nhận thị trường, kỷ cương lao động, đối tượng tác động chính là nông nghiệp và nông dân. Nếu không hành động và thay đổi quyết liệt thì mật độ giải cứu nông sản sẽ nhiều hơn.

BTV: Thưa bà Mai Thị Ánh Tuyết, ĐBQH An Giang, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, bà có chia sẻ gì về sự chuyển hướng chính sách nhập khẩu nông sản của Trung Quốc cũng như những tác động đối với xuất khẩu nông sản nước ta và đặc biệt là về thói quen xuất khẩu tiểu ngạch của doanh nghiệp nước ta cũng như trên địa bàn tỉnh An Giang?


Bà Mai Thị Ánh Tuyết, ĐBQH An Giang, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Bà Mai Thị Ánh Tuyết: Trước đây, chúng ta cứ nghĩ thị trường Trung Quốc dễ tính nhưng qua vấn đề Trung Quốc siết lại tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc thì đây là cảnh báo, không chỉ thị trường Trung Quốc mà các thị trường khác đều đặt ra đối với hàng hóa của chúng ta.

Trung Quốc là thị trường có sự chênh nhiều giữa thu nhập của người dân, duyên hải Trung Quốc thu nhập cao, bình quân đầu người 20.000 USD/năm, miền Tây thì 300 USD, như vậy vừa qua chúng ta xuất khẩu đáp ứng thị trường cấp thấp.

Hiện nay, Trung Quốc nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tác động ngay liền, thấy liền đến xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu bị giảm sút từ 2018 đến nay. Nếu không nhanh chân chuyển biến thì sẽ còn tiếp tục xu hướng sụt giảm.

Vấn đề đặt ra là phải đáp ứng tiêu chuẩn thị trường Trung Quốc nhưng không dễ. An Giang hiện nay xuất khẩu chính là lúa gạo và thủy sản là cá tra, chỉ có 2 doanh nghiệp được Trung Quốc đến khảo sát vùng nguyên liệu và nhà máy nhưng chỉ 1 doanh nghiệp có giấy báo đạt. Chúng ta thấy đạt được tiêu chuẩn doanh nghiệp của Trung Quốc rất khắt khe.

Bộ NN – PTNT phải thông tin cho nông dân về tiêu chuẩn, kỹ thuật từng loại để đáp ứng được thị trường. Vai trò của nhà nước rất quan trọng, là bệ đỡ tác động nâng cao nhận thức cho người sản xuất và doanh nghiệp thực hiện các chuỗi liên kết sẽ là quyết định. Tuy nhiên, đến nay sự gắn kết đó chưa có chính sách nên vẫn bị bỏ ngỏ, sự gắn kết mới chỉ thành công ở quy mô nhỏ còn quy mô lớn chưa có. Chúng ta chưa tạo được vai trò của doanh nghiệp gắn với nông dân cho nên họ thấy ở đâu tốt hơn, rẻ hơn thì mua. Và ở đây, vai trò của nhà nước là rất lớn để giúp liên kết.

BTV: Thưa ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông có bình luận gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Tôi thấy rằng việc chuyển đổi chính sách nhập khẩu của Trung Quốc là điều tất yếu, chẳng qua chúng ta không có sự chủ động nghiên cứu từ trước, mà đến khi họ áp dụng vào rồi chúng ta mới hốt hoảng, kêu lên rằng họ gây khó khăn cho chúng ta - như vậy không phải, đây là xu thế tất yếu của việc phát triển của một nền kinh tế.


Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Khi họ đã vượt ngưỡng thu nhập 10 nghìn USD/người, chúng ta thấy người có thu nhập dưới 2.000 USD thì tiêu theo một kiểu khác, người 5.000 USD thì tiêu kiểu khác và người 10.000 USD thì tiêu kiểu khác.

Chúng ta đừng nhìn thị trường Trung Quốc bằng con mắt của người có 2.436 USD bình quân của Việt Nam. Qua nghiên cứu của chúng tôi, về cơ bản thấy rằng chỉ có những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực về kinh tế, có khả năng phân tích thị trường thì mới tiếp cận và tiếp cận thành công với thị trường Trung Quốc. Còn chúng ta vẫn tự hào với phương thức sản xuất của hộ nông dân, hộ bán lẻ chắc chắn vào thị trường Trung Quốc rất khó.

Tôi là ĐBQH tại Sóc Trăng, một tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long, cùng với An Giang, chúng tôi có tôm, cá ba sa, gạo xuất khẩu. Cả 3 mặt hàng đấy không có một người nông dân nào trong tỉnh Sóc Trăng có thể trực tiếp xuất khẩu sang các thị trường mà đều phải tham gia vào chuỗi liên kết đứng đầu là một doanh nghiệp chế biến thì mới có thể xuất khẩu đi được.

Ngay cả lúa gạo cũng thế, lúa gạo bên Sóc Trăng có những cánh đồng mẫu lớn cùng với chỗ công ty nông nghiệp thực phẩm An Giang để xây dựng từ những năm 2010 nhưng đến bây giờ vẫn không thể xuất khẩu trực tiếp được. Bởi vì lượng sản phẩm của chúng ta không đủ để trở thành hàng hóa trong hợp đồng. Mặc dù chúng tôi có một trung tâm nghiên cứu giống lúa, và vừa qua có giống lúa ST24 của Sóc Trăng trở thành loại lúa có chất lượng tốt nhất được hiệp hội xuất nhập khẩu gạo thế giới ghi nhận nhưng bảo là thị trường của Sóc Trăng chuyên sản xuất ST24 là viển vông, là không thể.

Chúng ta phải nhìn nhận lại mình, nhìn nhận lại thị trường mà chúng ta định hướng tới, để sau đó có những thay đổi và những thay đổi này tôi phải nói một cách rất thẳng thắn là rất đau, nó sẽ đào thải một loạt nông dân, khi mà họ thờ ơ với sản xuất, khi họ không có ý chí vươn lên thì thị trường sẽ đào thải. Và tương lai sẽ có một bộ phận nông dân phải chấp nhận là người đi làm thuê cho các cơ sở công nghiệp và đây chính là quá trình diễn ra ở nước ta ngay từ những năm 20 của thế kỷ trước.

Hành trình xuất khẩu chính ngạch sản phẩm sữa Việt Nam vào Trung Quốc – kinh nghiệm và hàm ý

BTV: Thưa bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Giám đốc Kinh doanh Quốc tế, Tập đoàn TH, bà có thể chia sẻ chi tiết về hành trình chinh phục thị trường 1,4 tỷ dân của TH True Milk? Người tiêu dùng Trung Quốc đón nhận sản phẩm của TH như thế nào?

Bà Hoàng Thị Thanh Thủy: Có thể nói, từ những ngày đầu thành lập,  Công ty TH True Milk đã vạch ra con đường đi rất rõ ràng đó là “Vì sức khỏe cộng đồng” và “Hoàn toàn từ thiên nhiên”. Chúng tôi cung cấp những sản phẩm tươi, sạch, không chỉ cho người tiêu dùng Việt Nam, cho trẻ em Việt Nam mà chúng tôi còn có khát vọng đưa sữa tươi sạch chinh phục thị trường quốc tế.


Bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Giám đốc Kinh doanh Quốc tế, Tập đoàn TH phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Từ 2015, Bà Thái Hương – người sáng lập Tập đoàn TH, với sự đồng hành của Chính phủ, Bộ NN – PTNT liên tục tham dự các sự kiện xúc tiến thương mại đầu tư và tham gia các hội chợ quan trọng ở các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Ninh… để nâng cao nhận diện thương hiệu của TH True Milk. Chúng tôi cũng tham gia các diễn đàn, cuộc họp trong nước cùng Bộ NN - PTNT, đề xuất với Chính phủ coi Trung Quốc là thị trường trọng điểm nhằm khai thông xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Đến năm 2016, chúng tôi đã có cơ hội ngồi cùng phía Trung Quốc và lắng nghe các yêu cầu về sữa để có thể xuất khẩu. Phía TH cũng liên tục đề xuất với Chính phủ cần có bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm quốc gia theo đáp ứng yêu cầu của quốc tế, đưa nông sản Việt Nam đưa ra các thị trường trên thế giới. Chúng tôi nghiên cứu kỹ hành vi tiêu dùng, thói quen tập quán của nước bản địa.

Năm 2017, chúng tôi thành lập Công ty TH Quảng Châu, cũng trong năm này đăng ký bảo hộ thương hiệu TH tại Trung Quốc, xuất khẩu sữa dưới 80% sang thị trường này, phủ sóng loại sữa dưới 80% tại các siêu thị.

Tháng 6.2018, Đoàn Hải quan TQ sang thăm trang trại TH, họ tìm hiểu quy trình sản xuất và các điều kiện an toàn vệ sinh, số lượng đàn bò. Chúng tôi đã giải đáp rất kỹ càng cho phía Trung Quốc.

Tháng 11.2018, chúng tôi tham gia hội chợ xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc tại Thượng Hải, rất nhiều khách hàng đã quan tâm tới sản phẩm của TH.

Ngoài việc tham gia hội chợ, triển lãm thì chúng tôi tìm các đối tác tiềm năng phân phối sản phẩm của chúng tôi. Ngày 25.4.2019, chúng tôi đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển thị trường các sản phẩm nông sản, thực phẩm, sữa và các sản phẩm từ sữa hữu cơ với đơn vị sản xuất hàng hóa lớn nhất Trung Quốc.

Ngày 16.10.2019, sản phẩm sữa tươi của TH true milk đã được phân phối chính ngạch tại Trung Quốc, được người Trung Quốc đón nhận và đánh giá sản phẩm sữa tươi TH tươi ngon. Đây là trái ngọt của sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ NN – PTNT và Tập đoàn TH.

BTV: Thưa ông Hoàng Trọng Thủy, theo ông, việc Việt Nam đã xuất khẩu được sữa tươi vào Trung Quốc theo con đường chính ngạch có ý nghĩa như thế nào?

Ông Hoàng Trọng Thủy: Việc Việt Nam đã xuất khẩu được sữa tươi vào Trung Quốc, cụ thể là sữa tươi của TH True Milk, theo con đường chính ngạch theo tôi là có 4 ý nghĩa.

Một là, khẳng định tái cơ cấu nông nghiệp, ưu tiên trục xuất khẩu nông sản là đúng hướng. Khi đã ưu tiên cho trục nông sản xuất khẩu thì đây vừa là mục tiêu vừa là giải pháp để tổ chức lại sản xuất. Thành công của TH True Milk cho thấy sự chuyên nghiệp của đội ngũ nhân lực và lao động đã đạt đến mức đi xa vào thị trường khó tính. Ở đó, doanh nghiệp, nông dân, và nhà khoa học dẫn dắt được huỗi giá trị của Việt Nam.

Hai là, sự kiện này mở đường cho nông sản xuất khẩu, vừa là cánh kéo về mặt khối lượng, giá trị, vừa là cánh kéo để mở đường cho nông sản của vùng miền để tham gia vào chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu. Việc Việt Nam đưa được sản phẩm sữa tươi vào thị trường Trung Quốc có thể khẳng định là doanh nghiệp và nông dân Việt Nam đủ năng lực, khả năng để đáp ứng với các tiêu chuẩn theo hợp đồng của bên khách hàng đặt.

Thứ ba, thúc đẩy liên kết ngang giữa doanh nghiệp với nông dân, doanh nghiệp với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và cùng thức đẩy liên kết dọc theo đường đi của nông sản; đồng thời thúc đẩy cả liên kết giữa địa phương và trung ương.

Thứ 4, xuất khẩu nông sản chính ngạch sẽ là hoạt động đòi hỏi sự cách tân của nhà nước, đòi hỏi sự cách tân của những người làm chính sách, đòi hỏi sự cách tân của người làm giao thương, làm thương mại. Nếu không cách tân thì không thể nói là sự mở đường cho sự phát triển.

Sự cách tân và sự vào cuộc của bộ, ngành, nhà nước sẽ phát triển tốt hơn, đây cũng là sức ép của những người và cơ quan làm luật.

Quốc hội tới đây phải giải quyết vấn đề đất đai, tháo gỡ được thì các sự cố gắng khác sẽ chỉ dậm chân tại chỗ vì mã vùng Trung Quốc cấp đòi hỏi phải có 10ha.

Bốn ý nghĩa này nếu doanh nghiệp lớn nhận thức ra thì đó chính là vấn đề thay đổi cách nghĩ, cách làm của Việt Nam.

BTV: Thưa bà Mai Thị Ánh Tuyết, bà cảm nhận như thế nào về hành trình đưa sản phẩm sữa tươi Việt Nam vào thị trường Trung Quốc theo con đường chính ngạch?

Bà Mai Thị Ánh Tuyết: Tôi rất khâm phục hành trình của Tập đoàn TH, sớm bắt nhịp để có sản phẩm xâm nhập ngay vào thị trường Trung Quốc nhờ vào sự chuẩn bị bài bản từ khâu đầu đến cuối. Phải khẳng định không nhiều doanh nghiệp làm được như vậy.

TH True Milk ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất rất nhiều, nhưng tôi ngạc nhiên là khảo sát của Bộ Công thương cho thấy 61% doanh nghiệp không biết gì về công nghệ 4.0, 21% cho rằng mới bắt đầu áp dụng, thì thành quả, cách làm của TH True Milk là tấm gương cho doanh nghiệp khác đi theo.

BTV: Thưa ông Nguyễn Đức Kiên, theo ông, thành công của TH True Milk chứa đựng những hàm ý gì đối với các doanh nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Trước hết chúng ta thấy Tập đoàn TH không đơn thuần là một doanh nghiệp xuất khẩu, mà là một nhà sản xuất, đồng thời gắn với vùng nguyên liệu. Như vậy bản thân trong Tập đoàn TH họ đã hình thành một chuỗi sản xuất hàng hóa từ khâu nuôi trồng, khâu giống cho đến khâu sản xuất chế biến đến tìm hiểu thị trường và bán ra thị trường.

Ở đây chúng ta thấy bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn xâm nhập vào thị trường Trung Quốc là nếu không nghiên cứu thị trường một cách bài bản, nếu không có khoa học công nghệ để áp dụng từ khâu đầu và chứng minh sản phẩm bảo đảm chất lượng trong chuỗi sản xuất thì tính cạnh tranh và khả năng vượt qua hàng rào kỹ thuật mà các nước đang xây dựng là rất khó.

Cũng lưu ý thêm một điều liên quan đến một vấn đề lớn nữa trong Dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào năm 2021 tới đây do Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội đang chuẩn bị, đó là phải nghiên cứu quan hệ sản xuất phù hợp với lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nói một cách đơn giản tức là phải có mô hình quản lý xây dựng doanh nghiệp hoặc hợp tác xã hay những cá nhân làm trong lĩnh vực nông nghiệp mà họ đủ lớn để có thể áp dụng được những quy trình công nghệ, hoặc tạo ra chuỗi liên kết giữa những người nông dân nhỏ với nhau theo một quy trình sản xuất hiện đại để có thể đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Ở đây lại dẫn đến vấn đề mà chúng ta đã đặt ra trong quá trình phát triển nông nghiệp thời gian vừa qua. Thứ nhất là mô hình sản xuất kinh tế tập thể, cụ thể như mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp trong hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã 2012… Nhưng cơ bản ở đây chúng ta phải quan niệm đất đai là một tư liệu sản xuất đặc biệt và thống nhất quan điểm theo Hiến pháp 2013. Đất đai là tài sản quốc gia thì ai sử dụng tài sản ấy có hiệu quả nhất phải ưu tiên để cho họ sử dụng và đem lại lợi ích cao nhất cho đất nước, cho người dân.

Trong quá trình nhận thức này vai trò của cơ quan quản lý nhà nước rất quan trọng và chúng ta phải nhớ lại là kinh tế tư nhân là động lực quan trọng phát triển kinh tế nhưng nếu không có nhà nước và doanh nghiệp lớn với vai trò là bà đỡ thì các kinh tế hộ nhỏ lẻ sẽ cần rất nhiều thời gian để liên kết lại thành một doanh nghiệp lớn, và quá trình đấy chúng ta đã có có bài học trên thế giới về tích tụ sản xuất để hình thành một nền sản xuất công nghiệp là những nước OECD hay những nước công nghiệp G7 phải mất tới 300 năm, còn chúng ta mới chỉ có buông súng, rời khỏi tiếng súng mới bắt đầu từ năm 90 trở lại đây.

BTV: Thưa ông Lê Thanh Hòa, ông suy nghĩ gì về việc sữa tươi của Việt Nam, mà khởi đầu là TH True Milk, đã “đường hoàng” bước vào thị trường Trung Quốc? Làm thế nào để những doanh nghiệp, tập đoàn lớn có thể vượt qua những hàng rào khắt khe để đưa nông sản Việt Nam ra thế giới, ở đây cụ thể là Trung Quốc?

Ông Lê Thanh Hòa: Việc Tập đoàn TH xuất khẩu sản phẩm sữa tươi vào Trung Quốc đã đánh dấu bước ngoặt trong việc chúng ta sẽ đàm phán tiếp, giải quyết các vấn đề về giám sát để xuất khẩu. Ngay bản thân Bộ NN – PTNT đã hết sức cố gắng trong việc xây dựng các chương trình giám sát dịch bệnh, đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm.


Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản phát biểu Ảnh: Quang Khánh

Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn lao hơn là việc đơn thuần xuất khẩu một sản phẩm sữa, bởi thực tế TH True Milk đã làm rất tốt vấn đề thị trường, vấn đề giám sát an toàn thực phẩm, đây cũng là thương hiệu rất nổi tiếng của Việt Nam. Một sản phẩm sữa đi vào con đường chính ngạch, xuất khẩu vào Trung Quốc, từ đó, chúng ta cũng mở ra hướng đi lớn hơn về các sản phẩm khác nữa, các thị trường khác nữa.

Chúng tôi đã phối hợp với các chuyên gia và cơ quan quản lý của Trung Quốc có các nghiên cứu, đánh giá cụ thể hơn về tình hình xử phạt, diễn biến giữa 2 nước. Những chương trình giám sát đó là chìa khóa quan trọng trong việc hỗ trợ công nhận tương đương, đưa sản phẩm 2 nước xuất khẩu cho nhau, tính đến cân bằng thương mại cho cả 2 nước.

Trên thực tế, tôi cho rằng, doanh nghiệp lớn hay nhỏ, nếu chúng ta làm tốt vấn đề quản lý cũng như giám sát sát phẩm, tôi cho rằng các doanh nghiệp sẽ đều có cơ hội như nhau. Năm 2009, Trung Quốc đưa ra Nghị định 108 giám sát tất cả các doanh nghiệp có sản phẩm có nguồn gốc động, thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ như chế biến cá tra thành bột cá tra, các nhà máy thu mua nguyên liệu từ nhà máy chế biến gạo để xử lý và xuất khẩu sang Trung Quốc làm thức ăn chăn nuôi. Nếu họ tuân thủ đầy đủ các quy định của Trung Quốc thì họ hoàn toàn đưa được sản phẩm vào Trung Quốc.

Như vậy, không chỉ những tập đoàn lớn như TH mới có thể vượt qua những hàng rào kỹ thuật mà ngay những doanh nghiệp nhỏ cũng có thể. Vấn đề là họ nắm bắt cơ hội và những chính sách của nước sở tại thay đổi như thế nào.

Cơ quan quản lý và doanh nghiệp xoay chuyển ra sao để thích ứng với bối cảnh mới

BTV: Mở đầu phần trao đổi về chủ đề thứ ba là “cơ quan quản lý và doanh nghiệp xoay chuyển ra sao để thích ứng với bối cảnh mới”, xin được đặt câu hỏi với ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp. Thưa ông, như ông trao đổi lúc trước, việc Trung Quốc  siết chặt nhập khẩu sẽ tạo ra một bộ phận nông dân đứng ngoài cuộc, thờ ơ với sự thay đổi này. Vậy theo ông, từ góc độ Nhà nước và tự thân người nông dân cần làm gì để khắc phục tình trạng này?

Ông Hoàng Trọng Thủy: Đấy là cuộc trường chinh chứ không đơn giản. Trước hết, phải xây dựng được chuỗi liên kết. Chỉ khi đứng được vào chuỗi giá trị, chuỗi liên kết thì mới bước chân vào chuỗi cung ứng để thúc đẩy xuất khẩu ra thế giới, trong đó có Trung Quốc. Trong đó, doanh nghiệp phải đóng vai trò dẫn dắt.

Một vấn đề đặt ra hiện nay là ở các tỉnh chưa có dòng nông sản chủ lực, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, liệu các doanh nghiệp này đảm nhiệm được đưa nông sản ra thị trường của Trung Quốc không? Với cách nghĩ của tôi thì doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó và không đủ sức vào thị trường này đâu. Bởi nghiên cứu thị trường rất tốn kém, thêm nữa phải đàm phán với đối tác. Nên nhớ, ở Thái Lan, mặc dù họ ký kết để đưa được 14 loại rau, hoa quả vào Trung Quốc, nhưng sau đó mỗi năm họ chỉ phát triển được 1 mặt hàng và phải mất tới 17 năm, họ mới đưa được 40 loại trái cây vào thị trường này. Vậy thì làm sao doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đảm nhiệm được việc này, chưa kể tính chuyên nghiệp và sự thông hiểu luật pháp quốc tế. Như vậy, không có doanh nghiệp thì không thể thành công.

Thứ hai, phải xây dựng tổ chức kinh tế của nông dân vững mạnh, thật sự chất lượng chứ không phải hình thức. Thống kê cho thấy hiện có hơn 50% HTX hoạt động hiệu quả, nhưng thực tế có bao nhiêu HTX đã bước được vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng? Rõ ràng, nếu tổ chức kinh tế của nông dân còn yếu thì không thể tập hợp được nông dân, không thể đoàn kết và huấn luyện được người nông dân trở thành những nông dân chuyên nghiệp. Khi người nông dân không thể trở thành người lao động chuyên nghiệp thì đừng nói đến chuyện đứng trong chuỗi giá trị!

Thứ ba, về chính sách của Nhà nước, phải có sự khẩn trương cao nhất về vấn đề đất đai. Đất đai là tài sản của quốc gia, bây giờ hãy trao lại cho những người có năng lực tổ chức nhất, người ta sẽ tạo ra giá trị sinh lời cao nhất. Tất cả những người nông dân sẽ trở thành một hộ trong một khâu, một quy trình trong sản xuất đó.

Cuối cùng, người nông dân và chúng ta hãy bớt đi kiểu tuyên truyền dân túy. Việc kêu gọi người nông dân hãy yêu sản phẩm của mình đã là quá khứ. Bây giờ, người nông dân phải làm thị trường, còn dẫn dắt và khai phá thị trường phải là trách nhiệm của doanh nghiệp. Cho nên phải giải quyết vấn đề về đất đai, bởi tiêu chuẩn đầu tiên để có sản phẩm xuất sang Trung Quốc, để được cấp mã vùng là chúng ta phải sản xuất trong một diện tích lớn, từ 10ha thay vì cách làm manh mún, nhỏ lẻ như lâu nay. Tôi tha thiết rằng,  những chính sách đất đai cần sớm rõ ràng để có thể tạo điều kiện cho những người sản xuất giỏi, các trang trại giỏi trở thành lực lượng vệ tinh cùng các doanh nghiệp bước vào con đường sản xuất nông sản sang Trung Quốc.

Tôi hoàn toàn đồng ý việc phải xây dựng doanh nghiệp đầu đàn để dẫn dắt những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu không có chuyến tàu dẫn dắt (là những doanh nghiệp đầu đàn) thì đó chỉ là những chuyến xe cút kít để chở hàng nông sản của chúng ta ra thế giới. Và khi đó sẽ bị những chuyến tàu lớn hất văng ra bên ngoài.

BTV: Về phía doanh nghiệp, họ mong muốn gì ở cơ quan quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy chính ngạch các sản phẩm của mình vào thị trường Trung Quốc? Xin mời bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Giám đốc Kinh doanh Quốc tế, Tập đoàn TH, chia sẻ ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm đưa nông sản Việt Nam ra thế giới, cụ thể ở đây là thị trường Trung Quốc?

Bà Hoàng Thị Thanh Thủy: TH tâm niệm trí tuệ Việt, tài nguyên thiên nhiên Việt cùng với công nghệ cao đầu mối của thế giới là chìa khóa thành công của TH. Tôi tin tưởng rằng, doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng được công thức này để chinh phục thị trường khó tính của thế giới.

Thực tế là, tài nguyên thiên nhiên Việt rất phong phú, trí tuệ Việt không thua kém quốc gia nào, cuối cùng là ứng dụng công nghệ cao đưa sản phẩm của mình đạt đầy đủ chỉ tiêu theo quy trình tốt nhất theo phê chuẩn quốc tế.

Chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ và đồng hành cùng Chính phủ để hành trình con đường không chỉ chinh phục thị trường đông dân nhất mà còn là các thị trường tiềm năng khác, với khát vọng đưa ly sữa tươi sạch Việt vươn xa thế giới. Ngoài ra, Chính phủ có những quy chuẩn, quy định quốc gia về các mặt hàng nông sản thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Bởi, khi có tiêu chuẩn rồi thì chúng ta sẽ tự tin đưa sản phẩm của mình vươn tầm quốc tế.

Tiếp đến là, cần có những quy định minh bạch hơn về thị trường sữa. Hiện nay, sản phẩm sữa có sữa tiệt trùng nhưng hiện người tiêu dùng vẫn nhầm lẫn, chưa phân biệt là sữa tươi. Cho nên, chúng tôi rất mong sẽ ghi là sữa tươi tiệt trùng khi đó người tiêu dùng sẽ không nhầm lẫn sữa hoàn nguyên hay sữa pha lại.

BTV: Thưa ông Lê Thanh Hòa, Bộ NN – PTNT có những định hướng gì đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong thời gian tới? Ông có khuyến cáo gì với doanh nghiệp chế biến nông sản và nông dân để đáp ứng được yêu cầu của thị trường cũng như sự chuyển hướng chính sách nhập khẩu của Trung Quốc?

Ông Lê Thanh Hòa: Mở cửa thị trường là khâu mấu chốt mà cơ quan nhà nước phải đi đầu để giải quyết. Nếu chúng ta không mở cửa thị trường thì chắc chắn không thể xuất khẩu được.

Ở Thái Lan, rau và hoa quả xuất sang thị trường Trung Quốc họ có 22 loại thì Việt Nam mới có 9 loại. Thời gian qua, Bộ NN – PTNT nhận được thông tin và nhu cầu từ phía địa phương thì cũng là tín hiệu để Bộ có thể triển khai hoạt động, cung cấp tài liệu…  Bởi theo yêu cầu của Trung Quốc tất cả nông sản nhiệt đới vào họ thì họ có yêu cầu bắt buộc phải đánh giá rủi ro.

Quá trình này không thể ngày một ngày hai có thể làm được ngay, việc đánh giá theo tuần tự đó mất tối thiểu 3 năm hoặc dài hơn. Về sản phẩm sữa mất gần 6 năm để hoàn thiện hồ sơ đánh giá rủi ro, chúng ta phải hoàn thiện cả hệ thống trong việc xây dựng chi phí giám sát là không hề đơn giản.

Thông tin mà Bộ NN – PTNT nhận được từ các địa phương hay doanh nghiệp về vấn đề: nên làm sản phẩm nào trước sản phẩm nào sau thì phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn, đặc biệt là thời gian tới khi vấn đề thị trường cho nông sản Việt ngày càng cấp bách.

Hiện tại Bộ NN – PTNT cũng đang đề nghị các đơn vị triển khai theo thứ tự các mặt hàng nông sản Việt Nam ưu tiên và sắp tới đối với thị trường Trung Quốc chúng ta chuẩn bị có tới 3 sản phẩm được đưa qua là khoai lang tím, thạch đen, sầu riêng. Đây là tín hiệu nỗ lực của Bộ NN – PTNT trong thời gian vừa qua phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để đẩy nhanh việc đánh giá rủi ro. Tôi nghĩ trong năm tới chúng ta sẽ có thêm nhiều sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Và ở đây tôi cũng mong muốn Quốc hội có những ưu đãi cho ngành nông nghiệp trong việc đầu tư các chương trình, đặc biệt là những chương trình trọng điểm, xây dựng những chương trình giám sát. Cụ thể như thủy sản, cần có những chương trình giám sát dịch bệnh đối với các loài nhiễm thể hay các loại cá da trơn, tôm, cua…

Tất cả các chương trình giám sát này là mấu chốt trong vấn đề đánh giá tương đương giữa các cơ quan quản lý của bên nhập khẩu với nước xuất khẩu để chúng ta có chìa khóa mở cửa vào thị trường của họ.

Do vậy, hỗ trợ của các cơ quan quản lý như Tổng cục Thủy sản, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chăn nuôi trong hoàn thiện kể cả hệ thống kiểm nghiệm, giám sát an toàn thực phẩm… cần phải tiếp tục thúc đẩy trong thời gian tới.

Nếu chúng ta không đủ năng lực để giám sát thì chắc chắn không thể tương đương với quy chuẩn, tiêu chuẩn của nước bạn được. Vừa rồi, chúng ta cũng đã công nhận tương đương hết tất cả các hệ thống liên quan đến thủy sản với Nhật Bản, sắp tới là hệ thống phòng kiểm nghiệm của Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật với các đối tác thương mại…, thì đây là chìa khóa để giảm thiểu những rào cản thương mại.

Về việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp thông lệ quốc tế, chúng ta đã có Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật rồi và doanh nghiệp áp dụng một cách tự nguyện. Nhưng có một vấn đề quan trọng là xác định tiêu chuẩn cơ sở. Bản thân doanh nghiệp như TH hay bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể xây dựng được những tiêu chuẩn của riêng mình, vượt qua tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng thị trường khó tính nhất.

Đầu tư cho việc xây dựng tiêu chuẩn hay quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc trong thực hành là để bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát dịch bệnh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt… Tôi khuyến nghị các doanh nghiệp nên xây dựng tiêu chuẩn của riêng mình. Tiêu chuẩn có thể cao hơn tiêu chuẩn trong nước để có thể đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường mà bản thân doanh nghiệp đang phấn đấu đưa sản phẩm của mình vào.

Ví dụ thực tế về xuất khẩu thủy sản chọn thị trường khó tính nhất là EU, thậm chí khi chưa có luật, chưa có các quy định thì chúng ta đã dịch, áp dụng các quy định về giám sát quản lý của EU. Đây là một ví dụ điển hình để từ đó có thể chuyển sang các lĩnh vực khác như trồng trọt, chăn nuôi. Khi đã đáp ứng được những tiêu chuẩn thị trường khó tính của EU thì lúc đó xuất khẩu sang thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng sẽ đơn giản.

BTV: Thưa bà Mai Thị Ánh Tuyết, theo bà, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần có giải pháp nào để thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc?

Bà Mai Thị Ánh Tuyết: Theo tôi, vai trò của bộ ngành, Chính phủ rất quan trọng để có những doanh nghiệp dẫn dắt, kể cả doanh nghiệp vừa, nhỏ đều có thể vào cuộc được. Vai trò của Nhà nước vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể xuất sang các thị trường khó tính. Hiện, chính sách của chúng ta hơi dàn trải, bây giờ phải đánh giá lại, khi xuất sang thị trường khó tính thì khâu nào là khâu quyết định và phải tập trung vào hỗ trợ, trong đó có ba đối tượng là doanh nghiệp, nông dân. Vì vậy cần có chính sách thực sự đi vào cuộc sống để góp phần tích cực vào vấn đề xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian tới.

Hiện vấn đề về đất đai đang có điểm nghẽn thì cần làm thế nào để tháo gỡ, thứ hai là về vốn, các doanh nghiệp rất cần, thứ ba là về công nghệ. Công nghệ của các doanh nghiệp hiện nay rất lạc hậu, 80% của các công nghệ của doanh nghệ hiện nay ở thời những năm 80, 90 đây cũng là con số cho thấy vai trò của nhà nước phải là bệ đỡ giúp các doanh nghiệp có thể đổi mới công nghệ trong thời gian tới.

Các chính sách cần chú trọng vào những trọng điểm nào để tác động, tháo gỡ những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, người dân. Bên cạnh đó, yếu tố quyết định để xuất sang thị trường Trung Quốc hoặc những thị trường khó tính là chuỗi giá trị. Quy mô của Trung Quốc yêu cầu rất nhiều, vì vậy vai trò của tổ chức sản xuất rất quan trọng đó là hợp tác xã, nhưng hiện nay hợp tác xã không làm được điều đó.

Cần sắp xếp lại những luật ban hành, các nghị định hướng dẫn, các chính sách để làm sao nâng vai trò của hợp tác xã để cùng doanh nghiệp, nông dân tổ chức sản xuất quy mô lớn. Nếu doanh nghiệp không có các hợp tác xã tổ chức sản xuất thì doanh nghiệp cũng không làm được điều đó.

Tiếp theo là nhận thức, hiện nay nhận thức của doanh nghiệp rất mơ hồ trong vấn đề xâm nhập vào thị trường khó tính. Do đó vai trò của nhà nước hiện rất quan trọng, giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức. Bên cạnh đó, phải kịp thời thông tin về thị trường trong đó có thị trường Trung Quốc, trên cơ sở đó doanh nghiệp có cơ sở để xây dựng tiêu chuẩn của mình. Một điều quan trọng để giúp chúng ta có thể sớm vào thị trường thì thủ tục và thời gian kiểm soát cũng phải xem lại để có thể cải tiến ngày càng hiệu quả hơn

BTV: Thưa ông Nguyễn Đức Kiên, theo ông, Quốc hội có thể hỗ trợ gì cho ngành nông nghiệp nói chung, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản nói riêng trong việc thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh, qua đó đáp ứng các hàng rào kỹ thuật để thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cũng như thị trường quốc tế?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Để hỗ trợ cho xuất khẩu nông nghiệp, đặc biệt những sản phẩm gắn với chăn nuôi sang thị trường tiềm năng Trung Quốc, chúng ta phải xác định rõ phân vai giữa các bên (gồm cơ quan lập pháp - cơ quan ban hành chính sách và cơ quan điều hành). Về cơ bản, những hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các quốc gia đều đã ký kết. Các cơ quan của Việt Nam và Trung Quốc cũng đã có biên bản ghi nhớ về tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp, tức là hai bên đều biết những tiêu chuẩn của nhau. Vấn đề ở đây là các cơ quan quản lý nhà nước phải rà soát lại, so sánh tiêu chuẩn của 2 nước để tìm ra những vấn đề nào còn lệch, tiêu chuẩn nào là hàng rào kỹ thuật phi thuế quan để chỉ rõ cho doanh nghiệp và người dân.

Do đặc thù nông nghiệp Việt Nam là kinh tế hộ, sản xuất nhỏ lẻ nên phải có cơ quan, tổ chức liên kết lại với nhau. Đáng ra, vai trò của Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh hợp tác xã là phải liên kết người nông dân song thực tế, vai trò này rất mờ nhạt, hiện mới chỉ làm khâu tôn vinh những người nông dân sản xuất giỏi. Nghịch lý ở chỗ, chúng ta thường coi đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, trong khi các cơ quan này chỉ hoạch định chính sách. Liên kết nông dân phải là công việc của các HTX, các hiệp hội ngành hàng.

Trên thực tế, Quốc hội luôn đồng hành cùng với các thành phần kinh tế trong phát triển sản xuất, nhưng nhiệm vụ Quốc hội không đi sâu vào công việc điều hành cụ thể mà chỉ có thể làm văn bản pháp quy có tính chất hướng dẫn, định hướng. Còn tổ chức thực hiện do bên Chính phủ. Việc liên kết lại do các hiệp hội ngành nghề sản xuất.

Liên quan đến chính sách đất đai (như chuyên gia đề cập ở trên), tại Kỳ họp thứ Tám đang diễn ra, ngày 11.11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kinh tế xã hội, trong đó xác định rõ sẽ nghiên cứu để sửa đổi Luật Đất đai 2013 hy vọng tạo được đồng thuận trong xã hội để tích tụ ruộng đất sản xuất lớn. Chúng tôi sẽ nghiên cứu để sửa Luật này theo hướng phân rõ nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý đất đai để làm sao vừa bảo đảm an ninh lương thực cũng như tính năng động của thị trường, vừa bảo đảm nhu cầu tích tụ ruộng đất để phát triển các doanh nghiệp. Đồng thời, bảo đảm quyền lợi của nông dân đã sinh sống nhiều đời nay trên mảnh đất của mình. Khi ruộng đất của họ được tích tụ thì đạt mục tiêu chuyển người nông dân thành công nhân nông nghiệp, bảo đảm đúng nguyên tắc “ly nông bất ly hương”. Việc sửa đổi Luật cũng theo hướng bảo đảm lợi ích của người sử dụng đất ấy được tối ưu nhất, đóng góp lợi ích cho Nhà nước và xã hội. Đây là những định hướng lớn, còn những điều cụ thể thì chúng tôi sẽ căn cứ trên những nghiên cứu tổng kết 5 năm thực hiện Luật Đất đai và góp ý của các tổ chức, hiệp hội để tiếp thu và hoàn thiện dần.

-------------------------------------------------

* Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân dân. Mọi hình thức sao chép đều phải dẫn nguồn.

ĐBND